Điện thoại "made in Vietnam": Chỉ sản xuất được... cái vỏ nhựa!
Kim ngạch xuất khẩu điện thoại tăng lên từng năm nhưng đến nay, để sản xuất một chiếc điện thoại “made in Vietnam” của doanh nghiệp Việt vẫn là chặng đường dài
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy đến nửa đầu tháng 10-2012, kim ngạch xuất khẩu điện thoại đạt 9,24 tỉ USD, tăng hơn 4,66 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2011, tương đương mức tăng 101,8%. Đây là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao bất chấp tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng chủ yếu là công của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Xuất khẩu điện thoại đạt con số ấn tượng phần lớn nhờ “công” nhà máy Samsung với doanh số xuất khẩu mỗi tháng lên tới cả tỉ USD nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu nên công nghiệp điện thoại trong nước hưởng lợi rất ít.
TS Nguyễn Minh Phong
|
Chỉ có “mác Việt”!
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu điện thoại đạt hơn 2,3 tỉ USD. Điện thoại bắt đầu trở thành mặt hàng nằm trong tốp đầu kim ngạch xuất khẩu khi Tập đoàn Samsung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại Bắc Ninh. Con số xuất khẩu điện thoại tăng mạnh mẽ trong thời gian qua. Chỉ 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 8,63 tỉ USD, tăng 122% so với cùng kỳ và trở thành mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao.
Xuất khẩu điện thoại mỗi tháng gần 1 tỉ USD nhưng chủ yếu là từ nhà máy SAMSUNG ở Bắc Ninh
|
Dù vậy, đến nay, ngành công nghiệp điện thoại trong nước vẫn “giậm chân tại chỗ”. Năm 2009 và 2010 được xem là thời kỳ “cực thịnh” của các nhà sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt với sự ra đời của nhiều hãng như Q-Mobile, Bluefone… nhắm vào phân khúc khách hàng tầm trung, giá rẻ. Kế tiếp là hàng loạt thương hiệu Việt khác ra đời như Mobell, MobiStar, F-Mobile... Tuy nhiên, đến nay, các dòng điện thoại gắn mác Việt không còn nhiều chỗ đứng. Ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường Công ty Nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam, cho biết sự dịch chuyển từ điện thoại cơ bản sang smartphone đang diễn ra tích cực tại Việt Nam khiến các hãng điện thoại Việt Nam, Trung Quốc chật vật hơn trong việc giành thị phần.
Nói là điện thoại thương hiệu Việt nhưng thực chất, người trong nghề đều hiểu đây chỉ là cái mác. DN trong nước chỉ sản xuất được… vỏ nhựa, chiếm chưa tới 1% giá trị chiếc điện thoại. “Chúng ta không có nhà máy sản xuất chip, bo mạch, pin…, thử hỏi làm sao có điện thoại “chất Việt” thật sự?” - ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh Thế giới Di động, nhận xét.
Công nghiệp phụ trợ yếu kém
Theo tìm hiểu của chúng tôi, điện thoại thương hiệu Việt trên thị trường lâu nay chỉ là cái mác bên ngoài, còn linh kiện sản xuất và lắp ráp đều được tiến hành ở Trung Quốc. Theo ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, ngành điện thoại trong nước chỉ dừng lại ở việc lắp ráp một phần hoặc nhập khẩu về rồi bán hàng, làm marketing cho sản phẩm nước ngoài, lựa chọn một số ứng dụng…, còn sản xuất một chiếc điện thoại hoàn chỉnh thì chưa.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Samsung Vina, cũng cho biết điện thoại “made in Vietnam” đã được xuất xưởng và phân phối trên toàn thế giới từ năm 2009 khi nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung (SEV) tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Tuy nhiên, điện thoại “thương hiệu Việt” do một DN thuần Việt thiết kế rồi đặt gia công sản xuất ở nước ngoài hoặc tự thiết kế, sản xuất trong nước vẫn chưa có. “Việt Nam thiếu hẳn một nền tảng công nghiệp cơ bản về điện tử - viễn thông. Chúng ta có khả năng tham gia thiết kế, sản xuất nhỏ trong một công đoạn đơn giản nào đó nhưng để thiết kế một sản phẩm hoàn chỉnh, nhất là có hàm lượng công nghệ cao như điện thoại, di động thì chưa đủ khả năng và kinh nghiệm” - ông Đạo nói.
Theo các chuyên gia, điện thoại “thương hiệu Việt” gần như chỉ có cái mác là lỗi của ngành công nghiệp phụ trợ quá yếu kém, không cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các ngành sản xuất khác. Ông Nguyễn Văn Đạo lưu ý: Để phát triển ngành công nghiệp điện thoại, quan trọng là khả năng thiết kế sản phẩm công nghệ cao. Bởi, nếu không có khả năng thiết kế cả phần cứng, phần mềm sản phẩm thì dù công nghiệp phụ trợ có phát triển, DN trong nước cũng chỉ lắp ráp gia công với giá trị thấp.
Chặng đường còn rất dài
Hồi đầu tháng 10, Tập đoàn Viettel công bố chiếc điện thoại di động Sumo 2G V6206 đầu tiên tự sản xuất trên dây chuyền của mình, đánh dấu bước tiến mới của Viettel trong chiến lược sản xuất thiết bị viễn thông. Theo tập đoàn này, đây là sản phẩm tự chế tạo hoàn toàn với quy trình sản xuất, lắp ráp được thực hiện trên dây chuyền sản xuất thiết bị tại Công ty Thông tin M1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, đây chỉ là bước khởi đầu và chặng đường xây dựng ngành công nghiệp điện thoại trong nước còn rất dài.
|
THÁI PHƯƠNG
Người lao động
|