Thứ Ba, 23/10/2012 20:21

“Thị trường viễn thông di động chưa bão hòa”

Thị trường viễn thông vốn đã và đang cạnh tranh rất khắc nghiệt nhưng, nhiều doanh nghiệp viễn thông nhỏ cho rằng họ còn phải chịu sức ép lớn về lợi thế và cơ chế cạnh tranh “chưa thực sự bình đẳng” từ các doanh nghiệp lớn.

Trước vấn đề quản lý để thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bình đẳng, tạo cơ chế để các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội phát triển, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nói với VnEconomy:

- Hiện việc quản lý thị trường viễn thông gồm các mảng. Thứ nhất là cấp phép cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ, thiết lập mạng lưới. Thứ hai là quản lý việc kết nối mạng viễn thông doanh nghiệp. Và thứ ba là quản lý giám sát các doanh nghiệp trong việc triển khai mạng lưới và cung cấp dịch vụ, trong đó có việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với giá cước và dịch vụ, chất lượng dịch vụ và công tác thanh kiểm tra sau này.

Đấy là những mảng quản lý chính để đảm bảo duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông.

Đó là cơ chế quản lý chung để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh và phát triển, tuy nhiên, trên thị trường, đang hình thành các nhóm doanh nghiệp chênh lệch quá lớn về quy mô, thị phần, lợi thế và từ đó liên quan tới cả giá cước dịch vụ…?

Xét về nguyên tắc quản lý kinh tế đối với giá cước và theo hình thức quản lý các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, thì phân các doanh nghiệp ra làm hai loại. Một là các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường chiếm trên 30% thị phần; thứ hai là doanh nghiệp chiếm dưới 30% thị phần.

Với những doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần, ví dụ về mặt giá cước, trước khi họ muốn ban hành một mức giá cước nào đó thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý trên cơ sở không được bán dưới giá thành. Còn đối với doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế thì được quyền ban hành giá cước có thể là thấp hơn cả giá thành của mình nhưng không quá thấp so với mức trung bình hiện đang có trên thị trường.

Về cơ bản nguyên tắc quản lý kinh tế, Nhà nước không để các doanh nghiệp ép giá, phá giá, trong trường hợp có những biến động lớn Nhà nước sẽ tiến hành những biện pháp bình ổn giá cả trên thị trường. Đấy là nội dung lớn nhất về quản lý mà hiện đang nóng trên thị trường viễn thông di động.

Nhưng ngay việc khuyến mại để giữ chân và thu hút thuê bao, với cả các nhà mạng lớn, dường như vẫn “nằm ngoài” khung quản lý?

Khuyến mại nằm trong quản lý giá cước nói chung.

Hiện, theo Luật Thương mại cũng như những nội dung về quản lý khuyến mại đã được Chính phủ ban hành, kết hợp với Luật Viễn thông thì việc quản lý khuyến mại sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của luật định.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư riêng đối với lĩnh vực di động. Sắp tới cũng hoàn hiện một số nội dung quản lý nói chung đối với lĩnh vực viễn thông, với một số dịch vụ viễn thông quan trọng, cơ bản, trên tinh thần không để cho các doanh nghiệp dùng khuyến mại để phá giá thị trường, thứ hai là thực hiện các hành vi khuyến mại nhằm thực hiện mục đích cạnh tranh không lành mạnh.

Nhưng các nhà mạng nhỏ cho biết, hiện tại họ đang rất khó cạnh tranh với các nhà mạng lớn, vậy Bộ có cơ chế gì không để các nhà mạng nhỏ vẫn có thể cạnh tranh, phát triển được?

Về mặt Nhà nước, để duy trì quan điểm cạnh tranh, chúng tôi đang cố gắng duy trì ít nhất là ba nhà cung cấp dịch vụ tương đương nhau trên thị trường. Đối với các nhà mạng khác, đặc biệt là mạng nhỏ thì đỡ bị quản lý hơn. Họ không phải là những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nên được quyền ban hành các giá cước, thực hiện các chương trình khuyến mại mà trong thời gian đầu có thể bị lỗ và xét ra giá dịch vụ có thể thấp hơn giá thành của họ. Vì mạng nhỏ nên giá thành cao.

Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng không được bán với giá quá thấp so với mặt bằng chung trên thị trường. Cách quản lý phi đối xứng như vậy nói chung các nước trên thế giới đều áp dụng và đấy cũng là những biện pháp ưu tiên để giúp cho các nhà mạng nhỏ có cơ hội vươn lên thành những nhà mạng lớn.

Điều đó có nghĩa, cơ hội để phát triển thị phần cho các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn “cửa” và thị trường vẫn chưa đến mức bão hòa?

Thị trường viễn thông di động nói là bão hòa nhưng chưa phải là bão hòa. Ở những khung vực thành hay những khu vực có đời sống phát triển hầu hết các dịch vụ điện thoại cơ bản đã cung cấp cơ bản đến đa phần người dân có nhu cầu.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở những khu vực đời sống còn kém phát triển hơn như nông thông, miền núi vẫn cần tăng cường hơn phát triển các dịch vụ trong đó có dịch vụ điện thoại di động.

Cùng với việc thúc đẩy cạnh tranh và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh ở những khu vực, môi trường kinh doanh có lời, Bộ cũng đang trình Chính phủ chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng đến vùng sâu vùng xa, điều này cũng giúp cho những người dân tiếp cận các dịch vụ.

Thủy Diệu

TBKTVN

Các tin tức khác

>   "Phải xóa bỏ cơ chế độc quyền trong ngành điện" (23/10/2012)

>   IFC: Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh (23/10/2012)

>   Người tiêu dùng thay đổi, kênh thương mại phát triển theo (23/10/2012)

>   Bộ Tài chính thống nhất giảm giá bán than nội địa (23/10/2012)

>   “Hạn cuối cùng” cho Đông Dương Telecom (23/10/2012)

>   Nhập siêu tháng 10 ước khoảng 500 triệu USD (23/10/2012)

>   PepsiCo bán 51% cổ phần tại Việt Nam cho công ty Nhật (23/10/2012)

>   Đặt hàng Quốc hội (23/10/2012)

>   Lotte Mart thành 100% vốn nước ngoài (23/10/2012)

>   Lilama thắng kiện hơn 4 triệu USD ở nước ngoài (23/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật