Thứ Tư, 24/10/2012 08:09

Xuất khẩu cá tra cuối năm: Hàng ế chất đầy kho lạnh

Xuất khẩu thuỷ sản, nhất là mặt hàng cá tra gần như đóng băng. Hàng hoá tồn đọng kẹt cứng ở các kho lạnh. Tình trạng này dự báo còn kéo dài đến hết năm nay…

Chiều 23.10, trong vai doanh nghiệp liện hệ thuê kho lạnh trữ cá tra, chúng tôi được nhân viên phụ trách công ty kho lạnh ở khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An thông báo không còn kho trống. Mặc dù đã trả cao hơn thị trường mỗi tấn hàng 0,1 USD/ngày, nhưng nhân viên kho lạnh này vẫn từ chối và nói rằng, toàn bộ diện tích kho lạnh của công ty đã được thuê hết để chứa hàng thuỷ sản.

Chuyển tồn kho ra nước ngoài!

Theo Vasep, mặc dù nuôi cá tra gặp khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nhưng sản lượng chín tháng năm 2012 vẫn tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 865.000 tấn. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tiết lộ vừa qua có nhiều đơn vị thành lập công ty con ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ, châu Âu, sau đó bán hàng qua công ty này để lập hồ sơ vay vốn ngân hàng. Như vậy, số lượng thống kê xuất khẩu tăng, nhưng thực chất thay vì tồn kho trong nước thì doanh nghiệp chuyển tồn kho ra nước ngoài.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu giảm 1,8% do giá cá giảm. Theo tính toán của một số doanh nghiệp, với giá cá tra ở mức gần 22.000 đồng/kg như hiện nay, để làm ra 1kg cá tra philê cần 2,5kg nguyên liệu, tương đương 55.000 đồng. Xuất khẩu khó khăn, chi phí tồn kho làm đội giá thành hơn 700 đồng/kg philê mỗi tháng. Trong lúc đó, nhiều doanh nghiệp do tình hình tài chính yếu kém nên buộc phải bán cá với bất kỳ giá nào để tạo ra thanh khoản dòng tiền nhằm tự nuôi sống chính mình. Ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc công ty Thuỷ sản Cần Thơ (Cafatex), cho biết với giá thành hơn 50.000 đồng/kg philê mà vẫn có doanh nghiệp chỉ chào giá có 2,2 – 2,4 USD/kg. Bán dưới giá thành như vậy, theo ông, các nhà máy đang ăn vào vốn. “Rơi vào tình cảnh hiện nay nếu không ăn thì không được. Chỉ cần một tuần, một tháng không có dòng tiền xuất khẩu quay về để làm nóng tài khoản thì ngân hàng sẽ ngưng cho vay ngay lập tức”, ông Kịch phân tích.

Việc chấp nhận chịu lỗ bán dưới giá thành để đẩy hàng tồn, xoay vòng đồng vốn đang xảy ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish cho rằng, đó là con dao hai lưỡi. Thị trường xuất khẩu rất khó hồi phục trong ngắn hạn, doanh nghiệp bán rẻ cá không thể chịu đựng lâu. Hơn nữa, việc xuất khẩu bằng mọi giá còn tạo tiền lệ xấu cho khách hàng ép giá. Bán rẻ cá còn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp làm ăn gian dối, quay tăng trọng để hạ chất lượng gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu cá tra.

Hàng tồn từ kho lạnh đến ao nuôi

“Thành tích” sản lượng xuất khẩu đầu năm càng lu mờ hơn khi mà hiện tại các kho lạnh đầy ắp cá tồn kho. Chúng tôi thử liên hệ thêm một số kho lạnh ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Tân Tạo và một vài kho ở Cần Thơ, An Giang thì không kho nào còn trống số lượng lớn, đa phần đều kẹt cứng. Hầu hết nhà máy chế biến cá tra có xây kho lạnh trữ hàng, rất ít khi họ đi thuê kho. Nay kho thuê ngoài cũng quá tải là bi kịch về tồn kho.

Báo cáo tỷ lệ hàng tồn kho hàng thuỷ sản chế biến, gia súc gia cầm mà bộ Công thương vừa mới cập nhật chín tháng đầu năm 2012 đã tăng trên 34%. Theo hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), thuỷ sản chế biến tồn kho chủ yếu nằm ở mặt hàng cá tra bởi cái khó lớn nhất của các doanh nghiệp trong mấy tháng qua là đầu ra không có.

Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang, cho biết công ty này phải thực hiện biện pháp giảm sản lượng chế biến từ hơn 200 tấn cá nguyên liệu/ngày xuống còn trên dưới 100 tấn vì… có làm ra nhiều thì cũng chỉ để... tồn kho. “Nếu ngưng hoàn toàn thì có khác gì công bố phá sản nên vẫn phải làm cầm chừng để nuôi công nhân, bán hàng ra từ từ để có dòng tiền, ngân hàng mới tiếp tục giải ngân”, ông Ký nói. Xác định con số tồn kho đối với cá tra là bao nhiêu vào lúc này là rất khó, bởi doanh nghiệp ngại nói ra khó khăn của mình. “Tôi chỉ biết các kho lạnh đã và đang đầy nhóc cá. Tình hình này có thể kéo dài đến hết năm”, ông Ký nói thêm.

Không chỉ tồn kho dạng thành phẩm, cả doanh nghiệp, người nuôi cá còn cho hay cá tra còn tồn kho cả… dưới ao.

Thông thường, từ tháng 9 đến hết năm dương lịch thị trường châu Âu, Mỹ, Nga, Trung Đông… bắt đầu vào mùa tiêu thụ cá tra nhiều nhất trong năm. Chính vì vậy mà từ đầu quý 2, các nhà máy bắt đầu tăng tốc làm hàng để đến đầu quý 3 kịp giao cho khách hàng tiêu thụ mùa Noel, tết dương lịch. Tuy nhiên, mùa tiêu thụ năm nay khó khăn do châu âu, Mỹ, Trung Đông… khủng hoảng kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm rất mạnh. Nhà nhập khẩu cũng không còn được ngân hàng bảo lãnh tín dụng để nhập khẩu dự trữ, đầu cơ như các năm trước nên buộc phải áp dụng chính sách tiêu thụ tới đâu mua tới đó.

Hoàng Bảy

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Hơn 90% nguyên liệu nhựa phải nhập khẩu (24/10/2012)

>   Điện thoại "made in Vietnam": Chỉ sản xuất được... cái vỏ nhựa! (23/10/2012)

>   “Thị trường viễn thông di động chưa bão hòa” (23/10/2012)

>   "Phải xóa bỏ cơ chế độc quyền trong ngành điện" (23/10/2012)

>   IFC: Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh (23/10/2012)

>   Người tiêu dùng thay đổi, kênh thương mại phát triển theo (23/10/2012)

>   Bộ Tài chính thống nhất giảm giá bán than nội địa (23/10/2012)

>   “Hạn cuối cùng” cho Đông Dương Telecom (23/10/2012)

>   Nhập siêu tháng 10 ước khoảng 500 triệu USD (23/10/2012)

>   PepsiCo bán 51% cổ phần tại Việt Nam cho công ty Nhật (23/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật