Thứ Năm, 25/10/2012 06:12

DN không muốn giãn thuế vì lo 'mang nợ'

Trung bình, mỗi doanh nghiệp (DN) được gia hạn hơn 57 triệu đồng thuế VAT, 40 triệu đồng tiền thuế TNDN. Doanh nghiệp muốn giảm thuế nhưng Chính phủ vẫn chỉ cho giãn, hoãn. Nhiều DN không xin giãn thuế vì sợ "mang nợ vào thân".

DN muốn giảm nhưng chỉ được giãn

Gói cứu trợ DN đã tung ra được 4 tháng nhưng vẫn không chặn đứng được làn sóng phá sản, giải thể liên tục tăng lên. Chín tháng qua, nền kinh tế chứng kiến sự "ra đi" của 40.190 DN, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011, gần bằng số DN thành lập mới mỗi năm. Chỉ trong quý III, số DN bị khai tử hay đang chết lâm sàng đã tăng thêm 52%. Trong khi đó, theo con số từ Bộ Tài chính, số DN hồi sinh quá ít ỏi khi chỉ có 6.100 DN  hoạt động trở lại .

"Quy mô gói cứu trợ DN rất nhỏ so với mức độ khó khăn hiện nay của DN và người dân. Hiệu quả còn rất hạn chế", TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá như vậy tại Diễn đàn kinh tế mùa thu vừa qua.

Dệt may không mặn mà với gia hạn VAT

Thực tế, không khó để chứng minh góc nhìn của TS Cung. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến tháng 9, tổng số thuế VAT được gia hạn là khoảng 11.000 tỷ đồng cho 190.280 DN. Với con số này, trung bình, mỗi DN được gia hạn chỉ có 57 triệu đồng.

Tương tự, tổng số nợ thuế thu nhập DN đã được giải quyết gia hạn là 2.933 tỷ đồng cho khoảng 71.640 đơn vị. Như vậy, ước trung bình, mỗi DN được gia hạn 40 triệu đồng tiền thuế.

Với tổng số 250,3 tỷ đồng giá trị giảm 50% tiền thuê đất 2012 cho khoảng 2.425 DN thì trung bình, mỗi DN được "nợ" 103 triệu đồng.

Và với khoảng 10 tỷ đồng tiền miễn, hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và làm muối thì có thể ước được mỗi hộ này được "lợi" 298.000 đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tại buổi đối thoại giữa hải quan và DN mới đây vui mừng chia sẻ: "Khi gia hạn thêm thuế VAT của tháng 6 trong 3 tháng tới nghĩa là, Nhà nước đã giúp cho các DN sẽ có thêm nguồn vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh".

Nhưng trái ngược với sự lạc quan về chính sách "cứu trợ" bổ sung đó, nhiều DN lại hụt hẫng.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói: "Chúng tôi đã đề nghị giảm thuế VAT từ lâu nhưng không được chấp thuận. Trên thực tế, các biện pháp hỗ trợ có giá trị nhất đối với các DN là phải tháo gỡ đầu ra, nếu không thì cực kỳ khó khăn".

Trong 9 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ của ngành thép đã âm 10% so với 2011. Hầu hết, các DN đã phải tiết giảm sản xuất nên tồn kho không còn cao lắm. Cho đến 30/9, tồn kho là 330.000 tấn thép, tùy nhà máy.

Ông Nghi lo ngại: "Để giải phóng hàng tồn kho, các DN tìm mọi cách để giảm giá nhưng theo cách này, lỗ hết lượt cả. Tình hình như thế sẽ rất căng!"

Theo vị Phó chủ tịch Hiệp hội Thép, muốn gỡ đầu ra cho DN, Nhà nước cần giảm thuế, chứ không phải là gia hạn thuế. Điểm thứ hai là Nhà nước cố gắng đẩy mạnh triển khai những dự án về giao thông, làm đường bê tông, nhất là các dự án ông, vốn ODA, dự án FDI... để kích thích tiêu thụ vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cần cố gắng giảm nữa.

Hiệu quả khiêm tốn

Chia sẻ với VietnamNet, ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Mỹ Hảo không ngại ngần nói: "Để hỗ trợ DN thiết thực nhất thì vẫn nên là giảm thuế như thuế VAT, thuế TNDN. Hiện, công ty không đăng ký hưởng gia hạn VAT vì xét cho cùng, giải pháp hỗ trợ tưởng được lợi này rốt cục là tạo thêm một gánh nợ và thủ tục hành chính cho DN".

Thông tin từ ông Vinh cho biết, mỗi năm, công ty Mỹ Hảo có doanh thu khoảng 80 tỷ đồng, VAT 10% ước khoảng 8 tỷ đồng. Nếu xin gia hạn VAT thì tức là, mang một món nợ 8 tỷ vào năm sau, như vậy là gia tăng thêm gánh nợ thuế cho DN chưa kể, năm sau còn nhiều phi phí khác. Vì vậy, công ty này đã chọn giải pháp là "gắng nộp thuế" thay vì "xin nợ thuế".

Trong khi đó, Bộ Công Thương vừa qua có đề cập "xin" giảm thuế  VAT từ 10% xuống 5% nhưng chỉ "xin" cho 4 ngành dệt may, phân bón, hóa chất, da giày. Một đại diện của công ty May Thái Nguyên nói với VietnamNet: "DN làm hàng xuất khẩu thì giảm VAT cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều".

Đánh giá về gói cứu trợ, TS Nguyễn Đình Cung tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu bày tỏ: "Các giải pháp giảm, giãn nộp thuế về lý thuyết có giá trị khoảng 36 ngàn tỷ đồng nhưng chỉ là giản, hoãn nộp thuế. Nói cách khác, nó chỉ có thể giảm gánh nặng có tính thời điểm cho DN. Hệ quả là chất thêm gánh nặng về thuế cho năm 2013 và các năm tiếp theo".

Theo tính toán của ông, lợi ích thực sự mà các DN và người dân có thể được hưởng là khoảng 11 nghìn tỷ đồng theo ý nghĩa là được "chiếm nguồn thu" của ngân sách nhà nước trong thời hạn 6 tháng. Nhưng số giá trị mà DN được hưởng trên thực tế có thể thấp hơn nhiều.

Một giải pháp khác vốn được hầu hết DN mong mỏi là hạ lãi suất vay ngân hàng cũng đã được triển khai. Ông Cung đánh giá, có thể coi đây là giải pháp cơ bản có thể giúp DN giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn đối với DN. Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, đến ngày 20/8, số tín dụng với lãi suất cao hơn 15% năm đã giảm từ khoảng trên 70% (trước ngày 15/7) xuống còn khoảng 29% tổng số tín dụng cho DN.

Tuy nhiên, dù lãi suất thấp nhưng với đại đa số DN bên bờ vực thua lỗ, đang nợ nần chồng chất thì khó đủ điều kiện để được tiếp tục vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, chi phí mà DN phải thanh toán để vay được vốn có khi còn cao hơn.

Phạm Huyền

Diễn đàn kinh tế VN

Các tin tức khác

>   17% khách mua ôtô tại Việt Nam kêu bị “ép” (24/10/2012)

>   Lotteria lùi thời điểm nhượng quyền (24/10/2012)

>   Khu kinh tế Dung Quất: Ngổn ngang những công trình đứt gánh giữa đường (24/10/2012)

>   Sẽ có nhiều hợp tác xã quy mô tổng công ty (24/10/2012)

>   “Cuộc chiến pháp lý” ở nước ngoài của Lilama (24/10/2012)

>   Xuất khẩu cá tra cuối năm: Hàng ế chất đầy kho lạnh (24/10/2012)

>   Hơn 90% nguyên liệu nhựa phải nhập khẩu (24/10/2012)

>   Điện thoại "made in Vietnam": Chỉ sản xuất được... cái vỏ nhựa! (23/10/2012)

>   “Thị trường viễn thông di động chưa bão hòa” (23/10/2012)

>   "Phải xóa bỏ cơ chế độc quyền trong ngành điện" (23/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật