Thứ Năm, 04/10/2012 06:48

Sawaco: chưa cần sử dụng nước thô hồ Dầu Tiếng

TPHCM sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến ống dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng, Trị An làm nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố; tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) thì đây chưa hẳn là giải pháp căn cơ.

Cần bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (3-10), ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Sawaco, cho rằng nguồn nước sông Sài Gòn nếu kiểm soát tốt thì chất lượng vẫn đảm bảo cho nên việc xây đường ống dẫn nước từ Dầu Tiếng về chưa phải là giải pháp căn cơ.

Theo ông Hải, hiện mức độ ô nhiễm nước sông Sài Gòn có gia tăng nhưng tùy từng vùng và tình hình ô nhiễm vẫn trong tầm kiểm soát và việc cần làm là tăng cường kiểm soát ô nhiễm sông Sài Gòn quyết liệt hơn.

Trước đó, vào ngày 19-6, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cấp nước TPHCM đến 2025; theo đó thành phố sẽ khai thác nguồn nước thô từ các hồ Trị An, Dầu Tiếng - Phước Hòa để thay thế cho nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn trong trường hợp các con sông này bị ô nhiễm và nhiễm mặn.

Hiện Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đang xin UBND thành phố được triển khai dự án này với tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng và một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn Dầu Tiếng (Sadacorp) cũng muốn triển khai dự án với tổng vốn đầu tư 9.000 tỉ đồng.

Lo ngại giá nước tăng cao

Theo ông Hải, trong đề xuất dự án, CII đã đề xuất triển khai xây dựng đường ống đưa nước từ Dầu Tiếng về và bán nước thô lại cho Sawaco nhưng giá nước đưa ra khá cao, khoảng 6.000 đồng/m3. Giá này, cộng với chi phí xử lý nữa thì giá nước đến tay người dân sẽ bị đội lên rất cao.

Trong khi đó, với mức đầu tư đề xuất lên đến 9.000 tỉ đồng, giá bán nước thô mà Sadacorp đề xuất bán cho Sawaco trung bình là 9.500 đồng/m3. Cũng theo phân tích của ông Bạch Vũ Hải, đây là mức giá quá cao cho dù dự án giúp lấy được nguồn nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng nên chất lượng nước sẽ tốt hơn rất nhiều vì loại bỏ được các nguồn gây ô nhiễm dọc sông.

Với giá bán nước thô cao như đề xuất của hai công ty trên thì giá nước sạch đến tay người tiêu dùng sẽ còn cao hơn nhiều vì phải cộng thêm chi phí mà Sawaco đầu tư cho trạm bơm nước sạch, mạng lưới truyền tải cấp 1, 2, 3 từ nhà máy nước Tân Hiệp đến khi hòa mạng, khi đó giá thành nước sạch đến tay người dân ước tính lên đến 12.000 đồng/m3.

Chưa cần nước thô hồ Dầu Tiếng

Cũng theo ông Bạch Vũ Hải, Cục Quản lý thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết dùng nước hồ Dầu Tiếng đẩy mặn sông Sài Gòn 6-7 m3/giây, tương ứng với công suất lấy nước thô lên đến 600.000 m3/ngày (hiện nay công suất nhà máy nước Tân Hiệp 1 thuộc Sawaco đang hoạt động là 300.000 m3/ngày).

Do vậy, Sawaco khẳng định đơn vị này chỉ cần nguồn nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng sau khi Sawaco đầu tư xây dựng thêm nhà máy nước Tân Hiệp 3 giai đoạn sau năm 2018. Từ nay đến năm 2015 khi nhà máy nước Tân Hiệp 2 (300.000 m3/ngày) vận hành thì vẫn chưa lo đến việc nguồn nước thô.

Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, thành phố đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu giải pháp tối ưu để khai thác nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An, biên bản ghi nhớ ký ngày 12-4-2012 và dự kiến nghiên cứu xong vào cuối năm nay.

Do vậy, ông Kỷ cho rằng để sử dụng nguồn nước Dầu Tiếng, Trị An hiệu quả trong đầu tư và khai thác, cần chờ báo cáo kết quả nghiên cứu của JICA.

Văn Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Khoáng sản kẹt cứng vì hàng tồn kho (04/10/2012)

>   Cảng Vân Phong “lỡ nhịp” (04/10/2012)

>   VNPT vẫn muốn sáp nhập VinaPhone - MobiFone (03/10/2012)

>   Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho việc nuôi, chế biến, tiêu thụ cá tra (03/10/2012)

>   Ngành dệt may đề xuất hưởng ân hạn thuế 275 ngày (03/10/2012)

>   Hàng tồn kho: đại hạ giá vẫn khó bán (03/10/2012)

>   “Tôi tin cải cách DNNN sẽ được đẩy thêm một bước” (03/10/2012)

>   Xuất khẩu dệt may 15 tỷ USD: Mục tiêu trong tầm tay (03/10/2012)

>   Vốn đầu tư: “Cho ăn nhiều chưa phải là tốt” (03/10/2012)

>   Mitsubishi hướng tới thị trường đóng tàu Việt Nam (03/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật