Thứ Tư, 03/10/2012 11:30

Vốn đầu tư: “Cho ăn nhiều chưa phải là tốt”

Doanh nghiệp và ngân hàng đều đang khó khăn, doanh nghiệp nhà nước yếu kém, môi trường đầu tư kém hấp dẫn... cần những lời giải căn cơ thay vì những giải pháp ngắn hạn.

Đó là ý kiến của TS Trần Đình Thiên, ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, khi trao đổi với chúng tôi. Ông Thiên nói:

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2012 tăng tới 2,2%, cao nhất trong 16 tháng qua, là điều đáng lo ngại trong tình hình các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Điều đáng nói là đề án tái cơ cấu đã có, một số hoạt động đã được triển khai, nhưng vẫn chưa thấy những hành động mang tính bài bản để đem lại những hiệu quả có thể đong đếm được.

* Nhiều ý kiến cho rằng chưa nên tăng giá các mặt hàng cơ bản trong tháng 10-2012 do lo ngại lạm phát cao quay lại, quan điểm của ông thế nào về câu chuyện lạm phát trong thời gian tới?

- Điều đáng lo nhất là ngay cả khi cung ứng tiền chưa nhiều, mà CPI đã phản ứng và tăng rất nhanh, chứng tỏ nền kinh tế đang rất nhạy cảm, tâm lý lạm phát còn nhiều. Trong khi đó, Chính phủ vẫn chưa có thái độ rõ ràng trong việc nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp hay vẫn thắt chặt. Theo tôi, CPI tháng 9-2012 cho thấy việc nới lỏng tiền tệ, cho ứng vốn đầu tư... cần cực kỳ thận trọng. Như cơ thể một người đang ốm, cho ăn nhiều cũng chưa phải là tốt, nó có thể gây phản ứng tiêu cực. Trong bối cảnh hiện nay, không nên kỳ vọng vào tăng trưởng mà nên tập trung vào tái cơ cấu.

* Nhưng tái cơ cấu sẽ cần rất nhiều tiền, riêng tái cơ cấu ngân hàng đã có thể rất tốn kém rồi?

- Đã phải tái cơ cấu thì xác định phải tốn tiền, trong đó có tiền ngân sách. Tất nhiên tiêu tiền vào tái cơ cấu thì nguồn lực cho đầu tư, cho tăng trưởng sẽ giảm nhưng là việc không thể không làm. Tôi nghĩ giờ không nên ngồi cãi nhau xem sẽ hết bao nhiêu tiền. Nhật Bản trước đây giải quyết nợ xấu ngân hàng đã mất tới 5% GDP, kèm đó là 20 năm tăng trưởng rất thấp. Với VN, tôi cho rằng tái cơ cấu có thể tốn tiền, nhưng chưa đến mức phải trì trệ kéo dài. Vấn đề là cần tập trung làm.

* Trong khi nợ xấu ngân hàng (NH) chưa được giải quyết nhanh để doanh nghiệp có thể vay vốn kinh doanh, các NH hiện nay lại đua nhau tăng lãi suất huy động?

- Vốn cho doanh nghiệp vay tăng thấp, trong khi NH vẫn chạy đua tăng huy động, thậm chí còn đua tăng lãi suất huy động vượt trần. NH Nhà nước nên giải thích rõ nợ xấu thế nào, có chuyện gì bên trong các NH. Nợ xấu NH cần được đẩy nhanh giải quyết, nếu không lãi suất khó có thể giảm, tiền các NH huy động của dân sẽ chủ yếu chạy trong nội bộ các NH để giải quyết những vấn đề của hệ thống ấy.

* Vốn FDI vào VN từ chỗ đăng ký trên 60 tỉ USD/năm xuống còn khoảng 10 tỉ USD/năm cũng cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào VN đã giảm?

- Vốn đăng ký thể hiện một phần kỳ vọng của nhà đầu tư. Năng lực cạnh tranh của VN trong những năm gần đây bị các tổ chức quốc tế đánh tụt tới 16 bậc. Việc điểm số giảm cho thấy chúng ta thụt lùi so với chính mình, môi trường kinh doanh trở nên kém hấp dẫn. Có thể cách tính toán của các tổ chức này có những nhược điểm nhất định, nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một căn cứ quan trọng để nhà đầu tư có bỏ tiền vào VN không, thực tế FDI vào VN đã giảm như chúng ta đều biết.

Những vấn đề về tham nhũng, bất ổn vĩ mô, hạ tầng... chúng ta đã thừa nhận thì cần giải quyết. Để hóa giải những kỳ vọng tiêu cực của thị trường, VN cần những giải pháp cơ bản, để người dân thấy được những bước tiến chắc chắn, rõ rệt. Có thể nói nhiều việc VN đang làm như tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước... là đúng hướng. Nhưng chỉ đúng hướng mà chưa có kết quả cụ thể thì chưa thể hài lòng.

Cẩm Văn Kình

 

Lại chạy đua tăng lãi suất huy động

Đầu tháng 10, nhiều ngân hàng (NH) đã âm thầm đẩy lãi suất (LS) huy động các kỳ hạn ngắn lên cao để cạnh tranh thu hút tiền gửi. Hiện LS huy động kỳ hạn một tháng cao nhất lên đến 13%/năm, cao hơn trần quy định của NH Nhà nước đến 4%/năm. Việc nâng LS huy động được các NH thực hiện dưới hình thức “thưởng điểm”, “quay số”, thậm chí đưa phần chênh lệch trước cho khách gửi tiền kèm theo điều kiện khách hàng không được rút tiền trước hạn.

Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết do diễn biến trên thị trường tiền tệ gần đây, người dân có xu hướng gửi tiền vào các NH lớn, nên các NH nhỏ buộc phải đẩy LS huy động lên cao để giữ tiền gửi. Theo vị này, LS trên thị trường liên NH hiện nay dù thấp nhưng rất khó vay vì các NH dư vốn “chọn mặt gửi vàng” rất kỹ, các NH không vay được nguồn nay đã chuyển sang tìm cách hút tiền gửi từ khu vực dân cư.

A.H


Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Mitsubishi hướng tới thị trường đóng tàu Việt Nam (03/10/2012)

>   EVN dư thừa điện (03/10/2012)

>   Hàng tỷ USD “đổi” hàng xa xỉ (03/10/2012)

>   Ôm nợ xi măng (03/10/2012)

>   ĐBSCL: Nhà máy đường và nông dân đang lỗ (03/10/2012)

>   Muốn tạm nhập tái xuất phải ký quỹ 5 tỉ đồng (03/10/2012)

>   Doanh nghiệp thủy sản âm thầm “khai tử” (03/10/2012)

>   DN Nhật rời Trung Quốc: Việt Nam có được chọn? (03/10/2012)

>   Xuất khẩu thép dự kiến đạt 2 tỉ đô la Mỹ (02/10/2012)

>   Xây hồ nước 3.000 tỉ đồng cho siêu dự án thép (02/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật