Doanh nghiệp thủy sản âm thầm “khai tử”
Từng ăn nên làm ra nhưng chỉ sau một thời gian kinh tế sụt giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra đã phải ngừng hoạt động, đóng cửa.
Khu vực Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ) từng một thời công nhân, xe cộ ra vào nhộn nhịp với hàng chục nhà máy chế biến cá tra nhưng gần đây trở nên vắng vẻ. Ngoài một số nhà máy nhỏ đã đóng cửa, những tên tuổi nổi tiếng một thời cũng đang trong cảnh sống dở chết dở.
Theo VASEP, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn nuôi cá, nhất là đậu nành, bắp, đã có bốn lần tăng giá khiến chi phí đầu vào tăng 15 - 20% so với trước đây. Người nuôi cá tra đang lỗ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg cá. Ước tính, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, có khoảng 30-40% người nuôi đã phải treo ao.
Một doanh nhân hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực này thở dài: “Chỉ cần nhìn qua tình hình kinh doanh của các DN thủy sản, đặc biệt là ngành cá tra, thì đủ nhận thấy sức tàn phá của đợt khủng hoảng kinh tế như thế nào. Mới mấy năm trước nhiều người còn đua nhau xây nhà máy, cổ phiếu ngành thủy sản rất “hot”, nhưng hiện nay thì DN đã âm thầm khai tử, rút lui không kèn không trống vì đã cạn vốn”.
Bán đổ bán tháo hàng để trả nợ ngân hàng
An Giang, nơi có đến 21 nhà máy chế biến cá tra thuộc loại lớn ở ĐBSCL cũng đang lâm vào cảnh “thoi thóp”. Riêng từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy đã phải sa thải công nhân hàng loạt, một số nhà máy giảm công suất mạnh, thậm chí ngưng hoạt động. Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, nhìn nhận: “Có tới 70% DN đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng”.
Ông Trương Ðình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng phân tích: “Cái khó lớn nhất của các DN bây giờ vẫn là đầu ra. Châu Âu khủng hoảng kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Xuất khẩu thủy sản, trong đó có cá tra của tháng 9 có xu hướng giảm so với các tháng trước đó dù sắp đến đợt cao điểm tiêu thụ nhiều thực phẩm như Noel, tết dương lịch. Đến nay DN vẫn chưa có nhiều đơn hàng như mọi năm. Cái chính là nhà nhập khẩu không có tiền để mua”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) nói: “Đầu ra khó, tồn kho nhiều nhưng các DN phải bán đổ bán tháo hàng để trả nợ ngân hàng. Còn các DN tiếp cận được vốn thì cũng không đủ so với nhu cầu. Do các ngân hàng định giá tài sản thế chấp rất thấp, chỉ khoảng 1/3 giá trị thực nên cho vay rất ít. Chưa hết, nhiều ngân hàng còn ồ ạt rút vốn về khiến DN đã khó lại càng thêm khó”.
Nhiều DN thủy sản ở ĐBSCL hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng
|
Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Trước tình hình khó khăn của ngành thủy sản, nhất là lĩnh vực cá tra, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ, trong đó đề xuất dành 9.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất (LS) thấp hỗ trợ người nuôi và DN chế biến cá tra, nhưng đến nay chưa thấy kết quả.
Ông Trương Đình Hòe giải thích: “Nhiều người tưởng là gói 9.000 tỉ đồng hỗ trợ người nuôi cá tra đã được Chính phủ thông qua nhưng thực ra đây chỉ mới là đề xuất từ phía Bộ NN-PTNT. Sau đó đề xuất này đã không được Chính phủ đồng ý, thay vào đó là sẽ giảm, giãn nợ cũ, cho vay mới với LS thấp. Cụ thể, Chính phủ đã có công văn giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ LS đối với các khoản đã vay cho đối với nông dân; tiếp tục cho vay mới với LS thị trường thấp nhất (11%/năm) đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong đó gồm cả cho vay sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra”. Tuy nhiên, theo ông Hòe, để vay được vốn không phải dễ dàng. Bởi DN và người nuôi cá muốn vay thì phải có tài sản thế chấp, chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả. Yêu cầu này là rất khó khi bối cảnh thị trường xuất khẩu đang ảm đạm.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An (Ô Môn, TP.Cần Thơ) kể: “Ngày 30.9, Agribank chi nhánh Ô Môn mời bà con nông dân có nhu cầu vay vốn đến để phổ biến các điều kiện cho vay. Tuy nhiên, sau khi nghe xong thì mọi người đều bỏ ra về vì không ai đủ điều kiện để tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, các điều kiện cho vay lại không phù hợp với điều kiện nuôi trồng nhỏ lẻ của địa phương. Chẳng hạn muốn vay tiền mua thức ăn phải có kế hoạch cho ăn trước một tuần, mua thức ăn phải có hóa đơn...”.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), bộc bạch: “Khó khăn nhất của DN và người nuôi là thiếu vốn nhưng dù là LS ưu đãi 11%/năm cũng không có ai dám vay. Bởi mức LS đó vẫn là quá cao trong tình hình khó khăn như hiện nay”.
Nhiều DN đề xuất, để giải quyết khó khăn hiện tại thì quan trọng nhất là các ngân hàng không nên rút vốn hoặc nếu rút vốn thì cần có lộ trình để các DN có thời gian chuẩn bị, tránh bán đổ bán tháo hàng hóa, bị DN nước ngoài lợi dụng ép giá.
VASEP cũng đề nghị các cơ quan liên quan có biện pháp hỗ trợ các DN đang phải ngưng hoạt động cơ cấu lại sản xuất, tài chính, quản trị. Cho phép các ngân hàng khoanh nợ, tiếp tục cho vay bổ sung vốn lưu động để DN khôi phục sản xuất.
Q.Thuần - C.Nhân - T.Hiếu
Thanh niên
|