Thứ Ba, 02/10/2012 09:55

Ai phá Công ty Sứ Hải Dương?

Công ty cổ phần Sứ Hải Dương (HAPOCO) từng là niềm tự hào của người dân tỉnh này. Nhưng trong những năm qua, công nhân đồng loạt bỏ việc, 9/36 khâu sản xuất không có người lao động, lượng sản phẩm sụt giảm... Điều gì đang xảy ra với HAPOCO?

Bài 1: Giám đốc ký hợp đồng thuê xe của chính mình

Nhập nhằng tiền thuê xe

Với lý do xe của Công ty Sứ Hải Dương có phẩm cấp thấp, không đảm bảo sức khỏe để Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc đi làm, Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Hà đã ký hợp đồng thuê chính xe riêng của mình, với giá 18,7 triệu đồng/tháng từ hơn 3 năm nay. Nhiều công nhân cho rằng, điều đó thật khó chấp nhận khi mà Công ty Sứ Hải Dương có tới 2 chiếc xe để phục vụ Công ty và Ban Giám đốc.

Theo giải trình chi phí ứng trước ngày 5.3.2010, tại biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sứ Hải Dương, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc của công ty có gia đình ở Hà Nội. Để thuận tiện cho việc đi lại, Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Hà đã ký hợp đồng thuê xe số 02 ngày 1.7.2010 của Công ty TNHH thương mại Ca Rin (96 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Tố Hải làm Giám đốc (mà ông Hà và bà Vũ Lê Hoa - Phó Tổng Giám đốc HAPACO có vốn đầu tư) với giá 18,7 triệu đồng/tháng. Trao đổi với NTNN, ông Hà thừa nhận chiếc xe mà Công ty thuê (biển số 29M - 9335) chính là xe riêng của ông.

Theo luật sư Vũ Văn Chi - Văn phòng luật sư Tiến Long (Hà Nội), việc ông Hà ký hợp đồng này hoàn toàn không có hiệu lực, vì Công ty Ca Rin không làm chủ sở hữu chiếc xe 29M - 9335, tức là không có tài sản cho thuê, đã vi phạm điểm 1 và 2 Điều 14 Luật Kế toán. Hợp đồng này không được niêm yết tại HAPOCO nên đã trái với quy định 28 khoản 2 Luật Doanh nghiệp 2005.

Điều khiến người lao động bức xúc hơn nữa là trong khi Công ty đã thuê xe phục vụ việc đi lại cho lãnh đạo thì ông Hà lại cấp cả thẻ taxi cho bản thân ông, bà Vũ Lê Hoa và một số nhân viên của Văn phòng Hà Nội, nhân viên văn thư của nhà máy. Bà Đoàn Thuý Ngà - thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sứ Hải Dương bức xúc:

“Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc điều hành đã có thù lao 10% lợi nhuận của Công ty, nhưng khoản thuê xe vẫn được tính riêng, 3 năm qua tốn gần 1 tỷ đồng. “Hợp đồng thuê xe để cho Tổng Giám đốc đi làm trái với tờ trình ngày 3.5.2010 do ông Hà ký. Tại điểm 3.3 ghi rõ thù lao của Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc gồm chi phí xe ô tô và điện thoại” - bà Ngà nói.

Lãnh đạo vay tiền tỷ

Ngày 17.12.2010, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ Hải Dương Vũ Lê Hoa có tờ trình xin vay Công ty 950 triệu đồng và thế chấp số cổ phiếu 1 tỷ đồng nằm trong số cổ phần vốn đầu tư là 8.645.900 của Công ty TNHH Ca Rin vào HAPOCO (để trang trải công việc gia đình) và được chấp thuận. Thời hạn vay từ 25.12.2010 đến 25.12.2011.

Tuy nhiên, khi đến hạn, bà Hoa vẫn chưa trả số tiền gốc và lãi trong suốt 1 năm. Đến ngày 6.12.2011, bà Hoa tiếp tục xin Công ty gia hạn cho bà vay 950 triệu đồng và số tiền lãi 146,3 triệu đồng thêm 1 năm nữa. Điều đáng nói là trong khi Công ty đang nợ tiền trợ cấp thôi việc của công nhân và nợ đọng thuế nhiều năm (Công ty Sứ Hải Dương đã bị phạt 227 triệu vì chậm nộp thuế năm 2011), nhưng vẫn có gần 1 tỷ đồng cho bà Hoa vay.

“Từ năm 2009 - 2011, các cổ đông của Công ty không có một đồng lợi tức nào, trong khi ông Hà và bà Hoa năm nào cũng nhận hàng chục triệu đồng tiền thưởng trích từ lợi nhuận”.

Bà Đoàn Thúy Ngà - thành viên HĐQT HAPOCO

Theo phản ánh của người lao động, kể từ khi tái cơ cấu, Ban Giám đốc Công ty tích cực bán thanh lý bất cứ vật dụng gì để có tiền. Chẳng hạn, bộ cốc bạch kim đựng hoá chất thí nghiệm của Công ty bán được hơn 200 triệu đồng.

Lãnh đạo Công ty còn bán nhiều máy móc hỏng với số tiền mà ông Hà cho biết khoảng 700 triệu đồng. Nghịch lý ở chỗ, số tiền bán sắt vụn này cùng những khoản thu nhập khác như tiền cho thuê nhà 2,2 tỷ đồng, được lãnh đạo Công ty tính vào lợi nhuận của quý IV năm 2011.

Bà Đoàn Thuý Ngà cho biết, 3 quý đầu năm 2011, Công ty thua lỗ nhưng ông Hà và bà Hoa không nộp phạt theo quy định. Đến quý IV năm 2011, ông Hà báo cáo kinh doanh có lãi nhưng thực ra tiền lãi không thu được từ hoạt động sản xuất (sản xuất lỗ 994 triệu đồng, theo báo cáo kinh doanh 2011).

Theo bà Ngà, lãi giả 1,1 tỷ đồng của năm 2011 nhưng nếu hạch toán đầy đủ thì phải lỗ hàng tỷ đồng. Giải thích về việc kê khai mức lãi giả này, bà Ngà cho biết là để ông Hà và bà Hoa được thưởng 10% lợi nhuận (115 triệu đồng) thay vì phải nộp phạt 10% (khoảng trên 300 triệu đồng)!

(Còn nữa)

Nguyễn Gia Tưởng

dân việt

Các tin tức khác

>   Gói hỗ trợ thuế 29.000 tỉ đồng: Chưa đủ liều (02/10/2012)

>   Tài sản nhà nước thất thoát nặng nề tại Cty Cao su Kon Tum (02/10/2012)

>   Cảnh báo rủi ro trong xuất nhập khẩu (02/10/2012)

>   Thu hút FDI Nhật: Thời điểm mới, cơ hội không mới (02/10/2012)

>   Doanh nghiệp cần thêm giải pháp hỗ trợ (02/10/2012)

>   Giảm thuế 'cứu' than và chuyện dè xẻn tài nguyên (02/10/2012)

>   Cay đắng xi măng: Tập đoàn đổ nợ cho Chính phủ (02/10/2012)

>   Ngân hàng “dễ dãi” với thủy điện (01/10/2012)

>   Năm nay có thể nhập siêu 1-1,5 tỷ đô la (01/10/2012)

>   Giá điện chưa tăng trong tháng 10 (01/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật