Ngân hàng “dễ dãi” với thủy điện
Không chỉ doanh nghiệp, các ngân hàng cũng tỏ ra dễ dãi trong việc bảo đảm an toàn môi trường của các dự án thủy điện khi duyệt cho vay vốn.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) vừa thực hiện một nghiên cứu về “Ngành ngân hàng Việt Nam và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội”. Nghiên cứu đánh giá tuy không phải là nhà chức trách hay chủ đầu tư nhưng các ngân hàng vẫn có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện các dự án thủy điện. Bởi với tư cách là đơn vị cho vay tài chính, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, an sinh xã hội chưa được quan tâm nhiều.
Pan Nature đã nghiên cứu 19 ngân hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kết quả cho thấy cán bộ tín dụng ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến các rủi ro về môi trường khi thẩm định hồ sơ tín dụng. Hầu hết khi thẩm định hồ sơ tín dụng chỉ xem báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay chưa. Trong khi đó, đánh giá tác động môi trường của Việt Nam hiện nay được thế giới đánh giá ít hiệu quả. Chính những yếu kém trong việc thực hiện và phê duyệt đánh giá tác động môi trường đã “giúp” cán bộ tín dụng dễ dàng “phủi tay” trách nhiệm và năng lực trong việc thẩm định báo cáo.
Một nghiên cứu riêng cũng do Pan Nature thực hiện về tình hình phát triển thủy điện tại tỉnh Lào Cai cho thấy với 124 dự án, Lào Cai đang dẫn đầu cả nước về số lượng thủy điện vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều vay vốn ngân hàng (đến 70% vốn đầu tư) với lãi suất ưu đãi từ 5%-10%/năm. Đầu tư phát triển thủy điện được xem là hình thức đầu tư rẻ nhất, chi phí vận hành thấp nên dễ thu hồi vốn khi đi vào vận hành và bán điện trên lưới điện quốc gia.
Với tính toán chu kỳ đầu tư dự án thủy điện vừa và nhỏ lên đến 30 năm, các chủ đầu tư đều thấy viễn cảnh sau khi trả hết nợ ngân hàng, họ vẫn còn 10-20 năm “nhìn nước chảy qua tua-bin và thu tiền”. Đây chính là động lực để các nhà đầu tư thuyết phục và các ngân hàng cho vay vốn.
Trường hợp của dự án thủy điện Đồng Nai 2 cũng vay hơn 50% tổng vốn đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hay dự án thủy điện Đồng Nai 5 hiện nay cũng đang chậm tiến độ vì nguồn vốn chủ lực để thực hiện dự án vay từ các ngân hàng nước ngoài nhưng đã không vay được.
Nếu các ngân hàng yêu cầu các dự án vay vốn phải bảo đảm an toàn về môi trường và an sinh xã hội sẽ góp phần hạn chế các dự án gây ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống người dân cũng như giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
NHIÊN DI
người lao động
|