Thứ Hai, 01/10/2012 18:42

Chật vật tăng trưởng tín dụng tại TPHCM

Con số tăng trưởng tín dụng chung tại TPHCM tính đến hết tháng 9 ước đạt 1,3% so với cuối năm 2011. Với chỉ tiêu tăng 8-10% trong cả năm nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng khó mà đạt được.

Theo ông Minh, dù đã có nhiều nỗ lực để vốn đến tay doanh nghiệp qua các hoạt động kết nối với ngân hàng, nhưng tình hình cho vay đang ngày càng khó hơn trên địa bàn TPHCM. Cụ thể là trong các chương trình kết nối, ông Minh cho rằng khó nhất là không tìm được doanh nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu về xếp hạng tín dụng của ngân hàng để cho vay. Đó cũng chính là lý do khiến cho các chương trình này hiện đang chậm lại.

Ông Minh cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tìm kiếm doanh nghiệp đủ điều kiện để giải ngân, còn từ phía ngân hàng, nhiều ngân hàng đã cam kết sẽ cho vay.

Việc tìm doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ đang là nhu cầu bức thiết của các ngân hàng ở TPHCM, theo ông Minh. Ông cho rằng các doanh nghiệp hiện ngày càng khó khăn, nhu cầu vay vốn không còn nhiều, một số doanh nghiệp có nhu cầu nhưng lại không có phương án kinh doanh khả thi nên ngân hàng không dám cho vay.

“Nhiều ngân hàng đang có nhu cầu cho vay, lãi suất cũng chỉ xoay quanh 13-14%/năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn không tìm được doanh nghiệp, và chính các ngân hàng cũng gặp khó trong kế hoạch kinh doanh khi không thể giải ngân được vốn”, ông Minh nói. Ông cũng cho biết hiện tại có một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng vẫn âm, mặc dù đã tung nhiều gói hỗ trợ lãi suất.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, cho biết các chương trình kết nối cũng đã giúp cho một số doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Nhưng theo ông, hầu hết các doanh nghiệp lớn dễ tiếp cận hơn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ vẫn khó được vay vì bị ràng buộc điều kiện vay. Theo ông Hưng, nên cho phép các doanh nghiệp đảo nợ cũ, sau đó cho vay mới để họ tiếp tục hoạt động, thay vì các ngân hàng đưa vốn ra chủ yếu để đảo nợ cũ trên sổ sách.

Còn theo ông Đỗ Tấn Trúc, Phó phòng tư vấn đầu tư tài chính, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM, hiện tại mặc dù các ngân hàng có nhiều gói hỗ trợ, nhưng thực chất quy trình xét duyệt vay vốn ngày càng khắt khe hơn, khiến cho doanh nghiệp khó tiếp cận. Về khả năng vay tín chấp, theo ông Trúc nhiều ngân hàng hiện chỉ cho vay đối với doanh nghiệp có quan hệ lâu năm, còn với doanh nghiệp mới thì có tài sản đảm bảo còn khó vay, huống chi là tín chấp.

Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng TPHCM, tăng trưởng huy động đạt hơn 952.000 tỉ đồng, tăng 6,58% so với cuối năm ngoái, trong khi dư nợ tín dụng đạt 774.000 tỉ đồng, tăng 1,3%. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn là 6,59%, trong khi cuối năm 2011 là 4,3%. Riêng nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM do quy trình cho vay khắt khe nên dư nợ tín dụng của các ngân hàng này giảm đến 3,9% trong 8 tháng đầu năm.

Thanh Thương

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   TienPhong Bank được tăng trưởng tín dụng tối đa 27% (11/08/2012)

>   Nguy cơ “cục nợ xấu” từ vàng (01/10/2012)

>   Bất ổn tài chính: Từ lỗ hổng chính sách đến “cố ý làm trái” (01/10/2012)

>   Tín hiệu mới từ tiền doanh nghiệp gửi nhà băng (01/10/2012)

>   Nợ xấu của DNNN tới 200.000 tỉ đồng (01/10/2012)

>   Không để thất thoát vốn từ ngân hàng (01/10/2012)

>   4 kiến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (30/09/2012)

>   Khi tín dụng tăng trưởng thấp là... lựa chọn (30/09/2012)

>   “Sốt nhẹ” trên thị trường lãi suất (30/09/2012)

>   'Tín dụng 3 tháng cuối năm tăng không quá 3%' (30/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật