Thứ Ba, 02/10/2012 08:36

Tài sản nhà nước thất thoát nặng nề tại Cty Cao su Kon Tum

Hàng trăm hécta caosu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã qua 3 tháng cạo mủ, nhưng Cty TNHH MTV caosu Kon Tum vẫn chưa lấy được giọt mủ nào, thất thoát hàng tỉ đồng tiền của Nhà nước.

Thất thoát tài sản nhà nước

Nông trường caosu Thanh Trung giao khoán cho 102 hộ với diện tích hơn 151ha caosu, nhưng đằng đẵng suốt 2 năm qua, các hộ nhận khoán không thực hiện nghĩa vụ cạo và nộp sản phẩm mủ cho nông trường. Hàng ngày cán bộ quản lý nông trường phối hợp cùng chính quyền xã Kroong, TP.Kon Tum túc trực, canh giữ tài sản, nhưng không thể ngăn chặn người dân vào lô caosu cạo mủ.

Từ đầu năm 2012 đến nay, gần 200ha các hộ nhận khoán vào cạo 50% số vườn cây nhưng không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Ước tính sơ bộ, từ tháng 1 đến cuối tháng 5.2012, Cty TNHH MTV caosu Kon Tum thiệt hại 35 tấn mủ, với số tiền khoảng 2 tỉ 450 triệu đồng. Năm 2011, nông trường thiệt hại 158 tấn, trên 12 tỉ 234 triệu đồng.

Theo một số cán bộ kỹ thuật của Nông trường caosu Thanh Trung, một số hộ dân tự ý mua thuốc kích thích tạo mủ nhằm tận dụng triệt để khai thác mủ từ vườn cây, cạo phá để vườn cây thanh lý sớm, đòi lại đất. Tính đến thời điểm này mới chỉ có 9/111 hộ (chủ yếu là cán bộ thôn, xã) ký hợp đồng khoán với Cty.

Trước tình hình này, ông Lê Khả Liễm - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV caosu Kon Tum - cho rằng: “Việc các hộ nhận khoán vườn cây caosu của Cty cạo trái phép 50% số cây, không giao nộp mủ cho Cty là không thực hiện theo phương án khoán đã được phê duyệt và vi phạm pháp luật. Cty yêu cầu các hộ dừng ngay việc vào vườn cây caosu của Cty cạo mủ và thu hết kiềng, chén máng đã trang bị trên vườn cây, để thực hiện ký hợp đồng giao nhận khoán trước khi cạo mủ”.

Tại Nông trường caosu Sa Sơn, huyện Sa Thầy cũng rơi vào tình cảnh bi đát. Nông trường đang quản lý trên 618ha, trong đó 675ha caosu trong thời kỳ kinh doanh thì có đến 155,94ha người dân bán cho tư nhân với tổng số tiền trên 9 tỉ đồng. Gần đây, từ ngày 15.5 đến nay, hàng chục người dân đã tự ý vào vườn cây cạo 100% cây của phần nhận khoán, thu 100% sản lượng mủ mang về.

Bà Phạm Thị Hà - trú tại thôn 1, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy - cho biết: “Tôi nhận 6ha khoán. Tôi chưa ký khoán mới nhưng vẫn vào cạo để nuôi sống gia đình. Chúng tôi biết nhảy vào cạo là sai nhưng vì cuộc sống vẫn làm”. Năm 2011 thiệt hại khoảng 226 tấn, khoảng trên 17 tỉ đồng. Tính sơ sơ, từ đầu mùa khai thác mủ caosu đến khoảng cuối tháng 5.2012, Nông trường caosu Sa Sơn thất thoát trên 101 tấn mủ, với số tiền lên đến 7 tỉ 125 triệu đồng! Một lãnh đạo Nông trường caosu Sa Sơn buồn bã trả lời: “Cứ đà này nếu không có các giải pháp quyết liệt thì công nhân của nông trường đành treo niêu”.

Sự việc chưa có dấu hiệu dừng

Đến thời điểm hiện tại, diện tích caosu của Nhà nước bị người dân bán ngày càng nhiều. Nông trường caosu Sa Sơn, huyện Sa Thầy đã có đến 140 hộ dân với diện tích caosu bị bán lên đến 155,94ha; xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum cũng có 57 hộ mua bán trái phép với diện tích 63,21ha; xã Kroong, TP.Kon Tum với 29 hộ với diện tích 38,69ha; nay lại xuất hiện thêm xã Hòa Bình, TP.Kon Tum với 78 hộ, trên 77ha.

Khi sự việc xảy ra, chính quyền tỉnh Kon Tum đã ban hành hàng loạt văn bản xử lý vụ việc: Công văn 637/UBND-NC ngày 23.4.2012 về việc kiểm tra giải quyết sự việc tại xã Kroong, TP. Kon Tum; công văn 1322-CV/VPTU ngày 9.5.2012 về việc nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ Cty TNHH MTV caosu Kon Tum; thông báo kết luận 289-TB/HU ngày 16.5.2012 về việc giải quyết vướng mắc giữa các hộ dân nhận liên kết trồng, chăm sóc caosu với Nông trường caosu Sa Sơn... nhưng theo nhận định của Cty TNHH MTV caosu Kon Tum: “Những giải pháp trên chưa đem lại kết quả...”.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Kon tum có văn bản 1346/UBND-NC về việc xử lý tình hình mua bán, chuyển nhượng vườn caosu trái pháp luật. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Cty TNHH MTV Caosu Kon Tum làm việc với từng hộ dân để yêu cầu họ hủy bỏ việc sang nhượng vườn cây caosu trái phép được giao khoán, khắc phục hậu quả do hành vi gây ra; trường hợp qua làm việc mà các hộ nhận khoán vẫn không thực hiện, Cty được quyền gửi đơn khởi kiện vụ việc tại tòa án nhân dân để bảo vệ tài sản hoặc gửi đơn đến cơ quan công an để yêu cầu can thiệp xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Các trường hợp mua bán, chuyển nhượng vườn caosu giao khoán có xác nhận của chính quyền địa phương thì đề nghị Cty báo cáo rõ từng trường hợp được xác nhận đến chủ tịch UBND các huyện, thành phố có liên quan để tiến hành xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Minh Toàn

Lao động

Các tin tức khác

>   Cảnh báo rủi ro trong xuất nhập khẩu (02/10/2012)

>   Thu hút FDI Nhật: Thời điểm mới, cơ hội không mới (02/10/2012)

>   Doanh nghiệp cần thêm giải pháp hỗ trợ (02/10/2012)

>   Giảm thuế 'cứu' than và chuyện dè xẻn tài nguyên (02/10/2012)

>   Cay đắng xi măng: Tập đoàn đổ nợ cho Chính phủ (02/10/2012)

>   Ngân hàng “dễ dãi” với thủy điện (01/10/2012)

>   Năm nay có thể nhập siêu 1-1,5 tỷ đô la (01/10/2012)

>   Giá điện chưa tăng trong tháng 10 (01/10/2012)

>   VTV phản đối VNPT, Viettel, FPT cung cấp truyền hình cáp (01/10/2012)

>   Giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp Nhật Bản (01/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật