Nhịp đập Thị trường 19/10: "Mua hàng" chờ giá lên, thanh khoản gần 1,000 tỷ đồng
Chốt lời mạnh trong phiên buổi chiều, thanh khoản vọt lên gần 1,000 tỷ đồng cho thấy lượng mua bán trên thị trường là khá lớn. HNX-Index giảm sâu, trong khi VN-Index được cứu lên sát giá tham chiếu.
“Cứu tinh” của VN-Index có EIB (+3.82%), GAS (2.31%), VNM (2.31%), KDC (+2.41%), VCF (+3.29%), GMD (+2.25%) và đặc biệt hơn cả là KBC (+3.13), cổ phiếu từng bị “đạp sàn” nhưng lực cầu bắt đáy mạnh giúp KBC tăng trở lại và đóng cửa ở 6,600 đồng/cp, nhích thêm 200 đồng so với phiên trước. VN-Index tránh được một phiên giảm sâu.
Với 152 mã giảm, trong đó 63 mã rớt sàn nhưng VN-Index chỉ mất 0.28 điểm, tương ứng 0.07% lùi về 398.23 điểm.
ITA không được may mắn như KBC, cổ phiếu này bị nhà đầu tư xả mạnh, mặc dù cuối phiên công bố có lãi hơn 4 tỷ đồng ở quý 3. Bán ra mạnh, nhưng mua vào cũng không nhỏ, ITA khớp gần 6 triệu đơn vị, nhưng giá lại “nện sàn” còn 4,700 đồng/cp. Dư bán sàn còn khoảng 223 ngàn đơn vị. KBC cũng có hơn 3.25 triệu đơn vị được chuyển giao.
SAM bắt đầu được chú ý trong phiên chiều giao dịch đứng thứ 3 sàn 2.13 triệu đơn vị. EIB giao dịch khá sôi động với 2.11 triệu đơn vị khớp lệnh, tính cả thỏa thuận thì EIB có đến hơn 4.5 triệu đơn vị giao dịch.
Tổng kết tại HOSE có 65 mã tăng giá (18 mã tăng trần), với những điển hình như AGF, BGM, DHM, GSP, VHG, trong khi VPH về mốc tham chiếu.
Trên HNX không có gì đột biến so phiên sáng, các mã SCR, VND, PVX, KLS tiếp tục bị bán mạnh, với khớp lệnh từ 3 triệu đơn vị trở lên. Đỉnh cao là SCR và VND với 6.17 triệu và 5.39 triệu đơn vị giao dịch.
ACB giảm 300 đồng và lượng giao dịch tăng vọt lên 1.56 triệu đơn vị. SHB tiếp tục giảm 100 đồng và giao dịch cũng đạt trên 1 triệu đơn vị.
Với tâm lý phiên cuối tuần, nhà đầu tư chốt lời, thanh khoản trên hai sàn đều rất tốt, HOSE đạt 52.6 triệu đơn vị (645.97 tỷ đồng), trong đó thỏa thuận chưa đến 4 triệu đơn vị, HNX là 44.2 triệu đơn vị (314.13 tỷ đồng).
13h30: Bất ngờ bán mạnh, cổ phiếu đồng loạt giảm giá
Áp lực chốt lời mạnh vào phiên giao dịch buổi chiều khiến giá cổ phiếu và các chỉ số đồng loạt giảm mạnh. ITA, KBC, SAM, LCG, PVF, đều rớt giá mạnh, khối lượng gia tăng đáng kể.
VN-Index đảo chiều giảm 3.36 điểm (0.84%) xuống 395.15 điểm trong vòng 20 phút đầu. VNM (+0.77%), GAS (+1.03%) không đủ sức chống đỡ thị trường, khi mà các bluechips khác đều ồ ạt giảm.
Tận dụng sự sụt giảm này, khối ngoại mua ITA gần 1 triệu đơn vị, KBC hơn 550 ngàn và TMS 350 ngàn cổ phiếu
Sàn Hà Nội, vốn giảm từ phiên sáng, song mức giảm tiếp tục gia tăng, nhiều mã xuống sàn SCR, VND, PVX, FLC, SHS, BVS đẩy HNX-Index xuống sâu 54.72 điểm, mất đi 1.1 điểm (1.97%).
Phiên sáng: Chốt lời mạnh, sắc đỏ phủ kín hai sàn
Dấu hiệu chốt lời xuất hiện khá rõ vào cuối buổi sáng. Những mã cổ phiếu “nóng” đã giảm lực cầu, số mã giảm chiếm áp đảo và biên độ tăng của VN-Index cũng thu hẹp đáng kể.
VN-Index lúc này chỉ còn trông chờ sự hỗ trợ của VNM (+2.31%) và GAS (+1.29%), trong khi các bluechips phần lớn giảm nhẹ hoặc đứng giá như BVH, MSN, SSI… đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ gồm STB, VCB, CTG, MBB, riêng EIB giữ mốc tham chiếu.
VN-Index có lúc bật lên 400 điểm, nhưng áp lực bán tại mốc này khiến người mua co cụm trở lại. Cuối buổi, chỉ số tăng nhẹ 0.13 điểm (+0.03%), lên 398.64 điểm.
Những mã đầu cơ mạnh nhiều ngày qua cũng có dấu hiệu suy giảm trước tâm lý chốt lời dâng cao. KBC, TTF, KSS, VNE rời khỏi giá trần nhưng giao dịch vẫn ở mức cao. ITA sau vài phiên làm mưa làm gió trên thị trường bắt đầu giảm 100 đồng xuống 4,800 đồng. Giao dịch đạt 2.88 triệu cổ phiếu.
Một vài mã còn trụ vững ở giá trần với dư mua áp đảo DHM, VHG, VPH và BGM.
Sàn HNX, dấu hiệu “đánh xuống” khá rõ khi lệnh bán giá thấp tập trung vào các mã trụ cột như PVX, SCR, VND, KLS, VCG, ACB… khiến người cầm cổ phải lo sợ bán ra mạnh. Với sự áp đảo sắc đỏ ở các mã chủ chốt, HNX-Index mất đi 0.77 điểm (1.38%) về 55.05 điểm.
PVX giảm đến 6%, giao dịch hơn 3.37 triệu đơn vị, SCR 3 triệu đơn vị, giá giảm hơn 4.6, VND xuất hiện lệnh bán tháo khiến giá cổ phiếu giảm trên 5%, giao dich hơn 2.65 triệu đơn vị. vẫn tiếp tục bị xả mạnh khi dư bán giá sàn còn 200 ngàn đơn vị.
FLC bất chấp xu hướng của thị trường vẫn tăng trần lên 8,000 đồng và dư mua tuyệt đối.
Thanh khoản trên cả hai sàn thấp hơn phiên sáng hôm qua, tổng cộng chưa đến 50 triệu đơn vị, tổng trị giá 500 tỷ đồng. Số mã tăng bị áp đảo hoàn toàn bởi số mã giảm, trên HOSE là 50/137, HNX là 48/115.
10h00: VNM tăng mạnh, VN-Index chạm 400 điểm
Gần 1 giờ mở cửa, HNX-Index vẫn giảm, trong khi VN-Index đã vượt qua mốc 400 điểm nhờ sự hỗ trợ đáng kể của VNM và một số mã chủ chốt khác.
VNM đã liên tục tăng giá từ đầu tuần đến nay. Hiện cổ phiếu tiếp tục tăng gần 4%, trở thành lực đỡ chính cho VN-Index. Giao dịch của VNM cũng khá tốt với gần 70 ngàn đơn vị tính đến 10h50.
Cùng với VNM, các bluechips khác như BVH, VCB, EIB, GAS tiếp tục tăng giá nhẹ góp phần giúp VN-Index khởi sắc.
ITA đã bật tăng trở lại nhưng giao dịch chưa đủ mạnh, trong khi KBC tăng trần nhưng giao dịch đã vượt 1 triệu đơn vị. Các mã đầu cơ khác như TTF, BTP, KSS… có lượng giao dịch mạnh với hàng trăm ngàn đơn vị.
Mở cửa: KBC quyết bám trần, EIB thỏa thuận 2.5 triệu cp
Vài cổ phiếu lớn cộng thêm một số mã đầu cơ đã giúp VN-Index tăng nhẹ trong những phút mở cửa nhưng HNX-Index tiếp tục giảm do thiếu các mã trụ cột hỗ trợ.
VND giảm mạnh hơn 3% sau thông tin bị cấm cung cấp mới margin trong vòng 2 tháng, lượng xả hàng nhanh chóng đạt hơn 1 triệu đơn vị, dẫn đầu tại HNX. SCR cũng có giao dịch mạnh với hơn 900 ngàn đơn vị.
CMI được đưa ra khỏi diện cảnh báo từ 19/10 do 6 tháng lãi 16.55 tỷ đồng giúp cổ phiếu này bật tăng trần, thanh khoản đứng thứ 3 toàn sàn.
Cùng với SHS, SHB, PVX mở cửa đều giảm giá dẫn đến HNX-Index giảm 0.28 điểm (0.5%) về 55.54 điểm. Thanh khoản lên 3.4 triệu đơn vị (23.69 tỷ đồng).
Tại sàn HOSE, KBC tiếp tục có thêm phiên tăng trần, lực cầu rất vững, riêng ITA lại rung lắc và có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ. Trong khi VHG đón nhận lực mưa giá trần áp đảo, giao dịch đạt khoảng 100 ngàn đơn vị.
Bên cạnh mã tăng như BVH, GAS, CTG, VNM góp phần hỗ trợ VN-Index tăng nhẹ 1.01 điểm (0.25%) nâng lên 399.52 điểm, thanh khoản dù bật lên hơn 4 triệu đơn vị, nhưng thực chất trong đó là giao dịch thỏa thuận của EIB với 2.5 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận ở mức giá 16,000 đồng.
Những bluechips khác hầu hết đứng yên hoặc đảo chiều giảm nhẹ với lượng mua bán khá yếu.
SEC có thông tin chi trả cổ tức khủng lên đến 25%, giá cổ phiếu bật tăng trần, nhưng xu hướng giao dịch có phần giằng co giữa bên mua và bên bán ở mức giá cao. Thanh khoản sau 15 phút mở cửa chỉ đạt 200 đơn vị.
VPH dù chưa có thông tin nào hỗ trợ nhưng giá cổ phiếu này đã tăng trần 8 phiên liên tiếp và hiện giữ mức 4,400 đồng/cp.
BTP, GSP cũng tiếp tục tăng trần với dư mua tuyệt đối nhờ kết quả kinh doanh khả quan.
Mỹ Hà (Vietstock)
ffn
|