Chứng khoán Tuần 08 - 12/10: “Tham” nhưng phải nhanh
”Lòng tham” trỗi dậy đúng lúc và dòng tiền đầu cơ nhắm vào thông tin KQKD quý 3 đã mang lại lợi nhuận lớn, nhưng chỉ có thể bảo vệ được thành quả nếu chốt lời nhanh.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 08 - 12.10.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng 1.13% lên 392.54 điểm; trong khi HNX-Index tăng mạnh hơn 2.02% lên 55.44 điểm. VS 100 tăng 1.7% đang ở 59.22 điểm và VN30 tăng 1.54% đứng tại 460.18 điểm.
VS-Mid Cap tăng điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức tăng 3.84%. Tiếp đến là VS-Small Cap tăng 2.60%, VS-Micro Cap tăng 2.30% và VS-Large Cap tăng ít nhất với 0.88%.
Giao dịch tích cực giúp thanh khoản trên cả hai tiếp tục gia tăng mạnh. Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh tăng 49.2% so với tuần trước. Trong khi đó trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng tăng rất mạnh 68.7%.
Mặc dù không đón nhận bất cứ thông tin quan trọng nào nhưng thị trường vẫn duy trì sự tích cực nhất định khi số phiên tăng chiếm ưu thế. Điều này xuất phát từ: (1) Lòng tham được kích hoạt trong những phiên giao dịch cuối tuần trước vẫn được duy trì. (2) Xu hướng đầu từ ”ăn theo” thông tin KQKD quý 3 sắp được công bô. Điều này lý giải vì sao mức tăng trên sàn HOSE có mức lan tỏa rộng hơn trên HNX, do đây là nơi tập trung các doanh nghiệp mạnh và nhiều khả năng sẽ đạt KQKD tốt hơn.
Không quá khó hiểu khi các nhóm cổ phiếu đầu cơ như Khai khoáng, Chứng khoán, cổ phiếu nhỏ của dòng họ Dầu khí, một số cổ phiếu đầu cơ khác như DLG, VNE… thu hút mạnh dòng tiền đổ vào. Bên cạnh đó là các cổ phiếu vốn hóa lớn, mặc dù lực cầu vào không thực sự mạnh mẽ nhưng cũng đủ mang đến tín hiệu tích cực.
Hoạt động ”đánh nhanh thắng nhanh” vẫn được áp dụng triệt để trong các phiên tăng điểm. Đây chính là nguyên ngân khiến cho các chỉ số dao động khá mạnh trong những phiên giao dịch này. Tuy nhiên, lực cầu duy trì khá vững trước áp lực bán ra đã giúp tâm lý giới đầu tư bớt đi sự e dè, nhờ đó xu hướng tăng của thị trường được kéo dài.
Phiên giao dịch cuối tuần, bên bán gia tăng chốt lời khi mức sinh lời của một số cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đầu cơ là khá tốt trong tuần giao dịch qua. Điều này đã đẩy chỉ số hai sàn cùng quay đầu giảm điểm. Điểm tích cực là lực cầu mua vào vẫn được duy trì khá tích cực trước áp lực bán gia tăng mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại trở lại mua ròng sau khi đã bán ròng 2 tuần liên tiếp, phần nào giúp tâm lý giới đầu tư giải tỏa và kích thích thị trường trong một số phiên giao dịch. Mặc dù họ đã trở lại bán ròng trong 2 phiên giao dịch cuối tuần nhưng giá trị bán ròng là rất nhỏ và không ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 108.6 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất ở DSN với 33.1 tỷ đồng, chủ yếu thông qua giao dịch thảo thuận. Tiếp theo là DPM với 20.3 tỷ đồng, VCB với 16.1 tỷ đồng và KDC với 12.6 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất EIB với 22.5 tỷ đồng, MBB với 8.3 tỷ đồng và GMD với 7.9 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng với giá trị 36.3 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất KLS với gần 20 tỷ đồng và VND với 4.1 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất THV với 3.2 tỷ đồng và HDO với 1.7 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 11/10 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK đã bán ròng hơn 1.2 triệu đơn vị, tương ứng 7.2 tỷ đồng.
Khối lượng bán ròng tập trung chủ yếu ở phiên giao dịch ngày 11/10 với hơn 1.5 triệu cổ phiếu, tương ứng với gần 6 tỷ đồng tỷ đồng, và chủ yếu tập trung vào những cổ phiếu có thị giá thấp. Điều này có thể xuất phát từ hoạt động trading ngắn hạn khi những cổ phiếu có thị giá nhỏ thường là những cổ phiếu có mức tăng mạnh trong tuần qua.
Cổ phiếu đáng chú ý: Thị trường bật tăng trở lại giúp số ngành tăng điểm giành lại ưu thế trong tuần qua với 23/24 ngành tăng điểm. Duy chỉ có CNTT-Truyền thông ngược chiều giảm 0.71% trong tuần.
SX Thuỷ sản bất ngờ vươn lên dẫn đầu danh sách tăng điểm với mức tăng 6.73%. Tiếp theo là Khai khoáng tăng 6.39% và Chứng khoán tăng 5.93%.
Những ngành nóng còn lại như Xây dựng, Bất động sản, Ngân hàng tăng điểm lần lượt 4.93%, 3.08% và 0.61%.
Các cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý trên HOSE: VHG tăng 22.73%, GMD tăng 16.13% và LCM tăng 15.63%; trên HNX có SDH tăng 29.03%, PVA tăng 27.91%, PFL tăng 25%, VIG tăng 25% .
VHG tăng 22.73% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc tăng mạnh của VHG trong tuần đến từ dòng tiền đấu cơ trở lại khi giá cổ phiếu này đã giảm mạnh liên tục từ mức giá 6,600 đồng ngày 07/05 xuống mức thấp nhất 2,100 đồng vào ngày 02/10/2012. Điều an ủi cho giới đầu tư là giá trị sổ sách của VHG tại cuối quý 2/2012 lên đến 15,171 đồng/cp, cao gấp 5.6 lần mức giá 2,700 đồng vào thời điểm hiện tại.
GMD tăng 16.13% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc GMD gia tăng mạnh trong tuần xuất phát từ kỳ vọng KQKD quý 3 khả quan nhờ hạch toán lợi nhuận từ dự án đầu tư Cảng Nam Hải-Đình Vũ.
LCM tăng 15.63%. Việc LCM gia tăng mạnh trong tuần có thể xuất phát từ: (1) dòng tiền đầu cơ đổ vào nhóm cổ phiếu Khai khoáng, (2) kỳ vọng KQKD quý 3 khả quan nhờ vào giá vàng gia tăng khá tốt trong thời gian qua.
SDH tăng 29.03% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc tăng mạnh của SDH trong tuần đến từ dòng tiền đấu cơ trở lại nhắm vào các cổ phiếu giảm mạnh trọng thời gian qua. Đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài cũng gom SDH khá mạnh với hơn 314 nghìn cổ phiếu trong 2 phiên giao dịch cuối tuần.
PVA tăng mạnh 27.91% và PFL tăng mạnh 25% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc tăng mạnh của 2 cổ phiếu này xuất phát từ dòng tiền đầu cơ nhắm vào các cổ phiếu nhỏ trong dòng họ Dầu khí như xu hướng chung trong tuần giao dịch qua.
VIG tăng mạnh 25% trong tuần giao dịch qua có thể do KQKD quý 3 khả qua hơn, khi lợi nhuận đạt 1.6 tỷ đồng trong quý 3 nhờ hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán hơn 2 tỷ đồng. Tuy vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2012, VIG vẫn lỗ 64.5 tỷ đồng.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HNX là THV với mức giảm 16.67% khi không có thông tin nào mới về kết quả hoạt động kinh doanh. Giao dịch của THV chỉ thực sự sôi động trong 2 phiên giao dịch cuối tuần với hơn 2.8 triệu cổ phiếu được trao tay. Rất có thể hoạt động bắt đáy đã diễn ra ở cổ phiếu này.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|