Thứ Tư, 31/10/2012 15:55

Cầm cố chứng khoán: Nguy cơ hồ sơ giả

Việc nguyên trưởng phòng môi giới CTCK Viễn Đông (VDSE) bị bắt vì lưu ký khống, giả chữ ký trên hợp đồng ứng trước… cảnh báo nguy cơ cầm cố chứng khoán “ảo”.

Cầm cố chứng khoán “ảo”

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Phan Thiên Hậu, nguyên Trưởng phòng Môi giới CTCK Viễn Đông để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

CTCK đóng vai trò thu xếp vốn cho NĐT, nhưng cố tình “can thiệp” vào hồ sơ vay vốn, thì ngân hàng rất khó kiểm soát

Theo kết quả điều tra, từ tháng 7/2009 đến khi bị CTCK Viễn Đông sa thải vào ngày 2/12/2009, giữ chức vụ Trưởng phòng Môi giới, nhiệm vụ của Phan Thiên Hậu là nhận - đặt lệnh, theo dõi, cập nhật các giao dịch chứng khoán; thu chi, lưu ký chứng khoán cho khách hàng; cung cấp các dịch vụ như cầm cố chứng khoán, mua bán có kỳ hạn chứng khoán; quản lý tài khoản… CTCK Viễn Đông đã giao cho Hậu quyền truy cập và thực hiện các thao tác nghiệp vụ trên phần mềm Bosc.

Trong quá trình làm việc, Hậu đã cấu kết với Nguyễn Ngọc Phước - Phó tổng giám đốc Công ty thực hiện lưu ký khống và chỉ đạo nhân viên lưu ký khống, nhân viên môi giới giả chữ ký trên hợp đồng cầm cố, hợp đồng tín dụng vay ứng trước tiền bán chứng khoán… Sau đó, Hậu tự ý bán trái phép chứng khoán cầm cố nhưng không trả gốc và lãi, mà lấy tiền sử dụng cá nhân. Theo Hậu khai, tỷ lệ ăn chia giữa Hậu và Phước là 50 - 50.

Cơ quan điều tra xác định, Hậu cùng với Lê Thị Phương Anh đã bán trái phép chứng khoán cầm cố tại CTCK Viễn Đông, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Hà Nội (là tài sản đang bị phong tỏa để đảm bảo tiền vay), nhưng không trả tiền gốc vay và lãi, mà chiếm đoạt để sử dụng cá nhân, gây thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Bước đầu, Cơ quan công an xác định hành vi của Hậu đã cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt hơn 4,4 tỷ đồng.

Qua vụ án này, nguy cơ hồ sơ giả được bộc lộ rõ nét, dù rằng trước đó đã từng có những cảnh báo về sơ hở trong hợp tác giữa CTCK và ngân hàng. Đối với những hoạt động có tính chất tài trợ vốn cho NĐT, các CTCK có thể sử dụng vốn tự có hoặc vốn ngân hàng. Mặc dù cũng có CTCK dư vốn, song về cơ bản, vốn ngân hàng vẫn là nguồn quan trọng và chiếm tỷ lệ chủ yếu.

Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, thông thường, ngân hàng và CTCK ký kết hợp đồng cung cấp vốn cho các hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) hay ứng trước tiền bán chứng khoán. Trong đó, hai bên thỏa thuận hạn mức tín dụng mà ngân hàng sẽ cấp cho các khách hàng của CTCK, phía ngân hàng đưa ra quy trình cũng như hồ sơ gồm những giấy tờ văn bản để một khoản vay được giải ngân. Theo cam kết trong hợp đồng, CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, đúng đắn các thông tin xác nhận về chứng khoán. Tức là, trong trường hợp này, CTCK đóng vai trò thu xếp vốn cho NĐT, giúp NĐT thực hiện hồ sơ vay vốn theo đúng quy định của ngân hàng và chuyển hồ sơ đó về ngân hàng để ngân hàng giải ngân. Như vậy, việc thẩm định của cán bộ ngân hàng cơ bản dựa vào sự tin tưởng đối với đối tác là CTCK. Do đó, khi nhân viên CTCK cố tình “can thiệp” vào các hồ sơ vay vốn, thì ngân hàng rất khó kiểm soát.

Vụ việc ở CTCK Viễn Đông có lẽ không phải là trường hợp hiếm hoi, khi có một số CTCK khác đang phải đối mặt với đơn tố cáo làm giả hồ sơ vay ứng trước tiền bán chứng khoán của khách hàng.

Hạn chế cách nào?

Tài sản đảm bảo được coi là “phao cứu sinh” của ngân hàng trong trường hợp khách hàng không trả được nợ. Bởi vậy, để không xảy ra tình trạng chứng khoán cầm cố “không cánh mà bay”, hoặc cầm cố chứng khoán “ảo”, theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư, điều quan trọng là các ngân hàng phải ý thức được rủi ro và chấp nhận rủi ro đến đâu.

Vào thời kỳ TTCK phát triển nóng, nghiệp vụ này đem lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng nhờ lãi suất cho vay cao, đem lại lợi nhuận lớn cho CTCK nhờ vào phí thu xếp vốn. Tuy nhiên, trước những rủi ro xảy ra, các ngân hàng đã siết chặt quy trình cho vay, thiết lập tỷ lệ, yêu cầu hồ sơ chặt chẽ hơn. Dẫu vậy, điều này chỉ có tác dụng hạn chế rủi ro do sơ xuất của cán bộ - nhân viên. Khi một số đối tượng cố tình lừa đảo, làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu…, thì ngân hàng rất khó để phát hiện các hồ sơ giả. Ngay với tài sản thế chấp là nhà đất, vốn là tài sản yêu cầu phải đăng ký sở hữu, quy định về hồ sơ, quy trình thẩm định, xét duyệt chặt chẽ như hợp đồng phải công chứng, phải đăng ký tài sản đảm bảo…, cũng không ngăn chặn được tình trạng sổ đỏ giả tồn tại trong ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban, Phó giám đốc Công ty Luật DNAS cho rằng, một yếu tố quan trọng để hạn chế nguy cơ cầm cố chứng khoán “ảo” là sự tham gia của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Hiện nay, việc xác nhận NĐT có sở hữu chứng khoán do CTCK tự thực hiện, do đó có thể xảy ra tình trạng nhân viên, thậm chí lãnh đạo cao cấp CTCK lạm quyền trong việc xác nhận này. Nếu như VSD có thể cung cấp xác nhận sở hữu chứng khoán cho các bên tham gia giao dịch thì sẽ hạn chế nguy cơ lừa đảo, lạm dụng.

Tuy nhiên, như lãnh đạo VSD đã trả lời báo chí, VSD chỉ có thể cung cấp thông tin nhanh chất trong vòng 3 ngày. Thời hạn 3 ngày này là quá dài với NĐT, nếu việc xác nhận do CTCK thực hiện thì thời gian được rút ngắn rất nhiều.

Luật sư Ban gợi ý, VSD có thể thu phí đối với việc cung cấp thông tin, cũng như cung cấp thông tin qua email để giảm bớt thời gian thủ tục hành chính, khi mà dữ liệu điện tử đã được công nhận.

Ngoài ra, theo luật sư Trần Minh Hải, đối với việc cầm cố chứng khoán, các ngân hàng sẽ yêu cầu CTCK phong tỏa tài khoản của khách hàng, bao gồm cả tài khoản tiền và chứng khoán, tùy từng trường hợp. Việc này được quy định ngay trong hợp đồng giữa CTCK và ngân hàng. Nhưng trên thực tế, nếu CTCK cố tình bán chứng khoán cầm cố hoặc không tích cực hỗ trợ ngân hàng thu hồi vốn, thì ngân hàng không cách nào làm được. Bởi vậy, nếu VSD hỗ trợ trong việc phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ, thì sẽ giảm bớt gánh nặng rủi ro cho ngân hàng.

Tuy nhiên, sự tham gia của VSD chỉ giúp hạn chế phần nào rủi ro. Như đã nói ở trên, không có gì đảm bảo là các đối tượng sẽ không làm giả xác nhận sở hữu chứng khoán ngay cả của VSD, bởi thực tế cho thấy, nhiều văn bản, tài liệu của cơ quan chức năng đã bị đối tượng làm giả đơn giản chỉ với phương pháp in màu.

Hoàng Duy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   NTP bị phạt 20 triệu đồng vì "quên" công bố thông tin (31/10/2012)

>   10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (31/10/2012)

>   Thêm chế tài với CTCK “ốm yếu” (31/10/2012)

>   Gửi tiết kiệm hay đầu tư cổ phiếu? (31/10/2012)

>   Soi bản chất giao dịch, cơ quan quản lý ở đâu? (31/10/2012)

>   Cổ phiếu chìm nổi theo phận đại gia (31/10/2012)

>   Ngân hàng Phương Đông bị cảnh cáo do vi phạm Quy chế Trung tâm lưu ký (30/10/2012)

>   Công ty Chứng khoán: Giờ cáo chung đã điểm? (30/10/2012)

>   31/10: Bản tin 20 giờ qua (31/10/2012)

>   HOSE công bố các loại BCTC của các công ty niêm yết (30/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật