Gửi tiết kiệm hay đầu tư cổ phiếu?
Đây là câu hỏi khó trả lời nhất đối với nhà đầu tư trên TTCK - Ngay cả với những người đã bám sàn nhiều năm, những tổ chức đầu tư hay thậm chí cả các chuyên gia chứng khoán.
* KLS: Tiền mặt “khủng”, nhưng phải đối diện 3 rủi ro trong quý 4/2012
Mặt bằng lãi suất ổn định trong xu hướng giảm
Lạm phát là một trong những cơ sở quan trọng để NHNN điều hành chính sách tiền tệ nói chung và lãi suất nói riêng. Từ đầu năm đến nay, lạm phát đã được kiểm soát, thậm chí trong những tháng đầu năm nhiều chuyên gia kinh tế còn đề cập đến nguy cơ giảm phát, suy thoái kinh tế. CPI tháng 9 tăng khá mạnh 2.2% nhưng sang tháng 10 chỉ tăng 0.85%. Với diễn biến kinh tế vĩ mô như hiện nay, lạm phát 2012 hoàn toàn có khả năng được kiểm soát dưới 2 con số, nằm trong mục tiêu của Chính phủ.
Năm 2013, nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng vừa phải, một số nền kinh tế lớn trong G20 đã phục hồi rõ nét từ nửa cuối năm 2012 có thể tăng trưởng khá. Do đó giá cả hàng hóa thế giới sẽ tương đối ổn định.
Với định hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô lên trước mục tiêu tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tăng trưởng GDP năm 2013 là 5.5% và kiểm soát lạm phát ở mức 7-8%. Nếu công tác điều hành của Chính phủ và các bộ ngành bám sát mục tiêu trên, áp lực đối với lãi suất từ góc độ lạm phát sẽ giảm đáng kể.
Công cuộc tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng đã và đang được tiến hành quyết liệt. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém đã được sáp nhập thành công. Việc sáp nhập những ngân hàng yếu kém còn lại dự kiến được thực hiện quyết liệt trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Bên cạnh đó những NHTM lớn cũng tiến hành tái cơ cấu theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Khi hệ thống ngân hàng ổn định, áp lực thanh khoản giảm, diễn biến lãi suất vì thế sẽ ổn định hơn.
Mặt bằng lãi suất, dù đã được chủ động kéo giảm từ giữa năm 2012, hiện vẫn ở mức cao là một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể nhận định cuối 2012 và năm 2013, diễn biến lãi suất sẽ ổn định trong một xu hướng giảm.
Cổ phiếu rẻ như “cho không”?
Hiện tại trên hai sàn niêm yết chính thức, có rất nhiều mã cổ phiếu có thị giá thấp hơn mệnh giá, chỉ bằng nửa giá trị sổ sách. Thậm chí đối với nhà đầu tư (NĐT) ưa thích cổ phiếu giá thấp cũng không khó để lập một danh mục dài gồm những mã cổ phiếu của các “đại gia” chỉ có giá từ 3,000-5,000 đồng. Đúng là cổ phiếu rẻ như rau! Tuy nhiên sự cạn cung giá thấp, và cũng là lý do khiến thanh khoản các phiên gần đây sụt giảm mạnh đang phát đi tín hiệu không còn nhiều “rau” nữa. Đáy của thị trường đang ở đâu đó quanh đây.
Mặc dù vẫn biết là giá đã giảm xuống mức quá thấp và tiềm năng của kênh đầu tư cổ phiếu là rất lớn, NĐT vẫn chưa cảm thấy phải vội vàng. Nguyên nhân cơ bản có lẽ là do chính sự sụt giảm triền miên của thị trường trong thời gian dài khiến tâm lý “chim sợ cành cong” ngự trị. Quyết tâm tái cấu trúc TTCK theo hướng minh bạch và hiệu quả, trở thành kênh dẫn vốn trung – dài hạn chủ đạo trong nền kinh tế đã được thị trường ghi nhận từ những động thái quyết liệt gần đây của các cơ quan quản lý mà tập trung là UBCKNN. Kỳ vọng về một thị trường được vận hành lành mạnh sẽ dần làm hồi sinh niềm tin nơi NĐT.
So sánh về suất lợi tức thời điểm hiện tại, có thể thấy rõ ràng kênh đầu tư cổ phiếu đang hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm. NĐT cá nhân, nhỏ lẻ có thể không có điều kiện để thu thập dữ liệu cũng như tính toán so sánh hơn thua. Tuy nhiên, điều đó lại không mấy khó với những tổ chức đầu tư. Gần đây, xuất hiện khá nhiều phân tích về “hiện tượng KLS” cho thấy Công ty cổ phần chứng khoán Kim Long, sau một thời gian dài kiên định với chiến lược gửi tiết kiệm, dường như đang vận “hết công suất nhập hàng” trong năm 2012, bất chấp việc phải tạm thời trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán.
Hiện KLS vẫn đang còn một lượng tiền mặt khá lớn. Tuy nhiên, nhiều khả năng từ nay đến đầu năm 2013 lượng tiền mặt này sẽ tiếp tục “vơi” đi với tốc độ cũng khá nhanh. Với một lượng tiền lớn trong tay, điều kiện thị trường hiện tại đang là thời cơ vàng cho KLS giải ngân?
Năm 2012 KLS đã có sự chuyển biến, lựa chọn kênh đầu tư cổ phiếu thay vì gửi tiết kiệm. Là một công ty đại chúng, KLS phải tuân thủ chế độ báo cáo thông tin, do vậy thị trường rất dễ nhận biết các động thái đầu tư của công ty này. Liệu những tổ chức đầu tư chưa phải là công ty đại chúng có âm thầm thực hiện chiến lược “thu gom rau” không?
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là liệu chiến lược này là sáng suốt? Câu trả lời vẫn ở thì “tương lai” nhưng đối với NĐT cá nhân, những người luôn ở vị thế yếu cả về thông tin cũng như năng lực phân tích có nên xem sự chuyển hướng chiến lược đầu tư của Công ty Chứng khoán Kim Long nên được cân nhắc như một nguồn tham khảo hữu ích cho quyết định của mình.
Đình Chi (Vietstock)
FFN
|