Thứ Ba, 30/10/2012 14:56

Sửa thuế chứng khoán đang rơi vào thế... kẹt

Việc hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với lĩnh vực chứng khoán, đang rơi vào thế... kẹt.

Bên cạnh đó, khi có hiệu lực, văn bản này cũng khó hỗ trợ mạnh TTCK như kỳ vọng của các thành viên thị trường.

Tình thế khó xử

Sau nhiều lần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các thành viên thị trường, những tưởng dự thảo Thông tư đã được Bộ Tài chính ban hành, nhưng dự thảo vẫn cứ là dự thảo và chưa biết đến bao giờ mới chính thức "chào đời".

Là người tham gia xây dựng dự thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên là trong quá trình hoàn thiện dự thảo để dự kiến ban hành vào cuối năm nay, điều khó nhất mà Ban soạn thảo vấp phải là nếu tuân thủ chặt các quy định pháp luật về thuế và chứng khoán hiện hành, thì chưa thể tháo gỡ những vướng mắc về thuế đang tồn tại trong lĩnh vực chứng khoán. Ngược lại, nếu linh hoạt vận dụng các quy định, để đưa vào dự thảo những nội dung theo hướng giải tỏa dần các bức xúc hiện tại, cũng như tạo ra những cơ chế ưu đãi bước đầu để khuyến khích phát triển sản phẩm mới cho TTCK, thì khó đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ về mặt pháp lý với các văn bản cao hơn.

Tình thế khó xử này đã được Ban soạn thảo lường trước khi xây dựng dự thảo, hay đến khâu hoàn chỉnh mới lộ diện? Ông Phụng cho hay, tình thế này đã được lường trước. Tuy nhiên, vì các thành viên thị trường quá sốt ruột muốn tháo gỡ sớm các bất cập, cũng như có cơ chế ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán, trong khi quy định pháp lý chưa cho phép, nên trong quá trình tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo khó đáp ứng kỳ vọng của các thành viên thị trường.

Với thực trạng như vậy, nếu dự thảo được ban hành theo hướng lựa chọn thứ nhất, thì ý nghĩa đóng góp chủ yếu của văn bản này chỉ là lần đầu tiên có văn bản riêng biệt hướng dẫn về thuế áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán. Điều này giúp khắc phục tình trạng các quy định về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán đang nằm rải rác tại rất nhiều văn bản khác nhau, khiến các đối tượng bị điều chỉnh khó theo dõi và tuân thủ. Nếu dự thảo chỉ làm được một việc là tập hợp các quy định về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán vào một văn bản, thì chưa đáp ứng được nhiều đòi hỏi “nóng” từ thị trường.

Ý kiến của các thành viên, nhất là các CTCK, công ty quản lý quỹ cho thấy, điều họ kỳ vọng hơn cả là dự thảo tìm ra phương án khắc phục một loạt bất cập như: đầu tư thua lỗ, nhưng NĐT vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN); NĐT đầu tư qua quỹ đầu tư bị đánh thuế cao hơn so với đầu tư trực tiếp, nên không khuyến khích phát triển NĐT tổ chức như mong đợi của UBCK...

Ông Phụng, chia sẻ, Ban soạn thảo thấu hiểu những đòi hỏi của thị trường, nhưng do các quy định về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán được quy định rải rác trong Luật Thuế TNCN, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, cũng như tại nhiều văn bản liên quan, nên chỉ khi những văn bản này được điều chỉnh, nghĩa là bất cập được khắc phục từ gốc, thì Bộ Tài chính mới có cơ sở để đưa ra hướng dẫn phù hợp. Chừng nào những bất cập mà các thành viên thị trường đang mong muốn sửa đổi chưa được điều chỉnh trong các luật và văn bản liên quan, thì Bộ Tài chính không thể “qua mặt” ban hành các văn bản hướng dẫn “vênh” với luật.

Từ năm 2013, đầu tư lỗ không phải nộp thuế?

Trong số những bức bối mà thị trường đang phải đối mặt, thì nhiều khả năng chỉ có một bất cập sẽ được tháo gỡ sớm, đó là đầu tư thua lỗ sẽ không phải nộp thuế TNCN. Lý do là bởi ngày 26/10, trong Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội để thảo luận, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 4 này và áp dụng từ ngày 1/7/2013, đã đề xuất phương án điều chỉnh điểm c khoản 1 Điều 7 của Luật với nội dung: “Kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán...”. Hướng sửa đổi này bỏ quy định hiện hành về việc cá nhân phải đăng ký chọn một trong hai phương án nộp thuế là 20%/thu nhập hoặc 0,1%/giá trị của từng lần chuyển nhượng ngay từ đầu năm với cơ quan thuế, vốn đang là nguyên nhân gốc rễ khiến NĐT đầu tư thua lỗ, nhưng vẫn phải nộp thuế.

Khi thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ủng hộ đề xuất trên, đồng thời khuyến nghị, cần bổ sung quy định về hình thức và thời điểm đăng ký, để cơ quan thuế kiểm soát được kỳ tính thuế mà người nộp thuế đã lựa chọn nhằm bảo đảm có căn cứ cho quản lý trong quá trình thực thi Luật.

Như những gì Bộ Tài chính nói thì những bức bối khác phải đợi sửa đổi các luật thuế liên quan. Trước mắt, Quốc hội và Chính phủ cần thống nhất coi chứng khoán là ngành công nghiệp rủi ro, mới phát triển, có đóng góp ngày càng quan trọng cho hoạt động huy động vốn của nền kinh tế và DN, nên cần có ưu đãi về thuế để khuyến khích phát triển, thay vì quan điểm coi chứng khoán là cuộc chơi của người giàu, nên cần đánh thuế nặng. Một khi tư tưởng này thông, thì mới mở đường cho những đề xuất mới về thuế trong thời gian tới theo hướng hỗ trợ TTCK phát triển bền vững.

Hữu Đạo

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Phát triển Điện Tây Bắc bị phạt 100 triệu đồng (30/10/2012)

>   MBKE giới thiệu ứng dụng giao dịch trực tuyến KE Mobile (30/10/2012)

>   HU4: Bản cáo bạch và phụ lục (30/10/2012)

>   Ông chủ ngoại “ngậm trái đắng” (30/10/2012)

>   Nhiều rủi ro khi ủy thác đầu tư (30/10/2012)

>   30/10: Bản tin 20 giờ qua (30/10/2012)

>   Không nộp BCTC đúng hạn, DCL bị phạt 60 triệu đồng (29/10/2012)

>   PGD: Vì sao ban quản trị bán mạnh cổ phiếu trước kết quả quý 3? (29/10/2012)

>   Thêm một CTCK bị đình chỉ hoạt động 6 tháng (29/10/2012)

>   BCC - ẩn số thị trường tháng 11 (29/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật