Nhiều rủi ro khi ủy thác đầu tư
Cuối tuần qua, nhiều khách hàng của Công ty CP đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI) chi nhánh miền Nam (lầu 3, 186 - 188 Lê Thánh Tôn, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng và báo chí về việc công ty này không chịu trả lại tiền ủy thác đầu tư.
Phải tố cáo mới trả tiền
Bà Nguyễn Thị Hương Trà (ngụ tại Q.Gò Vấp) cung cấp cho chúng tôi: “Hợp đồng ủy thác đầu tư có thời hạn” với HGI ký ngày 24.7, thời gian 2 tháng, số tiền ủy thác là 100 triệu đồng, lãi suất (LS) 3%/tháng, thời hạn nhận lãi là cuối kỳ. Bà Trà cho biết tháng đầu tiên đã nhận được tiền lãi đúng theo hợp đồng. Nhưng đến cuối tháng 9 vừa qua bà chưa nhận được tiền lãi cùng số tiền gốc.
Một người khác là ông Quang, đại diện cho khách hàng Trương Thị Ngọc Hoa (ngụ Bình Chánh), có số tiền ủy thác 300 triệu đồng được ký từng tháng. Thời gian gần nhất là ký ngày 26.8 nhưng đến cuối tháng 9 vẫn chưa nhận được tiền lãi.
Các nhà đầu tư tập trung trước chi nhánh miền Nam Công ty HGI ngày 25.10 để đòi lại tiền đã ủy thác
|
Cả 7 khách hàng đứng tên trong đơn tố cáo đều có hợp đồng ủy thác đầu tư với HGI ký từ tháng 7 đến tháng 9.2012 với LS cuối kỳ từ 2,5 - 3%/tháng, tổng cộng số tiền đã ủy thác là 1,7 tỉ đồng. Đến cuối tháng 9, do thay đổi Giám đốc chi nhánh HGI miền Nam nên HGI đã mời các khách hàng lên làm thủ tục xác nhận và bàn giao quyền lợi cùng nghĩa vụ cho giám đốc chi nhánh mới. Khi đó, HGI cam kết sẽ thanh toán toàn bộ số tiền ủy thác cho các khách hàng vào ngày 25.10 (có một khách hàng đến ngày 10.10 đã được thanh toán trước 200 triệu đồng). Nhưng đến ngày hẹn, các khách hàng đến văn phòng HGI thì được thông báo phải ký giấy tố cáo bà Đ.T.P.A, nguyên Giám đốc chi nhánh miền Nam Công ty HGI, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng thì mới được trả tiền (bà A. đã bị bãi nhiệm từ ngày 18.9.2012). Khách hàng không đồng ý với yêu cầu này nên không được chi trả.
Rủi ro cao
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, liệt kê các rủi ro từ hình thức ủy thác đầu tư như rủi ro về pháp lý, về mục đích sử dụng vốn ủy thác, về năng lực của người nhận ủy thác, tài chính của bên nhận ủy thác không đảm bảo… Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, các công ty lớn, có nhiều năm kinh nghiệm cũng dễ dàng thua lỗ thì việc đầu tư để có được LS 2 - 3%/tháng là chuyện không tưởng. “Khung pháp lý cho hoạt động ủy thác đầu tư của chúng ta hiện còn thiếu và lỏng lẻo. Đặc biệt là hoạt động của các công ty đầu tư tài chính dường như thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Vì vậy, bản thân người dân phải tự mình nâng cao cảnh giác trước những hiện tượng bất thường như trên, nhất là những chuyện cam kết LS cao để tránh rủi ro mất tiền”, TS Dương nói.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (Basico), cũng cho rằng trong tình hình hiện tại việc đưa tiền cho các công ty nhận ủy thác là không nên. Người dân nên lựa chọn sự an toàn là trên hết chứ không phải chọn theo mức lợi nhuận cao. Trường hợp ủy thác đầu tư vào các công ty quản lý quỹ thì khách hàng phải được công khai danh mục đầu tư vào đâu, khi nào… Trong những trường hợp bên ủy thác không nhận lại được tiền, có thể khởi kiện khẩn cấp ra tòa. Khi đó có thể yêu cầu tòa án phong tỏa tài sản của công ty để sau đó phân định trách nhiệm và trả lại tiền cho người ủy thác. Tuy nhiên, nếu công ty đã bị mất khả năng thanh khoản hay nói cách khác sắp phá sản thì khả năng mất trắng của người ủy thác là hoàn toàn có thể xảy ra.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng khác nhận xét: “Đôi khi các công ty nhận ủy thác chỉ có vốn điều lệ vài tỉ đồng, năng lực tổ chức kinh doanh yếu kém, thiếu cơ chế kiểm soát nhưng lại có thể huy động vốn ủy thác lên đến vài trăm tỉ đồng. Đây là những rủi ro có thể nhìn thấy trước và khả năng không thể chi trả lại là điều đã xảy ra nhiều. Ngay cả bộ luật Dân sự cũng không có quy định nào về hoạt động ủy thác đầu tư. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp các bên sẽ căn cứ các quy định của hợp đồng và áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Bên gửi tiền ủy thác có thể gặp nhiều bất lợi và thua thiệt”.
HGI có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng?
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đăng ký thay đổi lần thứ 14 vào ngày 17.9.2012 tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội), HGI có vốn điều lệ lên đến 3.000 tỉ đồng và vốn pháp định 6 tỉ đồng. Số vốn này tương đương với một ngân hàng, nhưng chỉ do 3 cổ đông góp vốn: ông Trần Việt Hưng sở hữu 40%, tương đương 1.200 tỉ đồng; bà Đặng Thị Kim Dung và ông Vương Quốc Dân mỗi người sở hữu 30%, tương đương 900 tỉ đồng/người. Ngành nghề kinh doanh theo giấy phép khá đa dạng, từ bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của ô tô, bán buôn tơ, xơ, sợi dệt, bán buôn tre nứa... đến hoạt động tư vấn đầu tư, bán lẻ vàng, bạc, đá quý... Trên website, HGI nêu rõ lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là Tư vấn đầu tư tài chính, cùng 3 sản phẩm mục tiêu: tư vấn đầu tư kinh doanh vàng, đầu tư chứng khoán và giao dịch bất động sản.
|
Mai Phương
thanh niên
|