Thứ Hai, 29/10/2012 16:02

Áp lực không đến từ toàn hệ thống

Hầu hết mọi người đều cho rằng, thanh khoản năm nay nếu so với những năm trước đã có sự cải thiện đáng kể. Do đó, xác suất để vấn đề thanh khoản thực sự nóng trở lại là rất thấp. Hơn nữa, nếu áp lực căng thẳng xuất hiện trở lại đến mức phải xử lý thì NHNN hoàn toàn có thể “ra tay” để hóa giải vấn đề này.

Các dấu hiệu cục bộ

Thời gian gần đây, các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động huy động vốn bằng các chương trình khuyến mãi, tặng quà... Một số ngân hàng còn đưa các mức lãi suất lên trên 12%/năm cho các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên). Trước thực tế này, có ý kiến lo ngại cho rằng, phải chăng thanh khoản của các ngân hàng đang có vấn đề?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, hiện thanh khoản của hệ thống là rất dồi dào. Bởi theo số liệu thống kê, huy động vốn của các ngân hàng tăng cao hơn tín dụng rất nhiều. Thừa vốn trong khi tín dụng gặp khó nên các ngân hàng tích cực mua vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu NHNN. Đó chính là lý do khiến lãi suất tín phiếu NHNN giảm mạnh. Việc các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn cũng là bình thường bởi thời điểm này, nhu cầu vốn, tiền mặt trong nền kinh tế tăng cao.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối NHTMCP Quốc Tế (VIB) cho biết, căng thẳng thanh khoản sẽ không xảy ra trong những tháng còn lại của năm nay. “Những dấu hiệu trên thị trường vừa qua cho thấy chỉ là biểu hiện của nút thắt của nguồn vốn thôi, chứ nó khác hoàn toàn với tình trạng căng thẳng thanh khoản của những năm trước đây” – ông Trung nhận định.

Ông Phạm Hồng Hải - Phó tổng giám đốc, phụ trách Tiền tệ và Thị trường vốn Ngân hàng HSBC (Việt Nam) cũng cho rằng, thanh khoản từ nay đến cuối năm không phải là vấn đề lớn bởi một mặt, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng không đáng kể; mặt khác số lượng ngân hàng thực sự thiếu hụt thanh khoản không nhiều, không mang tính hệ thống.

Cụ thể hơn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng đã đưa ra 4 lý giải chính của hiện tượng này: Thứ nhất là do một số ngân hàng vẫn còn những khó khăn nhất định về thanh khoản, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ hoặc những ngân hàng có nhiều nợ xấu; Thứ hai là từ 1/9 vừa qua, thị trường 2 được kiểm soát chặt chẽ hơn nên các ngân hàng phải quay sang thị trường 1, có các hình thức huy động, trong đó có việc đẩy lãi suất lên để thu hút nguồn vốn từ dân cư; Thứ ba là các ngân hàng tiếp tục đẩy huy động để chờ đón cầu tín dụng có thể tăng trong 1-2 tháng cuối năm; Thứ tư là các ngân hàng tiếp tục phải cơ cấu lại nguồn vốn huy động.

Trong đó, về nguyên nhân thứ nhất, TS. Lực phân tích thêm: “Tính chất thanh khoản năm nay hơi khác so với năm trước. Trước đây chủ yếu là do mất cân bằng huy động – cho vay dẫn đến căng thẳng thanh khoản, còn năm nay một phần câu chuyện thanh khoản là do nợ xấu tăng lên. Khi nợ xấu tăng, vốn bị “ngâm” ở đó trong khi khách hàng vẫn đến rút tiền thì buộc ngân hàng phải tiếp tục tăng huy động vào”.

Không lo căng thẳng thanh khoản cuối năm

Như vậy, hầu hết mọi người đều cho rằng, thanh khoản năm nay nếu so với những năm trước đã có sự cải thiện đáng kể. Do đó, xác suất để vấn đề thanh khoản thực sự nóng trở lại là rất thấp. Hơn nữa, nếu áp lực căng thẳng xuất hiện trở lại đến mức phải xử lý thì NHNN hoàn toàn có thể “ra tay” để hóa giải vấn đề này. “Chúng ta thấy thời gian qua NHNN đã bắt đầu hút tiền ra khỏi hệ thống. Giả thiết nếu có ngân hàng A, ngân hàng B nào đó gặp khó khăn về thanh khoản thì việc NHNN bơm thanh khoản cứu ngân hàng đó và đảm bảo cho an toàn của cả hệ thống là điều không khó” – ông Phạm Hồng Hải nhìn nhận.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là mối quan ngại về thanh khoản đã được loại trừ hoàn toàn. Và để hóa giải tận gốc mối lo thanh khoản, TS. Lực cho rằng cần tập trung xử lý triệt để những ngân hàng yếu kém. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém cần được làm khẩn trương vì đây là nguồn gốc khiến tình trạng “vượt trần” vẫn diễn ra và buộc nhiều ngân hàng khác dù không thực sự có nhu cầu cấp thiết về thanh khoản nhưng vẫn phải “đua” theo chỉ vì không thể đứng khoanh tay nhìn tiền và khách hàng từ ngân hàng mình cứ “lặng lẽ đội nón” ra đi.

Bên cạnh đó, cần tiến hành quyết liệt và chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể bơm tiền hỗ trợ những ngân hàng có vấn đề về thanh khoản lớn. Một số ý kiến cũng kỳ vọng, NHNN có thể sẽ xem xét để tới đây đưa ra các biện pháp can thiệp vào thị trường. Bởi đang có một tình trạng khá “kỳ” ở đây là các ngân hàng đang phải làm “bài toán ngược”: Lãi suất huy động tiền gửi trong dân cư thì cao trong khi cho vay lại thấp. Tình trạng này nếu cứ kéo dài thì chắc chắn là các ngân hàng không chỉ bị giảm lợi nhuận như báo chí đã thông tin thời gian vừa qua mà có thể còn phải chấp nhận lỗ nữa.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 19/10/2012, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng tới 14,02% so với cuối năm 2011; trong đó, huy động bằng ngoại tệ giảm 1,55%, còn huy động bằng VND tăng tới 17,52%. Riêng huy động vốn của dân cư tăng tới 23,31%; trong đó, huy động bằng VND tăng tới 28,76% còn ngoại tệ lại giảm mạnh 5,53%. Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 19/10 đạt 2,77%.

Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tỷ giá: Không lo “đến hẹn lại lên” (29/10/2012)

>   HDBank, DaiABank cùng hoãn họp cổ đông bất thường (29/10/2012)

>   Sở hữu chéo ngân hàng: “Lông nhím” hay “thảm đỏ”? (29/10/2012)

>   Siêu lừa: Lập nhóm 'công ty' lấy tiền ngân hàng (29/10/2012)

>   Sẽ có gói tín dụng dành cho người mua nhà (29/10/2012)

>   'Hàng nóng’ hại đời các ông lớn (29/10/2012)

>   Chống đầu cơ sinh ra phân biệt đối xử (29/10/2012)

>   Nợ xấu ngân hàng: Điểm nghẽn nền kinh tế (29/10/2012)

>   DaiABank và HDBank được chấp thuận sáp nhập (29/10/2012)

>   Hai cách giải nợ xấu (28/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật