Thứ Hai, 29/10/2012 09:58

Nợ xấu ngân hàng: Điểm nghẽn nền kinh tế

Nợ xấu đã ở vào ngưỡng báo động và đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế. Nếu xử lý nợ xấu chậm ngày nào thì ngân hàng và doanh nghiệp sẽ gặp thêm khó khăn ngày ấy.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước thì số nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6-10% trên tổng dư nợ (khoảng 2,5-2,8 triệu tỷ đồng).

Thực tế nhiều khoản nợ ở Việt Nam không “quá xấu”, bởi các khoản nợ có tài sản đảm bảo chiếm trên 84%, tài sản này có giá trị bằng khoảng 135% khoản nợ xấu. Nhiều khoản nợ được trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng đã trích lập trên dưới 70.000 tỷ đồng cho việc này. Có thể gọi đây là các khoản nợ không sinh lời và hoàn toàn có cơ sở để xử lý.

Tuy nhiên, phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản, trong khi thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nướcđang phối hợp với Bộ Xây dựng để tháo gỡ nút thắt này, ngoài ra cần có sự tham gia của Bộ Công Thương để giải quyết hàng tồn kho nói chung và bất động sản nói riêng.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trong khi con số nợ xấu chưa thống nhất được là bao nhiêu, thì con số nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước công bố được xem là con số nợ chính thống nhất.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng cho rằng, với thực trạng kinh tế hiện nay, yêu cầu giải quyết ngay bài toán nợ xấu đang rất cấp bách. Bởi nợ xấu đang trở thành gánh nặng không chỉ cho hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế. Nếu xử lý chậm ngày nào thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó có thể khơi thông vốn thêm ngày ấy, từ đó sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Trên thực tế, vấn đề xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đãđược đưa ra từ cuối quý 1/2012 nhưng theo nhiều chuyên gia, đến nay, quá trình xử lý nợ xấu vẫn diễn ra rất chậm chạp. Các phương án xử lý nợ xấu đãđược bàn nhiều, đặc biệt là phương án tính đến việc thành lập Công ty mua bán nợ xấu quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào cho thấy các giải pháp trên được triển khai. Sự chậm chạp trong khâu xử lý nợ xấu đã và đang để lại những hậu quả xấu cho hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, nếu nợ xấu tiếp tục ở mức cao sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, còn ngân hàng thì sẽ ngày càng bị ăn mòn vào lợi nhuận và điều này đãđược chứng minh rất nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận giảm mạnh trong quý 3 này.

Để giải quyết dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 11 này sẽ trình Chính phủ đề án thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra không ít ý kiến cho rằng, không nên thành lập Công ty xử lý nợ xấu trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, mà nên lựa chọn từ nhiều nguồn khác nhau.

Bởi khi để xảy ra nợ xấu, trước hết trách nhiệm chính trong việc thu hồi nợ xấu là chủ nợ (ngân hàng thương mại) và con nợ (doanh nghiệp) vay vốn.

Thực tế các ngân hàng thương mại vẫn đang rất nỗ lực để giải quyết trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình. Nhưng khi nợ xấu đãđến ngưỡng báo động, nếu cứ để các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự xử lý, thì số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản sẽ tiếp tục gia tăng do vẫn đang có nợ xấu tại ngân hàng, hàng hóa chậm tiêu thụ.

Như vậy, nền kinh tế sẽ mất đi một lượng vốn lớn, do vốn không được quay, dòng tiền trong nền kinh tế không lưu thông được, hệ thống ngân hàng tiếp tục khó khăn về thanh khoản. Điều này sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính. Khi nợ xấu quá ngưỡng cho phép (dưới 5% trên tổng dư nợ là bình thường), thì phải có biện pháp xử lý nợ xấu từ nhiều phía, trong đó có biện pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, xử lý nợ xấu có rất nhiều biện pháp nhưng biện pháp từ nội tại các ngân hàng thương mại phải được coi là chủ yếu thông qua việc nâng cao quản trị rủi ro và trích đúng, đủ dự phòng theo qui định. Còn xử lý nợ qua Công ty mua bán nợ quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước không phải là giải pháp tối ưu cho các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.

Để xử lý nợ xấu phải dùng nhiều nguồn: nguồn cơ bản phải từ trích dự phòng rủi ro của mỗi ngân hàng thương mại; nguồn từ Ngân hàng Nhà nước cũng rất quan trọng nhưng nguồn này nên thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn/hoặc ứng vốn để các ngân hàng thương mại cơ cấu lại danh mục tài sản và bù đắp vào những tổn thất rủi ro trong kinh doanh ngân hàng; các ngân hàng thương mại cũng cần có phương án xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của chính ngân hàng thương mại và ở một chừng mực nhất định có thể mua nợ từ các ngân hàng thương mại khác.

Khi nợ xấu tại các ngân hàng được cải thiện, thì Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước thu hồi khoản vốn cho vay dưới hình thức tái cấp vốn hay ứng vốn này... Nhưng dù giải pháp nào được thực hiện, các ngân hàng có vấn đề nợ xấu cần phải được tái cấu trúc và kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý liên quan.

Chỉ có như vậy, nợ xấu mới được giải quyết triệt để và từ đó giúp khơi thông được dòng vốn trong nền kinh tế.

Ngô Hải

tbktvn

Các tin tức khác

>   DaiABank và HDBank được chấp thuận sáp nhập (29/10/2012)

>   Hai cách giải nợ xấu (28/10/2012)

>   Không nên vội chuyển sang vàng miếng SJC (28/10/2012)

>   Vietinbank: “Lính mới” của Moody’s tại Việt Nam (28/10/2012)

>   Ngân hàng đua nhau “săn” khách mở thẻ ghi nợ (28/10/2012)

>   TP.HCM đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất (28/10/2012)

>   SFC muốn chuyển thành ngân hàng (04/02/2001)

>   Sacombank “gây khó” cho Moody’s, S&P và Fitch (27/10/2012)

>   Tăng room tín dụng, chưa thấy nhiều hiệu quả (27/10/2012)

>   Đẩy mạnh giải quyết nợ xấu càng sớm càng tốt” (27/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật