Tăng room tín dụng, chưa thấy nhiều hiệu quả
Một loạt ngân hàng đã được chấp thuận nới room tăng trưởng tín dụng vào giữa năm nay, nhưng điều đó chưa giúp cho bức tranh tín dụng được cải thiện.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đến hết quý III chỉ như “rùa bò”, đạt khoảng 2,9%, thấp quá xa so với hạn mức đưa ra đầu năm là 15 - 17%.
TienPhong Bank đã xin và được NHNN chấp thuận cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đến 27%
|
Nỗ lực tăng tín dụng
Các ngân hàng hiện đang rất nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thông qua việc triển khai nhiều sản phẩm hỗ trợ cho các hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn và thời vụ cao điểm cuối năm.
Chẳng hạn, VPBank triển khai sản phẩm cho vay hộ kinh doanh bổ sung vốn lưu động trả góp, khách hàng sẽ được vay tối đa 90% tổng số vốn kinh doanh bị thiếu hụt trong kỳ kinh doanh trước đó. Hay như Techcombank triển khai gói sản phẩm cho khách hàng xuất khẩu đến 31/12/2012, với nhiều ưu đãi về thủ tục, phí và lãi suất. TienPhong Bank thì đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, như “90 ngày vàng dành cho doanh nghiệp”, lãi suất từ 12 -1 4,5%/năm; 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ… 1.000 tỷ đồng dành cho vay sản xuất lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Kalidas, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân VPBank cho biết: “Cuối năm là thời điểm các hộ kinh doanh cần nhiều vốn để đầu tư cho các hoạt động kinh doanh. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, đồng thời thể hiện cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng khách hàng, bên cạnh các chương trình hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, VPBank đã nghiên cứu và triển khai sản phẩm Cho vay hộ kinh doanh bổ sung vốn lưu động trả góp, đồng thời, đơn giản hóa thủ tục để khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn”.
Được biết, sang tuần tới, một NHTM sẽ đứng ra làm đầu mối cho 5 NHTM khác thu xếp khoảng 140 triệu USD cho một dự án của doanh nghiệp.
Vẫn thấp xa hạn mức
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, tính đến ngày 30/9, dư nợ cho vay của MB đạt gần 65.000 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với đầu năm. Từ giữa tháng 8, MB đã được NHNN nới room tăng trưởng tín dụng từ 17% lên 25% trong năm 2012. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Ngân hàng sẽ sử dụng tốt room tăng trưởng tín dụng này trên cơ sở triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp kinh doanh tại các đơn vị kinh doanh trong nước và tại Lào, Campuchia.
“MB sẽ tập trung tín dụng cho 4 lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của NHNN, cụ thể là: lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, các dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu, phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngân hàng sẽ thực hiện giảm mạnh lãi suất cho vay để tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, ông Công nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TienPhong Bank chia sẻ, sau khi được NHNN phê duyệt phương án tái cấu trúc, đồng thời được chấp thuận nới tốc độ tăng tín dụng lên tối đa 27% so với thời điểm cuối năm 2011, TienPhong Bank đã nhanh chóng rà soát và xây dựng các quy định, quy trình nội bộ nhằm nâng cao tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo khả năng quản lý rủi ro tốt hơn; đẩy mạnh công tác bán hàng, tìm kiếm và phát triển khách hàng mới…
“Do đó, Tien Phong Bank đã chặn được đà suy giảm dư nợ của những tháng đầu năm và đặc biệt, trong tháng 9/2012, số lượng khách hàng mới đến với TienPhong Bank gia tăng mạnh mẽ. Số lượng hồ sơ tín dụng được phê duyệt và số tiền giải ngân cũng tăng tương ứng. TienPhong Bank tin tưởng sẽ đạt kết quả tốt trong năm 2012 và sử dụng hết room tín dụng được NHNN cho phép”, ông Hưng nói.
Việc các ngân hàng xin nới room tăng trưởng tín dụng năm 2012 có sử dụng hết hạn mức hay không còn phải chờ đến khi kết thúc năm 2012 mới rõ, nhưng tình trạng chung của toàn ngành ngân hàng vẫn là tăng trưởng tín dụng rất chậm, bình quân còn cách quá xa so với hạn mức 15 - 17% được đưa ra đầu năm.
Chủ tịch HĐQT một NHTM cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng 9 tháng đầu năm không tốt, do vậy, mặc dù đã lên kế hoạch xin NHNN mở rộng hạn mức tín dụng năm 2012, nhưng đến nay, lãnh đạo ngân hàng đã quyết định chỉ dùng đủ hạn mức được cho phép từ đầu năm là 17%.
Thậm chí, có ngân hàng, tính đến cuối tháng 9 còn tăng trưởng âm so với đầu năm, như BaoViet Bank. Tính đến 30/9/2012, dư nợ của Ngân hàng đạt gần 5.791 tỷ đồng, trong khi con số của đầu năm là hơn 6.712 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng bị âm 13,7%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, một vài ngân hàng tỷ trọng quá bé nên không làm thay đổi bức tranh tín dụng của toàn ngành còn một vài ngân hàng khác tăng trưởng tín dụng tốt chỉ là những trường hợp cá biệt trong một tổng thể. Đồng thời, chắc chắn sẽ có những ngân hàng mạnh dạn xin tăng trần vượt chỉ tiêu đầu năm được giao nhưng thực tế không hoàn thành được định mức mới. Đó là chưa tính đến việc có ngân hàng “xào nấu” sổ sách để có con số đẹp làm hài lòng cổ đông.
Nên bỏ trần tín dụng?
“Tình hình kinh tế quá khó khăn nên dù đã nỗ lực từ nhiều tháng nay, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn không khá hơn. Tình hình này mà vẫn kéo dài, tôi nghĩ, sang năm chắc NHNN cũng không cần room tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng nữa”, vị Chủ tịch HĐQT trên nói.
Đồng quan điểm trên, tổng giám đốc một NHTM cho rằng, sang năm, NHNN nên bỏ các loại trần như tăng trưởng tín dụng, lãi suất… mà chỉ quản lý các chỉ tiêu cơ bản như an toàn vốn, huy động và cho vay, nợ quá hạn… Tình hình kinh tế chung đã quá nhiều khó khăn, trong khi các loại trần lại góp phần không nhỏ làm méo mó thị trường tiền tệ.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam lại nêu quan điểm, vẫn cần trần tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành để tránh tăng trưởng nóng và quản lý kỳ vọng lạm phát năm 2013. Việc xét trần tăng trưởng tín dụng cho các nhóm ngân hàng cũng có thể xem xét trong năm 2013. Điều quan trọng nhất là phải có chính sách đối xử khác nhau giữa các nhóm ngân hàng hoạt động lành mạnh và không lành mạnh. Đối với ngân hàng hoạt động không lành mạnh, nên hạn chế tăng trưởng tín dụng để tạo áp lực các ngân hàng này phải cải tổ để nâng chất lượng hoạt động. Khi các ngân hàng này hoạt động lành mạnh trở lại sẽ được cấp trần tăng trưởng tín dụng mới để phát triển.
Hồng Dung
Đầu tư chứng khoán
|