Ngừng huy động vàng: Chỉ nên gia hạn với trường hợp “bất đắc dĩ”
Theo ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong trường hợp bất đắc dĩ thì NHNN mới kéo dài thời hạn cho các ngân hàng có thời gian tất toán đưa trạng thái vàng về 0.
* Không có chuyện bù lỗ vàng cho ngân hàng
|
Ông Nguyễn Thành Long |
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa (25/11), các ngân hàng phải chấm dứt hoạt động huy động vàng theo quy định. Song, đến thời điểm này, một số ngân hàng vẫn đang tích cực huy động vàng để cân bằng trạng thái, thậm chí có ngân hàng lo ngại có thể sẽ không kịp tất toán vàng. Theo ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong trường hợp bất đắc dĩ thì NHNN mới kéo dài thời hạn cho các ngân hàng có thời gian tất toán đưa trạng thái vàng về 0.
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Hiệp hội cho rằng, trước khi đóng trạng thái vàng, NHNN nên thống kê lại số lượng vàng tại các NHTM, nhất là các ngân hàng tham gia bán vàng bình ổn thời gian trước. Với những ngân hàng sau khi xem xét hoạt động mua bán gặp nhiều khó khăn thì NHNN có thể cân nhắc gia hạn. Đương nhiên việc gia hạn nhiều lần là không nên, vì vậy, tôi nhấn mạnh, NHNN chỉ nên gia hạn với các trường hợp bất đắc dĩ, còn các ngân hàng khác thì vẫn cần thực hiện đúng nguyên tắc.
Có ý kiến cho rằng thời gian gia hạn nếu có thì nên là khoảng 6 tháng. Vậy, theo quan điểm của Hiệp hội Kinh doanh vàng, mức thời gian trên có đủ cho các ngân hàng trên đưa trạng thái vàng về 0?
Theo tôi, nếu có gia hạn thì thời gian bao lâu còn tùy theo việc xem xét trạng thái vàng của NHTM. Đề xuất 6 tháng cũng là thời hạn vừa phải để cho các ngân hàng hoàn tất nghĩa vụ của mình. Nhưng đây cũng nên là thời hạn cuối cùng, phải dứt điểm chuyện đó. Vì trong thời gian qua không ít các ngân hàng đã phải trả giá cho việc gom vàng quá đà. Bên cạnh đó, việc ngân hàng gom vàng mạnh khiến cung – cầu lệch pha nên chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế luôn ở mức cao.
Có thông tin về việc NHNN sẽ trình Chính phủ thành lập Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng, ông nghĩ sao về việc này?
Đó cũng có thể là giải pháp bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên, thực tế thị trường vàng còn mang nặng yếu tố tâm lý. Vì vậy, nếu giải quyết tốt yếu tố tâm lý đôi khi Nhà nước không nhất thiết đưa ra nhiều chính sách mà chỉ cần đưa ra thông điệp rõ ràng về chính sách thì thị trường sẽ tự điều chỉnh. Những người kinh doanh vàng cũng như đầu cơ sẽ nhìn vào động thái chính sách của NHNN để đưa ra quyết định mua, bán hay găm giữ.
Ông có cho rằng việc áp dụng biên độ đối với giá vàng sẽ thu hẹp khoảng cách giá vàng nội – ngoại?
Việc thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế là mục tiêu cần nhắm tới, nhưng theo tôi đề xuất trên có vẻ duy ý chí. Bởi, giá vàng trong nước thường chạy theo giá vàng thế giới. Đó là chưa kể còn nhiều yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý như hiện tượng nhập lậu vàng; chưa thể thống kê chính xác số lượng vàng trong dân; người dân Việt Nam thường đầu tư theo tâm lý bầy đàn… Do đó, theo tôi không nên đưa ra cam kết ấn định một mức giá cho vàng.
Vậy, Hiệp hội có “hiến kế” gì để bình ổn thị trường?
Theo tôi, NHNN cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân qua hình thức phát hành chứng chỉ vàng dài hạn. Số vàng huy động được có thể dùng làm tài sản thế chấp để vay ngoại tệ với lãi suất thấp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tùy từng thời điểm, NHNN trực tiếp nhập vàng để bình ổn giá. Khi thị trường dần ổn định, các yếu tố nhạy cảm về ngoại hối được kiểm soát thì nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản… Song, đây mới chỉ là đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Thanh thực hiện
thời báo ngân hàng
|