NHNN: Nợ xấu giảm 36 ngàn tỷ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay số nợ xấu đã giảm đi khoảng 36 ngàn tỷ đồng, nhờ cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn nợ, xóa nợ. Cùng với đó, con số trích lập thêm dự phòng rủi ro cũng đã tăng nhanh trong quý III/2012 và đây là tín hiệu tốt. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiếp tục mạnh tay xử lý nợ xấu và tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
Bài toán khó từ quá khứ
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra NHNN, từ những năm 2010 trở về trước 5 năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình mỗi năm lên tới gần 30%, mức rất cao so với thế giới. Do đó, nợ xấu tăng cao là “chuyện không có gì lạ”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định nợ xấu hiện nay là do những năm trước để lại. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đến thời điểm này đạt 2,77%, toàn bộ nợ năm nay là nợ ngắn hạn nên không thể phát sinh nợ xấu.
Con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng không cố định mà thay đổi qua thời gian, đồng thời nếu dựa trên các tiêu chí khác nhau thì con số cũng có thể khác biệt. Trong tất cả các phương án đánh giá nợ xấu, phương pháp đánh giá của NHNN là chuẩn xác nhất, với tỷ lệ xoay quanh khoảng 8-10%, ông Nghĩa giải thích và cho biết thêm.
Thực tế, nhiều khoản nợ ở Việt Nam không “quá xấu như mọi người tưởng”, các khoản nợ có tài sản đảm bảo chiếm trên 84%, tài sản này có giá trị bằng khoảng 135% khoản nợ xấu. Nhiều khoản nợ được trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng đã trích lập trên dưới 70.000 tỷ đồng cho việc này. Có thể gọi đây là các khoản nợ không sinh lời và hoàn toàn có cơ sở để xử lý.
Tuy nhiên, phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản, trong khi thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn. NHNN đang phối hợp với Bộ Xây dựng để tháo gỡ nút thắt này, ngoài ra cần có sự tham gia của Bộ Công Thương để giải quyết hàng tồn kho nói chung và bất động sản nói riêng.
Tín hiệu tốt từ trích lập dự phòng rủi ro
Vấn đề lập công ty mua bán nợ đã được đặt ra từ quý IV/2011, theo hướng tiết giảm tối đa chi phí và đạt hiệu quả cao nhất. Trong thời gian tới, NHNN sẽ xin ý kiến về việc lập công ty này.
Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa vai trò của công ty mua bán nợ, đây chỉ là một công cụ giải quyết nợ xấu. Công ty này về nguyên tắc phải xử lý các khoản nợ còn xử lý được và chỉ xử lý được một số nợ xấu nhất định, dự kiến khoảng 60-100.000 tỷ đồng.
NHNN khẳng định thời gian vừa qua, công tác xử lý nợ xấu vẫn đang được tiến hành dù chưa thành lập công ty này. Đến nay, số nợ xấu đã giảm khoảng 36 ngàn tỷ đồng, nhờ cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn nợ, xóa nợ.
Cùng với đó, con số trích lập thêm dự phòng rủi ro cũng đã tăng nhanh trong quý III/2012 và đây là tín hiệu tốt.
Một phương án được NHNN đề cập là lập hội đồng giải quyết nợ xấu thuộc Chính phủ để xử lý vấn đề trong thời gian ngắn. Thực tế, năm 1997-1998, chúng ta đã có mô hình tương tự gồm đại diện rất nhiều Bộ, ngành.
Buộc các ngân hàng yếu tái cơ cấu
NHNN đã đánh giá kỹ lưỡng để xác định các ngân hàng yếu. Việc thanh tra được thực hiện khách quan, không chỉ có NHNN mà mời cả các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện, kết quả thanh tra kiểm tra tương đồng. Các đơn vị kiểm tra đã xác định số nợ xấu của 9 ngân hàng cao hơn nhiều con số báo cáo, do đó, tùy theo mức độ nặng nhẹ để xử lý (hiện tại còn 7 ngân hàng vì Tiên Phong Bank và Habubank đã xử lý xong).
Theo NHNN, cuối năm 2012 là thời hạn chót cho các ngân hàng thương mại tự giải quyết những yếu kém. Hiện các ngân hàng đang trình các phương án nhưng NHNN chưa thấy khả thi. Trong trường hợp các ngân hàng không giải quyết được, NHNN sẽ bắt buộc thực hiện tái cơ cấu.
Huy Thắng
chính phủ
|