Bi kịch đường và muối: Sắp hết thời tự sướng
Nghịch lý về thừa đường, thừa muối nhưng DN vẫn đòi nhập khẩu l chuyện buồn của sản xuất trong nước, nếu không nâng cao chất lượng và hạ giá thành thì những sản phẩm này rất khó có tương lai.
Chất lượng thấp, đòi giá cao ăn lãi lớn
Hiệp hội Mía Đường cho biết, vụ tới Việt Nam sẽ sản xuất trên 1,5 triệu tấn đường. Số lượng này có phần dư thừa so với nhu cầu trong nước. Chỉ có điều giá bán cao hơn đường nước ngoài.
Các DN tiêu thụ đường cho rằng, giá đường trên thị trường trong nước không chỉ cao mà còn luôn có sự biến động. Có thời điểm giá đầu vụ và cuối vụ chênh lệch đến 5.000 đồng/kg nên khó cho DN tiêu thụ đường.
Đại diện Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cho biết, Công ty chúng tôi rất mệt mỏi với sự biến động của giá đường. Giá bán bánh kẹo, một năm không điều chỉnh quá 10% còn giá đường trên thị trường thì trên dưới 30%. Hiện nay giá đường các DN trong nước bán ra từ 15.500 đồng tới 16.000 đồng/kg nhưng đường nhập khẩu có giá thấp hơn, chỉ từ 11.000 đồng- 14.700 đồng/kg.
Đại diện các công ty như Nestlé VN, CocaCola VN, Perfetti Van Melle thì than rằng muốn tìm mua đường RE có chất lượng cao nhưng chỉ có một vài nhà máy sản xuất được. Ví thế mới có tình trạng bên mua cần nhưng bên bán không thể đáp ứng được.
Đường trong nước giá cao hơn nhập khẩu.
Vì thế, khi DN tiêu thụ đường mong muốn chất lượng đường tốt và giá thành hạ như trên thị trường thế giới để cạnh tranh thì các DN sản xuất đường đã nói thẳng rằng là không có và không bao giờ làm được. Các DN trong nước muốn rằng, đáp ứng chất lượng cao hơn thì phải có giá cao hơn chứ không có chuyện hạ giá.
Theo các DN hiện số đường tồn kho cả nước khoảng 300.000 tấn, trong khi các DN vẫn muốn nhập khẩu. Vừa qua thống kê số lượng của Bộ Công thương số đường các DN có nhu cầu nhập khẩu lên tới trên 200.000 tấn.
Câu chuyện này không khác gì ngành muối. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm nước ta thừa khoảng 300.000 tấn muối, nhưng lượng muối cho công nghiệp lại thiếu khoảng 200.000 tấn. Lý do là chất lượng muối sản xuất trong nước thấp và giá thành lại cao.
Sản xuất muối của Việt Nam đến nay còn đa phần vẫn làm thủ công. Muối có hàm lượng natri clorua (NaCl) thấp, bị lẫn tạp chất, chỉ sử dụng cho nhu cầu cấp thấp chứ không thể dùng cho tiêu dùng chất lượng cao.
Không những vậy giá muối trong nước lại cao hơn giá nhập khẩu. Muối nước ngoài nhập về Việt Nam, tính tất cả phí vận chuyển, thuế không ưu đãi chỉ khoảng 1,6 triệu đồng/tấn, còn muối sản xuất trong nước lại bán đến 1,8 triệu đồng/tấn.
Vừa qua Bộ Công thương đã phải cấp hạn ngạch cho nhập khẩu 102.000 tấn muối trong năm 2012 để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN.
Theo các chuyên gia, cả 2 lĩnh vực sản xuất trên đều có điểm chung là chất lượng không đáp ứng được yêu cầu và giá cao khiến DN tiêu thụ không thể sử dụng.
Trong trường hợp này thì cả phía sản xuất lẫn tiêu thụ đều gặp khó khăn. Phía sản xuất không bán được hàng tồn kho lớn, trong khi phía tiêu thụ lại phải nhập khẩu nhưng không được đáp ứng đủ (do cấp hạn ngạch) dẫn đến thiếu nguyên liệu hoặc phải nhập với thuế cao khó cạnh tranh.
Đó chính là bi kịch của chuyện bán cái mình có chứ không phải cái người ta cần. Đầu tư sản xuất tràn lan, chạy theo số lượng, không quan tâm đến nâng cao chất lượng, hạ giá sản phẩm, không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến hiện tượng vừa thừa vừa thiếu, gây ra lãng phí lớn và không bán được hàng.\
Sắp hết thời?
Giá đường trong nước cao do năng suất mía thấp, công nghệ lạc hậu. Bên cạn đó, việc nhà nước bảo hộ bằng cách áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đường cũng là nguyên nhân dẫn đến giá đường trong nước luôn cao hơn mặt bằng giá thế giới. Năm ngoái, vào những tháng cao điểm, giá đường bán tại nhà máy lên đến 20.000 đồng/ki lô gam. Trong khi giá thế giới, ở giai đoạn đỉnh điểm, cũng chỉ vào khoảng 15.000-16.000 đồng.
Do được bảo hộ nên các DN đường cứ ung dung chẳng lo lắng gì, chẳng cần quan tâm đến nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, thậm chí còn bán giá cao để hưởng lợi.
Số liệu được công bố của 6 DN đường lớn năm 2011 cho thấy, có lẽ đây là một trong những ngành công nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao nhất Việt Nam hiện nay. Trong 6 công ty đường niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bourbon Tây Ninh là DN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ thấp nhất trong năm 2011, nhưng cũng đạt xấp xỉ 40%, Công ty Đường Biên Hòa chỉ đứng ngay trên với 49,08%, các công ty đường Kontum, Ninh Hòa, Lam Sơn có tỷ suất lợi nhuận cao ngất ngưởng, lần lượt là 87,11%, 99,28% và 171,51%.
Các chuyên gia đặt câu hỏi, Nhà nước bảo hộ ngành mía đường đang mang lại lợi ích cho ai? Liệu những người nông dân có được hưởng lợi từ chính sách này? Việc bảo hộ có thúc đẩy ngành công nghiệp mía đường nâng cao năng suất, hiệu quả?.
Tương lai ngành muối mờ mịt.
Với sản xuất muối thì cách đây hơn 10 năm, khi kinh tế phát triển, việc phải nhập khẩu muối công nghiệp phục vụ sản xuất đã sảy ra và các cơ quan chức năng đã biết điều này, nhưng đến nay tình hình ngày càng căng thẳng hơn. Câu hỏi đặt ra là "tầm nhìn xa" của các cơ quan chức năng trong việc hoạch định, xây dựng chính sách để ở đâu, khi muối đã phải nhập khẩu từ hơn 10 trước mà không thấy có kế hoạch phát triển kịp thời?
Các kỹ thuật gia đã thừa nhận làm muối kỹ thuật cao không hề khó vậy nhưng hình như chúng ta vẫn để nông dân tự làm. Việc sản xuất muối kỹ thuật cao đến nay mới chỉ bắt đầu ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ và chưa trở thành đại trà.
Cho đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới cho biết, ngành muối sẽ đẩy mạnh đầu tư vào một số khu công nghiệp để sản xuất muối phục vụ ngành hóa chất và làm muối chất lượng cao. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ không phải nhập mà sẽ xuất khẩu muối. Tuy nhiên, để làm được việc này chắc cũng chưa phải là chuyện ngày một ngày hai và không biết thời gian có còn chờ đợi?
Khi được hỏi bao giờ Việt Nam có thể xuất khẩu muối thì không ai dám chắc. Người ta chỉ hy vọng trong 5 năm tới đủ muối cho nhu cầu trong nước, không phải nhập khẩu chứ không dám nói tới xuất khẩu. Điều này thật buồn với quốc gia có hơn 3.000 km bờ biển, có nghề muối truyền thống.
Muối, đường tới đây sẽ không còn cấp hạn ngạch nữa. Vài năm tới, theo cam kết gia nhập WTO, khi thuế suất với các mặt hàng này giảm xuống chỉ còn 0% hoặc 5%, các DN sẽ khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ nước ngoài nhập vào nếu không nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Trần Thủy
Diễn đàn kinh tế VN
|