Sáp nhập Vinaphone - Mobiphone: Thế 'chân vạc' bị phá?
Đang chiếm tới 29,11% thị phần, bất ngờ MobiFone tụt xuống còn 18,45%, chỉ trong vòng 10 tháng. Điều này khiến bài toán sáp nhập hai mạng VinaPhone và MobiFone mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đặt ra không còn phạm luật cạnh tranh. Nhưng lại dấy lên lo ngại, người dùng di động sẽ thiệt thòi khi thế “chân vạc” thị trường viễn thông bị phá vỡ...
Việc MobiFone bất ngờ giảm hơn 10% thị phần sẽ giúp VNPT hiện thực hóa việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone. Ảnh: Hồng Vĩnh.
|
Ngờ vực MobiFone giảm thị phần
Tại Hội nghị Quốc tế Mobile Vietnam 2012 tổ chức ngày 19-10 tại Hà Nội, bà Trần Nhật Lệ, Phó phòng Quy hoạch Viễn thông, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, thị trường viễn thông tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt.
VNPT quyết giữ “gà đẻ trứng vàng”
Việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone thu hút sự chú ý của dư luận. Bản thân VNPT cũng không muốn thực hiện cổ phần hóa (nếu không sáp nhập phải cổ phần hoá theo Luật Viễn thông) một trong 2 đơn vị do MobiFone hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của tập đoàn này. Ngay trong Đề án tái cấu trúc được VNPT trình lên Bộ TT&TT và Chính phủ cũng đề xuất hợp nhất MobiFone và VinaPhone thành Tổng công ty thông tin di động (VNPT- Mobile). VNPT cho biết, trong 5 năm vừa qua, MobiFone đã đóng góp khoảng 40% doanh thu, trên 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn nên VNPT đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone để tạo điều kiện hoạt động của VNPT được ổn định. Nguyện vọng của tập đoàn là sau năm 2015 mới cổ phần hoá toàn bộ VNPT cùng các công ty chủ lực.
|
Tính đến hết năm 2011, Việt Nam có 181 thuê bao di động/100 dân. Trên thị trường chỉ còn có 6 nhà cung cấp dịch vụ di động sau khi EVN Telecom sáp nhập vào Viettel.
Việc các đối tác nước ngoài như SK Telecom chính thức rút vốn khỏi S-Fone trong khi Vimpelcom cũng rút vốn khỏi Beeline cho thấy thị trường viễn thông Việt Nam không còn là mảnh đất màu mỡ, gần 90% thị phần đang nằm trong tay ba “đại gia” Viettel, MobiFone và VinaPhone.
Các số liệu thống kê do bà Lệ đưa ra cho minh chứng: Dẫn đầu trong số các nhà mạng lớn hiện nay là Viettel với 40,67% thị phần, kế đến là VinaPhone với 30,07%.
Điều ngạc nhiên, theo đại diện Cục Viễn thông, tính đến tháng 6-2012, MobiFone chỉ còn 18,45% thị phần (đến hết năm 2011) trong khi theo số liệu công bố của Sách trắng công nghệ thông tin truyền thông hồi đầu năm 2012, MobiFone chiếm tổng cộng 29,11% thị phần còn VinaPhone chiếm 28,71% thị phần.
Như vậy, tổng thị phần của VinaPhone và MobiFone lúc này chỉ còn 47,97%, một tỷ lệ đủ để VNPT đề nghị Chính phủ cho sáp nhập hai nhà mạng mà không vi phạm Điều 18- Luật cạnh tranh (không được tập trung kinh tế quá 50% thị phần).
Theo một nguồn tin từ MobiFone, định kỳ nhà mạng phải báo cáo lên Bộ TT&TT về số thuê bao, doanh thu thực tế. Còn việc tính toán, phân chia thị phần của các nhà mạng thế nào là do Bộ công bố, nhà mạng không rõ cách tính nên không bình luận.
Tuy nhiên, nguồn tin trên cho biết, doanh thu của MobiFone vẫn tăng trưởng. Tuy không tiết lộ doanh thu 9 tháng đầu năm, nhưng theo báo cáo của VNPT, lợi nhuận năm 2011 của tập đoàn này đạt hơn 10.000 tỷ đồng, thì riêng MobiFone đóng góp tới hơn 6.200 tỷ đồng.
Về việc MobiFone bị giảm thị phần đáng kể so với số liệu công bố của đơn vị này cuối năm 2011, theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), có những con số thống kê khác nhau.
“Về con số thị phần của MobiFone bị tụt giảm, tôi không nắm rõ. Mỗi nhà mạng có chiến lược kinh doanh khác nhau, số lượng thuê bao cũng rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Theo tôi biết hiện MobiFone vẫn là doanh nghiệp (DN) kinh doanh có lợi nhuận cao”- ông Hải nói.
Độc quyền, khách hàng thiệt
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Phạm Hồng Hải cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường viễn thông, cần đảm bảo trên thị trường có ít nhất 3 DN viễn thông mạnh, cách quản lý này sẽ giúp tạo áp lực cạnh tranh.
Nếu MobiFone và VinaPhone sáp nhập, trên thị trường chỉ còn hai nhà mạng lớn, VNPT - Mobile và Viettel. Khi đó, tính cạnh tranh trên thị trường bị giảm mạnh, chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Nói với Tiền Phong tại buổi Tọa đàm “Kịch bản nào cho thị trường Viễn thông Việt Nam”, TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, với thị trường viễn thông hiện nay, cần phải xem xét lại vấn đề pháp lý trong Luật Cạnh tranh do sáp nhập 2 mạng di động trên là tín hiệu không tốt trong cải cách DN.
Theo ông Phạm Hồng Hải, đối với DN đã được cung cấp dịch vụ viễn thông ảo đến nay chưa triển khai ra thị trường, Cục Viễn thông đã yêu cầu những DN không có kế hoạch triển khai sẽ bị rút giấy phép.
“Đối với Đông Dương Telecom, hạn cuối cùng là trong tháng này họ phải có báo cáo rõ ràng về việc triển khai dịch vụ hay không”- ông Hải cho biết.
Theo bà Trần Nhật Lệ, để bảo đảm thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ quản lý chặt thuê bao di động trả trước, tránh tình trạng sim rác đồng thời sẽ ban hành quy định mới khuyến mại dịch vụ, quản lý số viễn thông.
Đồng thời Bộ sẽ thực hiện quản lý giá cước theo thông lệ quốc tế: Siết chặt quản lý giá cước của các doanh nghiệp lớn còn với doanh nghiệp nhỏ sẽ quản lý linh hoạt hơn.
Phạm Tuyên
tiền phong
|