Lợi ích người dân phải cao hơn lợi ích nhóm
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo không tích nước hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 từ ngày 21.9. Nhưng do không có cửa xả đáy, lại đúng mùa mưa bão, lượng nước đổ về hồ lớn nên EVN "đành" phát điện.
Đây là một trong các nội dung được thảo luận ngày 20.10 tại phiên giải trình về an toàn dự án Thủy điện Sông Tranh 2 và một số vấn đề liên quan do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức.
Trời không chiều lòng EVN
Vì công trình không thiết kế cửa xả đáy nên buộc nước ở trong hồ phải đạt đến cao trình 161m (468 triệu m3 nước) thì mới xả tràn. Còn vào thời điểm mưa lũ, nước về nhiều thì cũng không thể thoát nước khổi hồ như mong muốn, mực nước phải đạt cao trình 175 mét thì nước mới chảy tự do.
Người dân Bắc Tràn My lo lắng vì hiện nay nước trong hồ đã đạt cao trình kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong khi động đất ở khu vực vẫn liên tiếp xảy ra. Để bảo toàn tính mạng, người dân khu vực đã dựng lán tạm để ở.
Người dân đặt vấn đề vì sao hồ chứa ở thời điểm khắc phục sự cố thì đạt mực nước chết (140m), nay chủ đầu tư vẫn tích nước. Thật oan cho chủ đầu tư vì chủ đầu tư không muốn tích nhưng trời vẫn bắt phải tích nước đến cao trình 161m.
Khi xảy ra sự cố nước chảy qua thân đập, khi chủ đầu tư khắc phục xong thì lượng nước ở mức 140 (mực nước chết). Vào thời điểm đó chưa vào mùa mưa bão nên lưu lượng nước trong hồ chưa không gia tăng.
Hiện nay đang mùa mưa bão, lưu lượng nước chảy vào hồ chứa thì không thể nào cản được. Có nước thì chủ đầu tư “tranh thủ” phát điện, khiến người dân và chính quyền Bắc Trà My bức xúc và cho rằng chủ đầu tư đã đặt quyền lợi của mình cao hơn tính mạng người dân.
Tại phiên “điều trần” do Ủy ban KH,CN&MT Quốc hội tổ chức, chủ đầu tư (EVN) và các bộ liên quan như Xây dựng, Công thương đều khẳng định đến ngày hôm nay thì độ an toàn của công trình vẫn nằm trong giới hạn và kiểm soát được.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh hỏi lại: An toàn hôm nay, còn ngày mai có an toàn không, ai dám khẳng định.
Việc chủ đầu tư không thiết kế cửa xả đáy công trình Thủy điện Sông Tranh 2 là sai lầm trong thiết kế, dù muốn hay không thì hồ chứa vẫn phải chứa nước đạt cao trình 161 m mới xả được nước và khi ở cao trình 175m thì nước mới chảy tự do.
EVN lo cho dân gặp hạn
Giải thích về việc tích nước không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Trần Văn Được - Phó Tổng giám đốc EVN bày tỏ lo ngại, nếu không tích nước thì không có nước cho bà con nông dân tưới tiêu, vì lợi ích của bà con chứ lợi ích của ngành điện ở công trình này không đáng kể gì.
Ông Được biện minh việc tích nước là vì lợi ích người dân để che đậy khiếm khuyết lớn nhất của cong trình là không có cửa xả đáy, nên buộc phải tích nước thấp nhất cũng đạt mức 161m.
Thay mặt người dân Quảng Nam, ĐBQH Ngô Văn Minh không đồng tình với thiện chí của EVN là “vì lợi ích người dân”. Ông nói: Hiện nay người dân cần nhất là ổn định cuộc sống để sản xuất và đòi hỏi được đảo đảm tính mạng. Người dân chỉ chăm chăm lo chạy động đất. Và không chỉ người dân Bắc Trà My mà ngay cả đại biểu Ngô Văn Minh cũng mời nhưng ai nói yên tâm thì hãy thử vào sống cùng bà con xem có thấy yên tâm không.
TS Phan Văn Quýnh nhấn mạnh, khi chưa xây dựng thủy điện thì ở Bắc Trà My không xảy ra hiện tượng động đất, khi hồ chứa nước thì đã xảy ra liên tiếp động đất, nằm ngoài tính toán của chủ đầu tư và nhà khoa học.
Câu hỏi đặt ra, động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2 do kiến tạo, kích thích hay sự cộng hưởng của cả hai? Vẫn là sự tranh luận chưa có hồi kết. Giả thiết nghiêng về động đất kích thích do hồ chứa được đông đảo nhà khoa học nhận định
An toàn hôm nay, lo ngại… ngày mai?
An toàn của thân đập vẫn là câu hỏi mở. Việc chủ đầu từ hàn vá vết nứt cũng đã gây tranh luận trong giới khoa học, trong báo cáo đề án tư vấn phản biện của Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam đã chỉ ra: “Một số nhiệm vụ hết sức cần thiết phải tiến hành là: Đo đạc để tìm mức độ lớn của thành phần chính trạng thái ứng suất, áp suất lỗ rỗng, độ thẩm thấu và nếu có điều kiện thì tiến hành khoan phục vụ nghiên cứu và tgrangj thái dập vỡ của đới đứt gãy, các đới phá hủy, các mặt tiếp xúc đứt gãy và ranh giới phân lớp địa chất”.
Điều đáng lo ngại là Báo cáo đánh giá tác động môi trường Thủy điện Sông Tranh 2 ngoài việc sao chép tài liệu thành kết quả nghiên cứu khoa học, mà báo chí đã “lật tẩy” thì Đề án tư vấn phản biện đã chỉ ra sai sót chuyên môn: Báo cáo chưa đề cập tới việc tính toán ứng suất gia tăng tới lòng hồ và nguy cơ của động đất kích thích và dự báo các tai biến động đất khác như trượt- lở đất, nứt, sụt đất và lũ quyets có thể ảnh hưởng tới đập thủy điện.
Đặc biệt là các nhà khoa học thực hiện đề án phản biện đã không tìm thấy báo cáo giai đoạn thiết kế kỹ thuật lưu lại ở Viện Vật lý Địa cầu.
Theo các nhà khoa học thì ngay khi đi vào tích nước, đã có hiện tượng nước thấm quá mức cho phép. Hiện nay đã được chủ đầu tư xử lý ở bề mặt thân đập bằng cách dán màng keo ngăn nước ở thượng lưu, còn các lỗ hổng trong thân đập do thấm gây ra cần được đánh giá một cách nghiêm túc.
Do vậy, việc lấy mẫu thân đập vừa qua ở lúc chưa tích nước để kiểm tra về cường độ là chưa đủ đảm bảo thâm đập đã ổn định. Cần tiếp tục theo dõi ứng suất trong thân đập.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đặt vấn đề: “Nếu có chuyện gì xảy ra, một vài người rơi vào vòng lao lý cũng không sao bù đắp lại được tính mạng hàng vạn người dân. EVN cứ nói, các đồng chí cứ yên tâm chứ nói thật không yên tâm được vì động đất vẫn cứ xảy ra. Quốc hội phải làm rõ trách nhiệm, quy trách nhiệm cụ thể để sự cố sớm được khắc phục”.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT - Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Mọi sự cố sẽ được giải quyết, không vì lợi ích nhóm nào mà phải vì người dân.
Lao động
|