Thứ Bảy, 20/10/2012 15:30

Quí 3: Tình hình doanh nghiệp thêm xấu

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quí 3 xấu đi so với quí 2 khi tổng doanh số, lợi nhuận trên sản phẩm giảm nhưng tồn kho lại tăng lên.

Không bán được hàng, cũng khó vay ngân hàng khiến dòng vốn sản xuất bị tắc nghẽn, kéo theo các hệ lụy như cạn kiệt vốn lưu động để nộp thuế, trả lương nhân viên, trả nợ đối tác…

Đây là tình hình của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại được phản ánh trong báo cáo động thái doanh nghiệp quí 3-2012 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố tại Hội thảo đối thoại chính sách diễn ra sáng 19-10 ở TPHCM.

Theo báo cáo này, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng xấu đi. Điều này thể hiện ở chỉ số động thái tổng hợp cho tổng thể hình hình sản xuất kinh doanh ở mức -17 điểm, thấp hơn quí 2 trước đó. Chỉ số này được tính bằng cách lấy tỉ lệ doanh nghiệp có đánh giá tình hình tốt lên trừ đi tỉ lệ doanh nghiệp có cảm nhận ngược lại. Nếu chỉ số này dương, nghĩa là tình hình tốt lên, nếu âm là tình hình xấu đi còn bằng 0 thì tình hình không cải thiện. Trong quí 3, một số điều kiện cụ thể có được cải thiện như tiếp nhận thông tin công nghệ, điều kiện hạ tầng nhưng nhu cầu thị trường giảm (-11), nhu cầu quốc tế (-12), giá thành sản xuất (-24), tiếp cận vốn vay (-5)…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là khoảng 51.000 với tổng số vốn đăng ký trên 350.500 tỉ đồng, giảm 11,7% về số lượng nhưng tăng 0,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Như vậy, cả nước đã có trên 675.000 doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó có 472.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 70%. Tuy nhiên, trong 9 tháng, có 40.200 doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Cùng với con số 53.000 doanh nghiệp của năm 2011 thì số doanh phải đóng cửa đến nay chiếm 40% tổng số doanh nghiệp phải đóng cửa từ khi đổi mới đến nay.

Cụ thể, trong quí 3, tổng doanh số của doanh nghiệp đạt chỉ số động thái tổng hợp t+5. Nguyên nhân, theo VCCI có thể là nhờ nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp giải phóng hàng tồn kho (giảm giá, khuyến mãi, xúc tiến thương mại…). Bên cạnh đó, năng suất lao động bình quân có xu hướng cải thiện nhờ doanh nghiệp đã sát sao, chặt chẽ hơn trong việc quản lý hiệu quả làm việc của cán bộ nhân viên hoặc do đã giảm số lượng lao động, giữ lại những người làm được việc.

Tuy nhiên, mức độ lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm lại giảm mạnh. Xu hướng giảm lợi nhuận là nguyên nhân chính gây lên sự ảm đạm của chỉ số động thái tổng hợp. Tương tự, hiệu suất sử dụng máy móc, số lượng nhân viên có xu hướng giảm, lần lượt là -7 và -1. Nguyên nhân là do sản xuất đình đốn, nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp dự báo nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng lên trong quí 4 khi nhiều đơn vị trở lại sản xuất kinh doanh sau một thời gian tạm ngưng hoặc tăng mức sản xuất.

Giá thành sản phẩm, theo các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có xu hướng tăng lên và quí 4 sẽ tăng cao hơn quí 3. Trong khi đó, giá bán bình quân lại giảm (-8). Điều này khiến lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm giảm mạnh.

Với doanh nghiệp hiện nay, tồn kho thực sự là một mối lo ngại khi có tới 63,1% doanh nghiệp được hỏi nhận định như vậy. Trong đó, có 34,7% doanh nghiệp có hàng tồn kho quí 3 tăng hơn quí 2 và 33,5% doanh nghiệp còn hàng bằng với quí 2. Để giải quyết hàng tồn kho, doanh nghiệp đã làm rất nhiều cách, cụ thể, 53,3 % doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, 24,1% doanh nghiệp thực hiện giảm giá bán và chỉ có 4,1% áp dụng giải pháp đưa hàng về nông thôn.

Dường như doanh nghiệp không mặn mà với việc đưa hàng về nông thôn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhu cầu của thị trường này thường là mặt hàng giá rẻ, chất lượng bình dân và hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn lan. Đưa về nông thôn, doanh nghiệp cũng buộc phải tăng chi phí do thiết lập kênh phân phối, vận chuyển, dẫn tới áp lực phải tăng giá bán mới có lãi. Tuy nhiên, tăng giá bán ở thị trường này lại rất khó khăn.

Do tình hình tiêu thụ khó khăn cũng như các khó khăn khác nên từ đây đến cuối năm, hầu hết doanh quyết định giữ nguyên mô hình kinh doanh hiện tại (96,7%), chỉ có 18,1% doanh nghiệp có thể mở rộng qui mô, 11,4% giảm quy mô, 0,7% có thể tạm dừng hoạt động và 0,2% có thể đóng cửa, giải thể.

Doanh nghiệp dự báo rằng tổng quan tình hình sản xuất trong quí 4 tiếp tục khó hơn qúi 3. Tuy nhiên, mức độ khó khăn của quí 4 so với quí 3 năm nay ít hơn so với mức độ khó của quí 3 so với quí 2.

Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường. Tuy nhiên, quan trọng không kém là giữ vững các yếu tố đầu vào chứ không thể để giá điện, xăng dầu tăng như thời gian qua. Bên cạnh đó, khi đẩy mạnh thị trường nội địa, xuất khẩu để giải phóng hàng cho doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng cũng phải đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ, quy trình phê duyệt, thẩm định.

Nhiều doanh nghiệp không cần vay vốn

Theo khảo sát của VCCI, 24,9% doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc nới lỏng tín dụng không có tác dụng vì sức mua của thị trường giảm nên có làm như vậy thì doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất. Hiện tại, có từ 20 -23% doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn ngân hàng mà sử dụng vốn tự có, nguồn vốn khác hoặc không chấp nhận vay vì lãi suất quá cao hoặc không đáp ứng các điều kiện như không có tài sản thế chấp hoặc thủ tục rườm.

Ở thời điểm hiện tại, có 82,6% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang được vay vốn dưới 15%; 55,9% doanh nghiệp thấy không chịu được mức lãi suất này trong lâu dài. Trong khi 17,4% doanh nghiệp đang phải vay với mức lãi suất trên 16%.

Doanh nghiệp kiến nghị cần hỗ trợ nhóm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc vay vốn qua việc có dư nợ tín dụng cho nhóm này và tăng cường cho vay tín chấp.

 

Minh Tâm

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tìm lối ra cho Vinashin (20/10/2012)

>   Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo gì với Quốc hội? (20/10/2012)

>   Shell không bán công ty nhựa đường (20/10/2012)

>   Sáp nhập Vinaphone - Mobiphone: Thế 'chân vạc' bị phá? (20/10/2012)

>   Ôtô sang NK: Đắt xe cũ, rẻ xe chính hãng (20/10/2012)

>   Quyết định hành chính không làm nên thương hiệu (20/10/2012)

>   Bắt đầu sàng lọc tập đoàn kinh tế (20/10/2012)

>   Việc làm đang “đứng ngoài” chính sách vĩ mô? (19/10/2012)

>   “Trốn” thị trường trong nước (19/10/2012)

>   Dệt may sẽ xuất siêu hơn 7,6 tỷ USD vào năm nay (19/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật