Thứ Hai, 17/09/2012 22:11

Tỷ giá sẽ ổn định

Về lý thuyết thì sự thay đổi của tỷ giá VND/USD được hình thành từ sự chênh lệch giữa lạm phát của Việt Nam và lạm phát của Mỹ. Do đó, trong trung và dài hạn, sự chênh lệch lãi suất thực của Việt Nam và lãi suất thực của Mỹ bù được sự chênh lệch của lạm phát sẽ khiến tiền VND được ổn định.

Ông Phạm Ngọc Bích – Giám đốc khối Phát triển khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng.

Từ nay đến cuối năm, niềm tin của nhà đầu tư vào các thị trường sẽ có sự cải thiện gì không thưa ông?

Từ tháng 4/2012 đến nay, chứng khoán cứ lình xình và niềm tin đầu tư vào các thị trường đã có xu hướng giảm vì mối lo ngại về tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế Việt Nam. Các DNNVV đang rất khó khăn, đặc biệt các DN trong ngành sản xuất, bán lẻ, xây dựng và bất động sản. Doanh thu của các DN trong những lĩnh vực này giảm rất nhiều và hàng tồn kho cứ tăng, vì nhu cầu sản phẩm trong nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, tốc độ cải thiện trong lĩnh vực DNNN vẫn chậm chạp khiến các nhà đầu tư luôn bi quan.

Lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều, tuy nhiên người vay cho rằng vẫn còn cao? Ý kiến của ông thế nào?

Các ngân hàng huy động vốn qua tiền gửi và nhiều loại kỳ hạn khác nhau: tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất thấp, không quá 2%/năm; tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng lãi suất lên đến 9%/năm, trên 12 tháng là lãi suất thỏa thuận thường vào khoảng 11-12%/năm. Bình quân lãi suất vốn huy động qua tiền gửi của các ngân hàng là 8%/năm. Nhưng chi phí vốn của ngân hàng lại là 10%/năm vì đó là gánh nặng từ những khoản nợ xấu hiện nay khá cao. Theo Thanh tra NHNN nợ xấu bình quân lên đến 8,6% của tổng dư nợ trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng cần phải có một khoản lợi nhuận gộp đến 4-5%. Cho nên, lãi suất cho vay tại các ngân hàng phải cao tại mức 15%/năm. Kết quả là hiện nay ngân hàng nào cho vay tại mức 13%/năm đều lỗ. Vấn đề là mặc dù NHNN có chỉ định lãi suất trần tiền gửi xuống thấp đi nữa nhưng nợ xấu vẫn còn cao thành ra khoảng cách để bù đắp cho chi phí vốn huy động của ngân hàng còn khá cao. Chính vì thế lãi suất cho vay khó xuống nhanh hơn. Đây là khó khăn của hệ thống ngân hàng, nên NHNN cần có kế hoạch sớm để xử lý những khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Như vậy, theo ông hạ lãi suất trong thời gian tới là nhiệm vụ khó khả thi?

Đây là bài toán khó, trong những tháng vừa qua NHNN đã liên tục giảm trần lãi suất xuống còn 9%/năm. NHNN còn có thể giảm tiếp lãi suất trần nhưng điều này sẽ gây khó khăn cho việc huy động vốn của các ngân hàng trong bối cảnh lạm phát đang tăng trở lại, đặc biệt là tại 12 ngân hàng nhỏ có khó khăn về thanh khoản. Vì họ không có lợi thế về mạng lưới rộng lớn, và có uy tín lớn để huy động vốn.

Ông đánh giá thế nào về tỷ giá trong những tháng cuối năm nay?

Về lý thuyết thì sự thay đổi của tỷ giá VND/USD được hình thành từ sự chênh lệch giữa lạm phát của Việt Nam và lạm phát của Mỹ. Nếu lạm phát của Mỹ là 3%, lạm phát của Việt Nam là 10% thì chênh lệch lạm phát giữa hai nước là 7%, nghĩa là tỷ giá sẽ phải tăng 7%, nếu lãi suất tiền VND không cao hơn lãi suất tiền USD đến 7% để bù lại chênh lệch lạm phát thì tiền VND sẽ bị mất giá. Do đó, trong trung và dài hạn, sự chênh lệch lãi suất thực của Việt Nam và lãi suất thực của Mỹ bù được sự chênh lệch của lạm phát sẽ khiến tiền VND được ổn định.

Và năm nay dự kiến lạm phát của Việt Nam thấp, khoảng 5%-6%, lạm phát của Mỹ khoảng 2%, vậy thì với mức lãi suất của tiền VND đang là 9%/năm thì có thể giúp tỷ giá VND/USD được ổn định.

Bên cạnh đó, năm nay, nhập siêu của Việt Nam giảm nhiều, ước tính cả năm chưa đến 5 tỷ USD (so với 9,5 tỷ USD năm 2011 và khoảng 12 tỷ USD năm 2010). Cán cân thanh toán thặng dư nhờ kiều hối về rất nhiều, trong 6 tháng đầu năm 2012 kiều hối về gần 6 tỷ USD, bù được thâm hụt. Bên cạnh đó, hướng giải ngân vốn FDI thời gian qua cũng rất ổn định, bình quân mỗi tháng khoảng 1 tỷ USD cũng góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Theo xu hướng đó thì giá trị của VND còn có thể ổn định một thời gian nữa. Nhưng nếu phân tích lịch sử, mỗi năm VND mất giá bình quân khoảng 5%. Tuy nhiên, sự xuống giá của VND cũng giúp cho hàng xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường thế giới và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam.

Theo tôi, VND sẽ ổn định theo xu hướng xuống nhưng xuống từ từ chứ không có biến động mạnh như trong năm 2011.

Xin cảm ơn ông!

Linh Lan thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   DATC: Loay hoay "bài toán" nợ xấu, tài sản tồn đọng (17/09/2012)

>   Kiều hối tăng: Niềm vui và nỗi lo (17/09/2012)

>   TS. Cao Sỹ Kiêm: Lãi suất khó hạ vì lạm phát cao (17/09/2012)

>   Vẫn còn hiện tượng lách trần lãi suất (17/09/2012)

>   Ngân hàng bắt đầu 'cầu' doanh nghiệp (17/09/2012)

>   Sau kiểm toán (17/09/2012)

>   HDBank ra mắt sản phẩm Tích lũy cho tương lai (17/09/2012)

>   Ngân hàng ngoại lấn sâu vào thị trường nội địa (17/09/2012)

>   SHB - HBB: Kịch bản nào cho ngày 20/09 (17/09/2012)

>   Lo đồng tiền quá sức (17/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật