Sau kiểm toán
Sau các vụ thua lỗ, thất thoát của Vinashin, Vinalines; khuất tất giá xăng, điện; mập mờ thuế - phí của dầu khí... việc Tổng kiểm toán Nhà nước đặt trọng tâm kiểm toán năm 2013 là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng (NH) thương mại là chính xác và phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Nhưng đây mới chỉ là bước đầu, điều dư luận chờ đợi nhất là sau khi kiểm toán, các doanh nghiệp này sẽ được "đại phẫu" như thế nào để thực sự lột xác.
Mục tiêu kiểm toán lần này tập trung vào các lĩnh vực ngành nghề đang thực hiện tái cấu trúc theo đề án của Chính phủ. Sau khi kiểm toán làm rõ các mặt mạnh - yếu, sai phạm, thất thoát… thì "đội ngũ" tái cơ cấu sẽ vào cuộc để tiếp thu, sửa sai. Khám sức khỏe rồi kê toa - điều trị, quy trình này là hoàn toàn hợp lý.
Muốn trị dứt bệnh phải chẩn đúng bệnh. Nhưng việc chẩn bệnh các đối tượng này lại chưa chính xác. Đơn cử như với tập đoàn, tổng công ty nhà nước, "bệnh" lớn nhất của họ nằm ở vấn đề sở hữu. Nếu không thay đổi căn bản sở hữu, phá bỏ thế độc quyền, các đơn vị này không có động cơ để cạnh tranh, không thể hoạt động hiệu quả và minh bạch. Vậy mà đề án tái cơ cấu hiện nay lại cũng chỉ tập trung vào việc cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà không đặt nặng vấn đề thay đổi cơ bản về sở hữu. Nếu tái cấu trúc theo giải pháp cũ (tuy có cổ phần hóa nhưng không làm thay đổi cơ bản về sở hữu) thì chắc chắn, không thể đạt hiệu quả, không thể thành công. Nên nhớ, việc này đã thực hiện cả chục năm nay nhưng kết quả là đến thời điểm này, Chính phủ phải tiếp tục bằng đề án tái cấu trúc.
Tương tự đối với hệ thống NH. Muốn trị “bệnh”, phải biết rõ “sức khỏe” của mỗi NH. Ngay con số nợ xấu, yếu tố cần thiết nhất để đánh giá sức khỏe của một NH cũng có tới 4-5 kết quả thì làm sao có thể “kê toa, bốc thuốc” một cách chính xác? Nói như vậy để thấy, nhiệm vụ kiểm toán các NH thương mại trong năm tới là hết sức quan trọng trong việc minh bạch các con số, dòng tiền, sở hữu... để phục vụ công tác tái cơ cấu. Đặc biệt là giải pháp tái cơ cấu, thay vì sáp nhập các NH yếu kém với nhau một cách hành chính và tự nguyện, NHNN phải tiếp quản, tham gia để thay đổi hệ thống quản trị, nhân sự, phương thức hoạt động để vực NH đó lên. Khi đã kinh doanh hiệu quả, NHNN sẽ rút ra bằng cách bán cổ phần tham gia lúc trước. Còn cách làm hiện nay, không thể gọi là tái cấu trúc bởi hầu hết các vấn đề nội tại của sự yếu kém trong mỗi NH chưa được giải quyết.
Đợt kiểm toán lần này có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện thành công mục tiêu tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các NH thương mại, đặc biệt là các DN độc quyền. Đó là lý do dư luận đang chờ đợi một hiệu ứng tích cực sau kiểm toán.
Nguyên Hằng
Thanh niên
|