Thứ Bảy, 15/09/2012 10:23

Giảm lãi suất VNĐ không tạo sức ép lên tỷ giá

Có ý kiến lo ngại rằng, lãi suất tiền gửi VNĐ giảm có thể khiến một bộ phận người dân chuyển sang nắm giữ USD.

Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ dịp cuối năm của các DN thường tăng mạnh. Điều này có thể tác động đến tỷ giá. Tuy nhiên, dựa trên nhiều yếu tố, tỷ giá từ nay đến cuối năm được nhận định chỉ biến động nhẹ.

Tỷ giá ổn định nhờ lãi suất

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng để nhìn nhận tỷ giá có ổn định hay không là phải nhìn vào câu chuyện lãi suất. Dưới áp lực của xu hướng tăng giá hàng hóa lương thực thực phẩm trên thế giới và tác động của lạm phát nhập khẩu từ Trung Quốc, kết hợp với yếu tố lạm phát có thể tăng mạnh hơn trong tháng 9 bởi học sinh khai trường, yếu tố mùa vụ vào những tháng còn lại của năm, tác động của lạm phát chi phí đẩy do tăng giá xăng dầu…, thì lạm phát tại Việt Nam ước tính vào khoảng 1% cho mỗi tháng còn lại của năm.

“Như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn “room” để hạ lãi suất huy động VNĐ xuống còn 8%/năm. Khi đó, mức chênh lệch danh nghĩa giữa lãi suất huy động VNĐ với lãi suất huy động USD xấp xỉ 6%/năm. Đây là khoảng cách khá an toàn, nên khó có sự dịch chuyển từ nắm giữ VNĐ sang USD, vì vậy tỷ giá sẽ ổn định”, TS. Nghĩa nhận định.

Bên cạnh đó, tình hình nhập khẩu vẫn giảm do nền kinh tế khó khăn, DN chưa phục hồi được sản xuất, nên nhu cầu ngoại tệ cũng không lớn.

“Mức tăng trưởng nhập khẩu trong quý II đạt 9,6% so với mức 7,8% của quý I cho thấy, hoạt động kinh doanh và nhu cầu nội địa tăng trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi trong thời gian tới sẽ chậm. Các mặt hàng tiêu dùng bị thu hẹp do sự sụt giá trên toàn cầu. Các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu khác như dệt may và phương tiện giao thông cũng giảm”, một chuyên gia kinh tế nói.

… và nhiều yếu tố khác

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối VIB nêu quan điểm, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ ổn định quanh mức 21.000 VNĐ/USD và nếu có biến động cũng sẽ không vượt quá mục tiêu đề ra của NHNN là 2 - 3% so với đầu năm. Lý do là bởi cán cân thương mại thâm hụt không lớn, kéo theo cán cân thanh toán chưa năm nào thặng dư như năm nay. Thứ hai, NHNN đã siết chặt tín dụng ngoại tệ như cấm cho vay ngoại tệ đối với các đối tượng không có nguồn thu. Thứ ba, thị trường vàng được bình ổn, sóng vàng biến động chỉ mang tính chất manh mún, chứ không hệ thống giống như nhiều lần trước. Thứ tư, thị trường ngoại tệ tự do bị hạn chế. Thứ năm, chức năng thanh toán của vàng và ngoại tệ trong nước bị cắt bỏ, làm vàng, ngoại tệ ít có quyền và nghĩa vụ hơn trên thị trường, hiện chỉ mang tính chất cất giữ nhiều hơn.

“Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cần ổn định kinh tế vĩ mô, để niềm tin vào đồng nội tệ ngày càng tốt hơn. Đây sẽ là giải pháp vững chắc cho câu chuyện ổn định thị trường ngoại hối”, ông Trung nói.

Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu 8 tháng đầu năm chỉ ở mức 150 triệu USD. Cán cân thương mại thâm hụt rất thấp đã đóng góp một phần quan trọng vào tình hình cán cân thanh toán nói chung, cũng như giúp cho sức mua VNĐ duy trì ở mức ổn định.

Trong khi đó, với lạm phát dự đoán giảm, ANZ dự báo, VNĐ sẽ chỉ đối diện với mức giảm giá rất nhẹ trong thời gian còn lại của năm 2012. Tỷ giá USD/VNĐ sẽ xấp xỉ 21.500, tương đương mức giảm giá 2% của tiền đồng cho cả năm.

Đồng quan điểm thị trường ngoại hối sẽ ổn định từ nay đến cuối năm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường khá cân bằng. Cụ thể, cung vẫn ở mức ổn định, bởi kiều hối 6 tháng đầu năm khoảng 6 tỷ USD, đến cuối năm dự kiến đạt 11 - 12 tỷ USD, mức cao hơn so với năm ngoái. Bên cạnh đó, mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký thấp, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn ở mức độ giống năm ngoái, đạt khoảng 7,28 tỷ USD tính đến hết tháng 8 (bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2011). Trong khi đó, cầu ngoại tệ không cao, bởi nhu cầu sản xuất - kinh doanh yếu ớt, nhập siêu rất ít, do hạn chế về mặt cầu. Do đó, NHNN tranh thủ tăng dự trữ ngoại hối để neo cán cân thanh toán tốt lên và niềm tin vào VNĐ mạnh hơn.

Dự trữ ngoại hối tăng, cầu ngoại tệ giảm

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành kế hoạch và đầu tư hồi đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh trở lại. Cuối năm 2011, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tụt xuống còn 9 tỷ USD, nhưng đã tăng trong 6 tháng đầu năm 2012, với mức tăng thêm là hơn 10 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức 10 tuần nhập khẩu và có thể đạt 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm.

Trên thực tế, điều này là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ giá ổn định từ cuối tháng 12 năm ngoái tới nay, tỷ giá USD/VNĐ bình quân liên ngân hàng không đổi ở mức 20.828 VNĐ/USD.

Trong khi đó, TS. Lực phân tích, cầu về ngoại tệ không tăng, mà có phần giảm hơn so với năm trước. NHNN chính thức siết trạng thái ngoại tệ tại các NHTM vào cuối mỗi ngày phải được co hẹp về mức +/-20%, từ mức +/-30% so với vốn tự có trước đây, được xem như một nỗ lực ngăn chặn tình trạng đầu cơ ngoại tệ và tăng cường kiểm soát thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, DN hoạt động sản xuất - kinh doanh cầm chừng do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nên tín dụng ngoại tệ đẩy ra cho vay không nhiều, kể cả nội tệ. Ngoài ra, thị trường vàng không còn cần nhiều ngoại tệ liên quan đến nhập khẩu như những năm trước, dù thị trường tài chính có một chút bất ổn đã tác động lên thị trường vàng, nhưng đó không phải là biến động lớn và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát.

“Yếu tố cung - cầu ngoại tệ năm nay ở trong trạng thái khá cân bằng và nằm trong quỹ đạo ổn định. Do đó, tỷ giá sẽ không có biến động lớn từ nay đến cuối năm. Thời điểm ngân hàng cần cân bằng trạng thái và yếu tố tâm lý khi thị trường tài chính - tiền tệ có những biến động do thời vụ, thì tỷ giá có thể tăng vài chục đồng. Đây cũng chỉ là những biến động nhỏ”, TS. Lực nói.

Hồng Dung

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lãi suất huy động lên 13%/năm (15/09/2012)

>   NHNN không chấp thuận phương án tăng vốn của LienVietPostBank (14/09/2012)

>   Ngân hàng “chạy” theo giá vàng bằng lãi suất (14/09/2012)

>   Tín dụng âm, nợ xấu vẫn tăng mạnh (14/09/2012)

>   “Banker” Trần Mộng Hùng trước những câu hỏi nóng về ACB (14/09/2012)

>   Thế chấp nhà đất để vay vốn: Navibank tự 'thổi' giá (14/09/2012)

>   Dự trữ ngoại tệ đạt 23 tỷ USD (14/09/2012)

>   Phải kiểm soát dòng tiền trong sở hữu chéo (13/09/2012)

>   Thông tư 26: Điều kiện để TCTD được đăng ký niêm yết cổ phiếu trên TTCK (13/09/2012)

>   Nội tệ đang được giá (13/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật