SHB - HBB: Kịch bản nào cho ngày 20/09
Ngày 20/09, kết thúc quá trình hợp nhất SHB-HBB, một khối lượng cổ phiếu SHB khổng lồ (405 triệu cổ phiếu) sẽ hiện lên trên tài khoản của những nhà đầu tư SHB và HBB. Những nhà đầu tư HBB đã chọn phương án “hơi cẩn trọng” khi chấp nhận nghỉ giao dịch 1 tháng để có giá vốn SHB khoảng 7,000 đồng/cp, khác với những nhà đầu tư SHB đã có giá vốn khoảng 7,700 đồng/cp nhưng được giao dịch liên tục.
Trước đây, HBB có thanh khoản rất lớn, bình quân lớn gấp ba lần SHB, và khoảng thời gian gần sáp nhập, khi có thông tin HBB có nợ xấu lớn thì nhiều nhà đầu tư HBB ít lo ngại vì nghĩ rằng mình sẽ là nhà đầu tư SHB, kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ vụ sáp nhập này. Đây là hai đặc điểm lớn có thể chi phối kịch bản ngày 20/09.
Vào ngày 20/09, những nhà đầu tư HBB và SHB sẽ không còn bị áp lực đòi nợ margin hay thậm chí giải chấp nữa, mà thay vào đó, nhà đầu tư có rộng chỉ tiêu được phép margin. Kinh nghiệm quá khứ trên sàn với những cổ phiếu gặp trường hợp này, ngày đầu tiên và có thể sau đó vài ngày, thị giá cổ phiếu thường tăng do nhà đầu tư thừa margin đã mua vào vì cho rằng cổ phiếu đã thấp do trước đó “thiếu margin”. Đồng thời khi mua vào, nhà đầu tư đã đẩy thị giá cổ phiếu lên nhằm hưởng lợi ở khối lượng cổ phiếu mình đang nắm giữ. Áp lực này có thể khá mạnh nếu những nhà đầu tư HBB vẫn giữ phong thái mua bán lớn, thanh khoản lớn như trước kia, nhất là nỗi giải tỏa “được mua vào” mà cả tháng nay bị phong tỏa.
Đối nghịch với xu hướng này, sau khi có một lượng cổ phiếu SHB, nhà đầu tư đã nghĩ đến việc bán ra vì lo ngại lượng cổ phiếu khổng lồ mới về sẽ làm thay đổi cán cân cung cầu SHB. Thực nghiệm trên sàn trước nay chỉ ra rằng điều này thường xảy ra vài ngày sau khi cổ phiếu về và thời gian kéo dài khá lâu. Thực sự khó tiên đoán áp lực này sẽ ra sao trước những nhà đầu tư dùng HBB “làm cầu” để có SHB giá rẻ và sẽ thoát hàng khi cho rằng điệp vụ đã kết thúc, bữa tiệc đã tàn. HBB là cổ phiếu có thanh khoản rất lớn trước đây nên áp lực của nhà đầu tư HBB lên SHB có lẽ cũng rất lớn và là một ẩn số thú vị.
Ngoài ra, trong cuộc “giằng co” thị giá SHB từ 20/09, bên cạnh tình hình chung của thị trường, một số nhân tố cũng có tác động ảnh hưởng. Nhà đầu tư “mua vào” khi cho rằng SHB là ngân hàng có lãi, lớn lên sau cơ cấu, được margin, không dính líu trực tiếp những vụ việc gần đây nên thị giá hiện tại là hấp dẫn. Nhà đầu tư “bán ra” khi cho rằng tuy SHB có lớn lên nhưng không mạnh vì ôm nợ xấu từ HBB, đã bị Moody's cắt giảm triển vọng tín nhiệm về mức "tiêu cực", kết quả kinh doanh nhiều năm sẽ không có lãi đáng kể vì phải trang trải rủi ro từ nợ xấu, nhất là Vinashin, Vinalines.
Những biến động về thị giá, thanh khoản và tương lai SHB sẽ là những nhận định thú vị với nhà đầu tư SHB và là những thực nghiệm, kinh nghiệm quý giá trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
FFN
|