Thứ Hai, 17/09/2012 15:56

Kiều hối tăng: Niềm vui và nỗi lo

Kiều hối tăng là tín hiệu tích cực, song cần cảnh giác với nguy cơ rửa tiền và hiện tượng gửi tiền về để “ăn” chênh lệch lãi suất.

6 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối về Việt Nam đã đạt trên 6 tỷ USD (cả năm 2011 là trên 9 tỷ USD). Một số chuyên gia dự báo, kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10 – 11 tỷ USD, tức tăng khoảng 20% so với năm 2011, và cao hơn mức tăng trung bình 10% – 15% của những năm gần đây.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, mà lượng kiều hối về tiếp tục ở mức cao, trước hết vì lượng Việt kiều và lao động Việt Nam ở nước ngoài khá lớn. Hiện có gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở 104 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức đang làm việc ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới dù vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại châu Âu, nhưng khu vực này từ trước đến nay vốn không phải là nguồn cung kiều hối chủ đạo. Trong khi đó, kiều hối lại chủ yếu về từ các nước như Mỹ, Úc và một số nước khác – những quốc gia chưa bị khủng hoảng “đánh gục”.

Một yếu tố quan trọng khác, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng là lượng kiều hối tăng như vậy thể hiện lòng tin của những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài khi kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt và trực tiếp nhất là tỷ giá ổn định. “Khi những người sống ở nước ngoài có niềm tin tưởng mạnh hơn, thì dĩ nhiên là họ cũng sẵn sàng gửi tiền về để ủy thác đầu tư trong nước” - TS. Hiếu nhìn nhận. Những lợi ích mà kiều hối mang lại là rất lớn. Một mặt, đây là nguồn vốn tương đối ổn định so với các nguồn vốn khác từ bên ngoài vào. Do đó giúp làm giảm bớt những biến động cho nền kinh tế như khan hiếm vốn đầu tư, giảm áp lực thanh khoản về ngoại tệ; đồng thời giúp cải thiện tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai, trong khi không làm tăng áp lực lên gánh nặng nợ quốc gia. Mặt khác, kiều hối góp phần thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Kiều hối trên thực tế cũng giúp nhiều gia đình nghèo có vốn làm ăn, góp phần giảm mức nghèo đói ở Việt Nam, đặc biệt khu vực nông thôn. Vì phần đông công nhân xuất khẩu lao động xuất phát từ khu vực này. Như vậy, kiều hối năm nay có khả năng lên tới trên 10 tỷ USD (khoảng 10% GDP) được xem là tín hiệu đáng mừng.

Tuy vậy, kiều hối cũng có những mặt hạn chế và rủi ro của nó. Trước tiên, trong bối cảnh lãi suất ở Việt Nam vẫn đang cao hơn các nước phát triển khác khá nhiều, thì một phần kiều hồi được gửi về có thể nhằm mục đích “carry trade” (ăn chênh lệch lãi suất). Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này đã có từ lâu nay chứ không chỉ là vấn đề của riêng năm nay. Với lãi suất ở các thị trường phát triển hiện gần như bằng 0%, thì khi kiều hối về Việt Nam và được người dân gửi vào ngân hàng sẽ được hưởng lãi suất 2%/năm. Và nếu khách hàng đổi qua VND để gửi thì có thể hưởng lãi suất từ 9% đến 12%/năm. Lãi suất tiền gửi ở Việt Nam tuy không được bằng các năm trước đây, nhưng một yếu tố khiến phương thức này vẫn hấp dẫn là vì tỷ giá được duy trì ổn định trong thời gian dài như vừa qua. Theo TS. Hiếu, trong bối cảnh tỷ giá ổn định và tiền đồng được người dân tin tưởng thì người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về không còn sợ rủi ro tỷ giá. Vì họ biết rằng chêch lệch tỷ giá có thể bù trừ dễ dàng qua chênh lệch lãi suất và cuối cùng vẫn có được chênh lệch ròng về lợi nhuận.

Kiều hối vào Việt Nam từ năm 2000-2011 Nguồn: WB; Đơn vị: triệu USD

Rủi ro nữa có thể xảy ra là rủi ro về rửa tiền. Tiền “bẩn” có được từ các nguồn như buôn lậu, hoạt động phạm pháp ở các nước, nếu đi chót lọt qua các kênh kiểm soát ở nước ngoài và trong nước thì vô hình trung đã được “rửa” đi và trở thành tiền sạch. Người tiếp nhận có thể dùng tiền đó để mua nhà, đầu tư, buôn bán, chi tiêu... tức là đi vào nhiều ngõ ngách của thị trường khi mà nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt; và hệ thống thống kê (liên quan đến kiều hối) chưa được tốt.

Như vậy, dòng tiền từ bên ngoài vào Việt Nam bao giờ cũng mang lại cả những tác động tích cực và tiêu cực. Với kiều hối, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phát huy các tác động tích cực; đồng thời có các chính sách, biện pháp để ngăn chặn tác động tiêu cực. Trong đó về mặt chủ trương, Nhà nước cần có những chính sách tạo động lực và hướng nguồn kiều hối vào các lĩnh vực khuyến khích như sản xuất, giáo dục đào tạo…

Theo TS. Cấn Văn Lực, để khuyến khích được nguồn kiều hối “sạch” về Việt Nam cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất, hệ thống thống kê liên quan đến kiều hối phải tốt lên. Thứ 2, có các biện pháp khuyến khích để kiều hối về qua kênh ngân hàng. Như vậy vừa đảm bảo tính chính thống, vừa hạn chế khả năng rửa tiền cũng như giảm thiểu lượng tiền mặt trong lưu thông. Thứ 3, phải có những kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để giảm thiểu những rủi ro liên quan đến rửa tiền. Vấn đề này cần làm một cách hệ thống, bài bản; đặc biệt là về mặt công nghệ để hỗ trợ công tác phòng chống rửa tiền (PCRT).

Cùng quan điểm trên, TS. Hiếu chia sẻ, Việt Nam đã có Luật PCRT (sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013) vì vậy các cơ quan liên quan, các ngân hàng phải nắm rõ luật và thực thi thật nghiêm túc, chặt chẽ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có Ban PCRT nên Ban này cũng phải được vận hành một cách “trơn tru”. Vì thực tế vấn đề rửa tiền dù đã có từ lâu, nhưng với Việt Nam vẫn là vấn đề khá mới mẻ xét cả về khái niệm lẫn kinh nghiệm xử lý.

Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   TS. Cao Sỹ Kiêm: Lãi suất khó hạ vì lạm phát cao (17/09/2012)

>   Vẫn còn hiện tượng lách trần lãi suất (17/09/2012)

>   Ngân hàng bắt đầu 'cầu' doanh nghiệp (17/09/2012)

>   Sau kiểm toán (17/09/2012)

>   HDBank ra mắt sản phẩm Tích lũy cho tương lai (17/09/2012)

>   Ngân hàng ngoại lấn sâu vào thị trường nội địa (17/09/2012)

>   SHB - HBB: Kịch bản nào cho ngày 20/09 (17/09/2012)

>   Lo đồng tiền quá sức (17/09/2012)

>   Lệch pha vốn huy động và cho vay (16/09/2012)

>   Chuyên gia: Chưa nên ngừng huy động vàng (16/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật