Vẫn còn hiện tượng lách trần lãi suất
Diễn biến tăng nhẹ của lãi suất (LS) huy động tiền đồng được một vài NHTM tiến hành cuối tuần qua làm nóng lại câu chuyện LS và dấy lên mối hoài nghi về khả năng LS có thể giảm thêm.
Thực tế các điều chỉnh LS của ACB hay Eximbank chỉ được thực hiện với các kỳ hạn dài và hoàn toàn hợp lệ, theo quy định của NHNN. Câu hỏi đặt ra là, các động thái này liệu có xung đột gì với kỳ vọng LS còn có thể giảm nhanh được nhen nhóm suốt thời gian qua.
Nhiều nhận định cho rằng, việc tăng LS huy động các kỳ hạn dài mới đây trùng lặp với thời điểm Thông tư 21 siết hoạt động cho vay trên thị trường liên NH có hiệu lực và điều chỉnh của các NHTM, theo đó cũng chỉ nhằm đẩy mạnh huy động nguồn vốn bù đắp từ khu vực dân cư.
Hoặc đơn giản hơn, các NH đang tung ra một biện pháp kích thích mạnh, trực diện nhằm bổ sung thêm nguồn vốn có thể tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Các điều chỉnh LS theo đó được hiểu là linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường trong từng thời điểm và chưa phản ánh một xu hướng hay khả năng tăng LS chung mang tính toàn hệ thống.
Quay lại mặt bằng LS huy động tiền đồng hiện nay, qua 4 lần điều chỉnh giảm, trần LS huy động VND giảm quá nhanh từ 14%/năm xuống còn 9%/năm (thả nổi LS huy động dài hạn) cũng có thể là lý do gây tâm lý kỳ vọng giảm thêm. Hơn nữa, với mức lạm phát 5,04%, mức LS hiện tại được cho đang đảm bảo thực dương đối với người gửi tiền, trong khi tỉ giá và LS USD ổn định ở mức thấp.
Song, theo nhóm phân tích của CTCK BIDV (BSC), có một số nguyên nhân khiến thực tế LS huy động chưa giảm nhanh như kỳ vọng. Nguyên nhân đầu tiên, theo phân tích tính đến cuối tháng 8.2012, khi thanh khoản trở nên dồi dào và nhu cầu vốn trên thị trường liên NH (thị trường 2) giảm thấp, một số NHTM dùng vốn dư thừa gửi trên thị trường dân cư (thị trường 1) nhằm hưởng chênh lệch LS giữa thị trường 1 và thị trường 2.
Do đó, khoảng cách LS giữa hai thị trường vẫn ở mức cao và LS liên NH không phải là chỉ bảo chính xác về khả năng hạ của mặt bằng LS chung.
Trong nguyên nhân thứ hai, cũng theo phân tích của BSC, hiện tượng lách trần LS huy động vẫn còn tồn tại trong tháng 8.2012 và nhất là những NHTM nhỏ, thanh khoản thấp, nhằm giữ chân nguồn tiết kiệm vốn đã không mặn mà các NH nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn tái cấu trúc ngành NH và xử lý NHTM yếu kém.
Một nguyên nhân khác là với việc thả nổi LS kỳ hạn dài trên 1 năm, các NHTM vẫn áp dụng LS dài hạn cao để cạnh tranh.
“Mặc dù vậy, huy động vốn dài hạn cũng không dễ dàng, do tâm lý gửi kỳ hạn ngắn vẫn thường trực và do đó, các kỳ hạn dài đôi khi bị biến tướng với LS linh hoạt và vô hình trung, LS chưa hạ nhiệt như kỳ vọng” – nhóm phân tích của BSC nhận định.
Một khảo sát của BSC cho thấy, mặc dù các NHTM vẫn đẩy mạnh các hoạt động cho vay, song vấn đề hấp thụ vốn của nền kinh tế đến nay chưa thể giải quyết triệt để. Gốc rễ vấn đề được cho là mức lãi vay được 75% số DN trong nước chấp nhận hiện là 14-15%/năm trong khi thực tế, LS cho vay cao hơn khoảng 4-5% với mức bình quân trong tháng 8 là 14-16,5% và cao nhất 15-18%.
Bên cạnh đó, tỉ lệ các DN được vay với mức LS ưu đãi ở mức thấp và cho đến tháng 8, lượng giải ngân của các khoản cho vay ưu đãi của một số NHTM lớn như BIDV, Vietcombank, Eximbank hay VIB chỉ chiếm không quá 5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Thực tế tăng trưởng tín dụng 8 tháng vẫn chỉ ở mức rất thấp, ước chỉ tăng 1,6% so với cuối năm 2011 và chênh lệch khá lớn so với huy động.
Văn Nguyễn
lao động
|