TS. Trần Du Lịch: Tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm khó đạt 2%
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, thị trường đang có nhu cầu giải thoát hàng tồn kho. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô năm 2012 không mấy sáng sủa, nên dù nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn khó đạt mục tiêu.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm 2012?
Thông thường các tháng cuối năm, nhu cầu vốn sẽ gia tăng theo mùa vụ kinh doanh, nhưng năm nay sẽ không được như kỳ vọng, bởi hàng tồn kho chưa giảm và sức mua thị trường chưa được cải thiện. Lãi suất sẽ không giảm nhiều, vì lạm phát kỳ vọng quyết định lãi suất cơ bản, song hiện lạm phát còn cao, nên chuyện giảm lãi suất thêm là rất khó. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 8% vào cuối năm, thì trần lãi suất huy động duy trì 9%/năm là hợp lý và khó có thể giảm thêm ít nhất từ nay đến cuối năm.
Lãi suất khó giảm thêm, thì khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ không như kỳ vọng, thưa ông?
Với kế hoạch kiểm soát CPI ở mức 8% năm nay là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đặt ra cho 6 tháng cuối năm nay là 8% (4 tháng còn lại phải đạt mức tăng 1,5 - 2%/tháng) hoàn toàn không dễ. Tôi cho rằng, tín dụng từ nay đến cuối năm cố gắng đạt mức 2% cũng khó khả thi, bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế qua doanh nghiệp còn rất hẹp, trừ khi Chính phủ cho phép khoanh nợ một vài đối tượng. Thực tế, về tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán (M2) 8 tháng ước tăng 10,3%, nhưng dư nợ tín dụng của ngành chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2011, chứng tỏ vấn đề tăng tín dụng đang bị nghẽn, vốn không bơm được, chứ không phải thiếu.
Liệu hàng tồn kho có được giải quyết và sức mua có dần được cải thiện vào cuối năm?
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay tăng 17%, nhưng chỉ tăng ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về sức mua của thị trường, 8 tháng qua tăng 17,5% và nếu loại trừ yếu tố giá, sức mua thật cũng không phải là quá tệ. Tuy nhiên, so sánh với hàng tồn kho và sức mua của thị trường hiện nay, vẫn thừa nguồn cung, cho dù thị trường có nhu cầu giải thoát hàng tồn kho khi đang dần vào mùa cuối năm.
Về tỷ giá, liệu áp lực có dồn lên đồng USD vào cuối năm, thưa ông?
Tỷ giá hối đoái từ nay đến cuối năm chỉ tăng trong biên độ 1%; nếu cao hơn, thì cùng lắm chỉ ở mức 2% và không thể cao hơn, bởi cung ngoại tệ dồi dào hơn trước.
Thùy Vinh
đầu tư
|