“Sân sau” ngân hàng
Trong lúc hoạt động tái cấu trúc đang diễn ra mạnh cùng với yêu cầu thanh lọc nợ xấu, nhiều ý kiến cho rằng, cần bóc tách những khoản tiền tới hàng nghìn tỷ đồng mà NH cho DN liên quan đến người nhà vay.
Tiền chảy xuôi, chạy ngược, lòng vòng
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng đưa ra một số liệu, vào tháng 6 NHNN đã bơm ra thị trường một lượng tiền rất lớn, lên tới 180.000 tỉ đồng. Trước đó trong tháng 2, NHNN cũng "bơm” 60.000 tỉ đồng cho nông nghiệp, nông thôn. Thế nhưng, tại sao doanh nghiệp vẫn luôn kêu khó tiếp cận vốn NH. Vậy, tiền của NH đang ở đâu.
Chắc chắn, 1 phần này đang ở thị trường 2 - nơi mà giới NH vẫn gọi là chốn tiên chỉ để "buôn tiền” của nhau. Phần khác, chảy vào các công ty sân sau, tức là công ty người quen. Phần nhỏ còn lại ở ngoài thị trường. Các chuyên gia trong ngành đã thẳng thắn chỉ ra, cách thức làm việc của NH hiện nay khá ngược. Tức là chỉ nhìn vào sổ xanh, sổ hồng, dựa trên mối quan hệ " nhất thân nhì quen”.
Bà Lê Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Lê Xim (đầu tư xây dựng) thắc mắc: công ty chúng tôi không chậm nợ, chậm lãi một ngày nào nhưng mỗi lần vay 1 khoản tiền mới thì NH "sớm nắng chiều mưa”. Sáng đồng ý giải ngân, nhưng trưa bảo hết tiền. Vậy thì những công ty khác, mỗi lần vay tiền NH để làm ăn không biết khó khăn như thế nào? Có những khách hàng nào đang vay được tiền từ NH?
Và chuyên gia ngành NH Nguyễn Trí Hiếu cho biết: có 2 loại DN vay vốn NH. Đó là những DN vay tiền để rồi chết cùng hàng tồn kho; DN có mối quan hệ người nhà với NH.
Như vậy thực tế đang chỉ ra, tiền của NH đang chảy vào chỗ thân quen. Nhiều doanh nghiệp vay vốn NHTM lại chính là các công ty "sân sau” của chính thành viên hội đồng quản trị NHTM, trong đó phần nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Bà vú nuôi tốt bụng
Trong một cuộc trò chuyện, đại diện một công ty làm trong lĩnh vực đấu thầu thiết bị trường học cho biết: cứ làm hợp đồng trên 10 tỷ là phải vay vốn NH. Nếu muốn có tiền nhanh và kịp để làm thì đến các công ty ủy thác tài chính và đầu tư tài chính đương nhiên chịu lãi suất cao và phí môi giới "chút đỉnh”.
Vị đại diện này nói: thực ra các công ty ủy thác tài chính này có mối quan hệ mật thiết với NH. Thường là thân quen với cán bộ tín dụng cấp hội sở. Nếu vay khoản lớn, họ sẽ chịu trách nhiệm làm đẹp hồ sơ chuyển sang NH. Chỉ chờ ngày giải ngân.
Song không chỉ dừng lại đó, hiện nay không ít nhà băng lợi dụng công ty quản lý và khai thác nợ trực thuộc như một "sân sau” để cho vay với lãi suất cao. Trong đó điển hình là công ty được NHNN cấp phép: quản lý và khai thác nợ trực thuộc (AMC) với nghiệp vụ tiếp nhận, quản lý các khoản nợ tồn đọng, tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên nhiều NH đã để công ty AMC "sân sau” thực hiện cả các nghiệp vụ tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán.
Ví dụ, một khách hàng đến NH vay 3 tỷ đồng thế chấp bất động sản (có giá trị 4-5 tỷ đồng). Thay vì cho vay, NH chuyển hồ sơ này qua công ty AMC. Công ty AMC sẽ làm hợp đồng mua bất động sản thế chấp của khách hàng có kỳ hạn 2 năm giá trị 3 tỷ đồng và lãi suất cộng phí lên đến 25-30% mỗi năm. Nếu đến hạn khách hàng không trả 3 tỷ đồng cho NH, tài sản thế chấp sẽ thuộc về công ty AMC. Với nghiệp vụ này, nhà băng có thể bơm vốn cho vay bất động sản một cách dễ dàng hơn
Kẽ hở pháp lý
Chuyên gia ngành tài chính - NH, người có kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, ông Bùi Kiến Thành đã xác nhận với Đại Đoàn Kết: ở Việt Nam có qui định: đối với thành viên hội đồng quản trị NH, nếu công ty của mình được giải ngân vốn từ NH thì yêu cầu phải báo cáo với hội đồng. Trên giấy tờ, có luật pháp nhưng khi đưa ra cuộc sống thực tiễn bị che khuất rất nhiều. Bởi công ty "sân sau” không chỉ có quan hệ với một hội đồng thành viên mà còn gắn bó chặt chẽ với một số nhóm người lãnh đạo khác. Sẽ có chuyện thất thoát tiền đầu tư vào các công ty này.
"Hàng năm, tăng trưởng tín dụng vẫn được báo cáo. Vấn đề là chúng được giải ngân ở lĩnh vực nào, cách thức nào”- chính ông Thành đặt câu hỏi.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói: Tình trạng các NHTM cho vay sai quy định dẫn đến rủi ro không phải cán bộ tín dụng không biết. Bởi một hợp đồng tín dụng luôn có quy định rất chặt chẽ, nhưng đôi khi dòng vốn tín dụng được đổ vào các lĩnh vực từ ý chí của các ông chủ NH. Điều này buộc các cán bộ tín dụng phải hợp thức hóa bằng cách định giá tài sản thế chấp lên cao để bơm vốn nhiều hơn, hoặc cho vay một dự án ở công ty khác và công ty này bắt tay cho vay lại các dự án của ông chủ NH…
"Sân sau” NH không chỉ đơn thuần nhìn nhận là các công ty có người quen thuộc thuộc NH mà còn được hiểu theo nghĩa khác: NH thành lập công ty của mình rồi dùng các nghiệp vụ để đi thâu tóm thị trường, cho vay các khoản lãi suất cao.
Các chuyên gia cho rằng, phải có biện pháp kiểm tra cán bộ NH có công ty "sân sau”, công ty gia đình, hoặc móc ngoặc, thông đồng với lãnh đạo NH cung ứng các dịch vụ có liên quan đến hoạt động của ngành như: đầu tư tài chính, cho thuê tài chính…
Theo Hồ Hương
Đại Đoàn kết
|