8 tháng, tín dụng chỉ tăng 1,4%
Tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm này nhích khá chậm, chỉ đạt 1,4% so với cuối năm ngoái.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, trong hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổ chức ngày 30-8 tại TPHCM đã cho biết như vậy.
“Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra 180.000 tỉ đồng qua các kênh cho tới cuối tháng 7, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 1,4%. Tiền vẫn chạy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng nên cơ thể nền kinh tế vẫn xanh xao”, ông nói.
Từ nay đến cuối năm, ông cho biết, “Hai kênh tín dụng và đầu tư công có thể bơm ra mỗi tháng khoảng 95.000 tỉ đồng nhưng vấn đề là nền kinh tế có hấp thụ được không? Bơm đi đâu?”
Ông Lịch cho rằng, kế hoạch đạt dư nợ tín dụng 8- 10% của Chính phủ đặt ra đến giờ này là “không khả thi”, không có lý gì mà tín dụng từ nay tới cuối năm có thể tăng được mỗi tháng 2%, tương đương với 100.000 tỉ đồng. Khả năng hấp thụ vốn có thể cải thiện trừ khi Chính phủ cho khoanh nợ ở một số đối tượng để có khoản vay mới, kích thích tín dụng.
Ông lo ngại rằng niềm tin của thị trường với kinh tế vĩ mô đang có nhiều vấn đề và câu hỏi lớn nhất chưa trả lời được là làm sao để khơi thông vấn đề đó. “Nhưng khơi thế nào đây? Doanh nghiệp cần vay thì có nợ xấu tại ngân hàng lớn quá khiến ngân hàng không cho vay tiếp được, còn doanh nghiệp không có nợ xấu thì không muốn vay”, ông hỏi.
Theo bà Đoàn Thị Quyên thuộc Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI, tình hình kinh tế vĩ mô 7 tháng đầu năm 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực như lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm… nhưng theo khảo sát của VCCI, cảm nhận chung của cộng đồng doanh nghiệp là tình hình vẫn khó khăn. Điều này được thể hiện qua số lượng các doanh nghiệp giải thể gia tăng, chỉ số hàng tồn kho tăng và số lượng công nhân đăng ký chi trả bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng mạnh.
Tính đến tháng 7-2012 chỉ số hàng tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số này cùng thời điểm năm 2011 là 16%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ, tăng 103%; sản xuất các thiết bị bằng kim loại tăng gần 70%, sản xuất từ các sản phẩm bằng plastic tăng hơn 60%, sản xuất linh kiện điện tử tăng hơn 50%...
Bà Quyên cho rằng, cùng với vấn đề hàng tồn kho thì yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2012 và những tháng cuối năm vẫn là việc tiếp cận vốn vay.
Ông Lịch nhận định, ở chính sách tài khóa, vấn đề lớn nhất đang là giảm thu. 9 trong 13 tỉnh thành tính đến nay không thu được theo khoạch, trong đó có TPHCM. Ông Lịch nói: “Thiếu nguồn thu, ta không thể thực hiện chi để kích thích thị trường”.
Hồng Phúc
TBKTSG ONLINE
|