Chủ Nhật, 02/09/2012 09:34

Ngân hàng: Cần lo nhiều hơn cho “...cái mâm”

Đã một thời gian dài cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước vật vã hoạt động trong điều kiện phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Đồng nghĩa một thời gian dài, hệ thống các ngân hàng Việt Nam hưởng chênh lệch biên độ 6-7% giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Các doanh nghiệp, đến cả những "Êx","Ôp" (doanh nghiệp xuất nhập khẩu) để có được chỉ số chênh lệch đó cho mỗi phi vụ mua và bán, có nằm mơ cũng khó thấy. Đã đành ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, nhưng là doanh nghiệp kinh doanh: Tiền và tiền.

Tất tật doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều phải lụy ngân hàng để có vốn hoạt động. Lãi suất cao đấy, nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng dễ tiếp cận. Tình trạng để vay được, doanh nghiệp còn phải "lót tay" chẳng phải không có.

Một số vụ việc đã bị phát giác, chẳng hạn mấy năm trước, Đoàn Tiến Dũng- Phó Tổng giám đốc BIDV Việt Nam, nguyên Giám đốc BIDV Hải Phòng bị cơ quan điều tra bắt quả tang nhận 1 tỷ đồng phí "lót tay" cho một phi vụ cho vay tại quán cà phê từ ông Hoàng Văn Khánh- Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may xuất khẩu Hải Phòng (trước đó cấp dưới của Đoàn Tiến Dũng cũng đã nhận 4 tỷ đồng). Cuối tháng 5 vừa qua, Đoàn Tiến Dũng đã lĩnh án 15 năm tù vì tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn và trục lợi...". Theo không ít doanh nghiệp, hoặc để cho được việc hoặc không tự gây khó cho mình về sau họ đã nhiều lần phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải phụ thuộc bởi thời tiết, giá cả nguyên phụ liệu thị trường trong nước và thế giới, có khi lên xuống hàng ngày... còn ngân hàng thì quanh năm, suốt tháng vẫn ổn định và được bảo đảm bằng tiền chênh lệch 6-7%.

Có lẽ do chỉ số ổn định và được bảo đảm đó mà không biết từ bao giờ hệ số tiền lương cứng của cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng luôn cao hơn so với bất kỳ ngành kinh tế, xã hội nào trong cả nước. Lương tháng cao, đương nhiên hệ số "mềm", thưởng cũng phải cao. Lễ, Tết hay tổng kết năm các ngân hàng công bố thưởng cho nhân viên vài chục triệu đồng, còn các sếp thì vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường! Rồi thì hàng tỉ đồng trả cho các CEO như mới đây có ngân hàng công khai trước công luận. Các ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất, thương mại cũng cần thuê cố vấn, chuyên gia tư vấn lắm chứ, nhưng cái khó bó cái khôn nên mấy ai làm được như vậy?

Thế mới biết ngành ngân hàng luôn ở thế thượng phong -"mạnh vì gạo, bạo vì tiền"- đúng nghĩa. Ai cũng biết điều đó, đến các em học sinh năm cuối phổ thông trung học cũng đua nhau nộp đơn thi vào Học viện Ngân hàng mới là "hót". Không phải ngẫu nhiên tỷ lệ học sinh thi vào Học viện Ngân hàng thường cao hơn nhiều trường đại học; điểm trúng tuyển vào Khoa Ngân hàng năm học 2012-2013 là 23,5 điểm, ngang ngửa với Trường Đại học Ngoại thương và cao hơn Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại...

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, lâu nay cũng chẳng ai có ý đó. Cuộc sống, xã hội phân công mỗi ngành mỗi nghiệp khắc họa đôi nhiều như vậy để một lần nữa nói rằng (dư luận đã đề cập nhiều), không kể các doanh nghiệp đã "đắp chiếu" còn hàng chục ngàn doanh nghiệp đang phải vùng vẫy để thoát khỏi cơn bĩ cực. Ngành ngân hàng có mủi lòng và chia sẻ? Hơn cả thế, nền kinh tế quốc gia đang gặp khó là có thật. Sức mua, sức bán giảm, giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao, làm xói mòn lòng tin của xã hội, người dân đang lo đất nước phải đối mặt với những bất ổn về kinh tế- xã hội. Với thiên chức và lợi thế riêng, ngành ngân hàng có làm hết trách nhiệm của mình?

Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, nhiều nhà nghiên cứu và quản lý kinh tế mong muốn NHNN sớm hạ lãi suất cho vay xuống mức 11- 12%, thậm chí 10%/năm- đây chính là chỉ số cho vay mà khoảng mười năm trước ngành ngân hàng áp dụng với các doanh nghiệp cả nước- và ở giai đoạn đó ngân hàng vẫn dư dả bát ăn bát để!

Có cách nào khác là NHNN phải thực tế hơn, dũng cảm, hy sinh bớt đi cái "bát" 6- 7% của mình xuống 3- 4%, đặng lo nhiều hơn cho cái "mâm" - nền kinh tế cả nước. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có tăng trưởng, ngân hàng mới rủng rỉnh, an sinh xã hội sẽ yên vui, đất nước mới phong lưu, thịnh vượng. Đó là quy luật của muôn đời. Nếu không vì đích chung đó, e sớm hay muộn, dư luận xã hội sẽ qui cho "Nhà Bank" trước sau vẫn cứ chăm chăm "tham bát, bỏ mâm" vậy!

 Bùi Đức Khiêm

vietnamnet

Các tin tức khác

>   “Sân sau” ngân hàng (02/09/2012)

>   Ngân hàng cầu cạnh khách vay tiền (02/09/2012)

>   Điều hành tỉ giá: “Neo” cố định, DN thiệt (01/09/2012)

>   Gần 70.000 tỷ đồng trong tài khoản ATM (01/09/2012)

>   8 tháng, tín dụng chỉ tăng 1,4% (31/08/2012)

>   Chính sách tài chính chứng khoán hiệu lực từ tháng 9 (31/08/2012)

>   Trần lãi suất: hạ hay bỏ? (31/08/2012)

>   Cán bộ tín dụng: Nghề “nguy hiểm” (31/08/2012)

>   IMF: Uy tín của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường đã tăng lên (31/08/2012)

>   HDBank tung gói tín dụng 2,000 tỷ đồng lãi suất thấp (31/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật