TPHCM: Sắp xếp, chuyển đổi 385 DNNN
Trong 10 năm (2001-2011), TP đã sắp xếp, chuyển đổi 385 DN, bao gồm 195 DN đã CPH, 90 DN đã chuyển đổi thành TNHH một thành viên, 2 DN thành công ty TNHH 2 thành viên, 62 DN sáp nhập, 11 DN giải thể, 11 DN phá sản, 6 DN chuyển thành đơn vị sự nghiệp, 2 DN được giao cho người lao động và 6 DN đã được bán.
Hội nghị Tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN TPHCM giai đoạn 2001 – 2011. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
|
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm xắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN TP giai đoạn 2001 – 2011 tổ chức ngày 25/9, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP cho hay, 10 năm qua, mục tiêu xắp xếp, cơ cấu lại DNNN trên địa bàn đã cơ bản được thực hiện.
Tính đến thời điểm 31/12/2011, TPHCM chỉ còn 90 DN 100% vốn nhà nước (trừ Công ty Đầu tư tài chính nhà nước), hoạt động trong các lĩnh vực như nông, lâm ngư nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ thương mại.
Mục tiêu sắp xếp, cơ cấu DN đã được điều chỉnh cơ bản, số lượng DNNN giảm mạnh, chỉ còn hơn 1/4 so với năm 2001.
Đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN sau sắp xếp, đổi mới, Ban Đổi mới quản lý DN TPHCM cho biết, các DN sau CPH đều có bước phát triển tích cực. Quy mô DNNN tại TPHCM được tăng lên, chủ yếu là DN vừa và lớn.
Tổng DN hoạt động có lợi nhuận là 89/90 DN, chiếm tỷ lệ 98,88% (chỉ có 1 công ty thua lỗ). Tại thời điểm 2011 so với thời điểm năm 2001, vốn tăng 2,51% lần, doanh thu tăng gấp 4,46 lần, nộp ngân sách tăng 3,12 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 3,92 lần, thu nhập người lao động tăng 2,81 lần, số lao động giảm 0,19 lần, số DN kinh doanh thua lỗ từ 10% giảm còn 5,9%. Nhiều DN đã giữ vững và phát huy các thương hiệu mạnh như Saigontourist, Ben Thanh Group, Satra, Vissan, SJC, Samco, Liksin…
Qua sắp xếp, đổi mới, TP đã huy động được một lượng vốn lớn, khoảng 4.827 tỷ đồng để tập trung cho các Tổng Công ty, Công ty mẹ - con, đào tạo, đào tạo lại và hỗ trợ người lao động.
TP đã duy trì và phát triển được các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, tạo ra nhiều mô hình mới như mô hình Tổng Công ty đầu tư tài chính, Công ty Phát triển công viên Phần mềm Quang Trung, Công ty Phát triển khu công nghệ cao…
Các DNNN của TP đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu kinh tế của thành phố như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; Công ty Vàng bạc, đá quý Sài Gòn (SJC) không những tham gia bình ổn thị trường vàng của TP mà còn trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, phát triển vốn nhà nước, các Tổng Công ty, Công ty mẹ - con như Saigontourist, Ben Thanh Group, Satra, Vissan, SJC, Samco, Resco, Liksin, QTSC… thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết một số mục tiêu kinh tế vĩ mô quốc gia, tham gia tích cực trong việc bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, các DNNN cũng còn nhiều hạn chế như hoạt động kém hiệu quả, bộ máy cồng kềnh, kém năng động, chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng, giám sát kém hiệu quả.
Về phương hướng trong thời gian tới, ông Lê Mạnh Hà cho biết, TP sẽ kiện toàn Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố nhằm tham mưu, giúp UBND thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Mạnh Hùng
Chính phủ
|