Thứ Tư, 26/09/2012 06:51

Quản lý giá cả bị buông lỏng?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho hay, trong báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội trình ra kỳ họp tới đây, Ủy ban Kinh tế sẽ nhấn mạnh đến vấn đề ổn định chính sách cũng như sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất hơn trong điều hành kinh tế.

Sỡ dĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế muốn nhấn mạnh đến vấn đề này, không chỉ vì ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, mà còn vì tình hình lạm phát tháng 9 đột ngột leo cao, thêm vào đó, là các loại giá như giá xăng dầu, điều chỉnh liên tục khiến cho doanh nghiệp khó có thể ổn định sản xuất kinh doanh.

Biểu đồ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các tháng so với cùng kỳ năm 2011 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Quản lý giá cả có dấu hiệu bị buông lỏng, và nói như TS. Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, “không phải là lạm phát cao có dấu hiệu quay trở lại, mà thực sự là đã quay trở lại rồi”.

Trong bối cảnh mà tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ phục hồi rất chậm, khiến đã có không ít lo ngại, chính sách điều hành bị chuyển hướng, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã xuống ưu tiên thứ hai, sau mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng. TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lo ngại rằng “CPI tháng 9 cho thấy việc điều hành chính sách vẫn bị động theo diễn biến mà không chủ động điều hành bám theo lạm phát mục tiêu”.

Cũng nỗi ưu tư về chính sách điều hành thiếu nhất quán, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Không lường được sự điều hành chính sách khiến cả nền kinh tế đang phải bươn trải để tồn tại”.

Hoặc “Lạm phát vừa có dấu hiệu kiềm chế được, vĩ mô tạm ổn định đã thiếu cẩn trọng trong điều hành giá, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.

Thậm chí, theo vị chuyên gia này, thì điều hành chính sách vẫn loay hoay trong “vùng trũng mấp mô”. Tình hình cứ cải thiện được một chút, tỏ ra tốt hơn một chút thì lại xấu đi. Những năm qua, nền kinh tế cứ lúc vừa phục hồi được tăng trưởng thì nhanh chóng sụt giảm, lạm phát vừa được kiềm chế lại tăng vọt, niềm tin vào chính sách, theo đó, cũng khó mà bền vững...

Không nói thẳng việc điều hành chính sách là bị động, đồng thời, dù Chính phủ luôn đề cao việc kiềm chế lạm phát, nhưng thực tế thường hướng đến chăm lo cho tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, song một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế có đặt vấn đề rằng: “Trong các báo cáo của mình, Chính phủ vẫn nhận định nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao là do cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý, do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ trong nhiều năm... Tuy nhiên, trong vài năm qua cũng các nguyên nhân này mà kiểm soát lạm phát có năm rất cao, nhưng có năm lại thấp”.

Nhiều ưu tư vì “ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều thách thức”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu có phân tích rằng trong điều kiện đang tiến hành khởi động mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, việc xử lý giữa mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý cho năm 2012 đặt ra yêu cầu kết hợp thật chặt chẽ, liên tục giữa các cơ chế, chính sách, giải pháp trước mắt và cho cả trung, dài hạn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất hơn để phát huy tối đa sức mạnh nội lực của cả đất nước.

Trong đó cần duy trì và củng cố niềm tin, kịp thời thông tin chính xác, đưa ra các tín hiệu chính sách vĩ mô đúng để định hướng thị trường và tạo điều kiện cho thị trường tự vận động theo quy luật khách quan là yếu tố quan trọng.

Cũng theo ông Giàu, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã đưa ra yêu cầu cho Chính phủ là cần tiếp tục kiên định với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Kỳ họp thứ 4 này, chắc rằng cũng sẽ phải tiếp tục đưa ra yêu cầu như vậy.

Về phía Chính phủ, trong các cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mấy tháng gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam luôn nhấn mạnh đến vấn đề điều hành chính sách của Chính phủ sẽ không còn giật cục.

Như tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, ông Đam nói: “Điều hành kinh tế sao cho không giật cục, chứ không phải thấy lạm phát giảm thì lại kích cầu, rồi lại lạm phát... thì đó mới là điều mà nhân dân và doanh nghiệp trông đợi”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng con số lạm phát mà Việt Nam dự kiến kiềm chế được trong năm 2012 là khoảng 7% là một con số vẫn “rất cao”.

Nhưng dù điều hành chính sách không giật cục, thì CPI tháng 9, nói như TS. Vũ Đình Ánh: “Cao không chịu nổi, cao nhất từ trước đến nay và chưa bao giờ CPI tháng 9 cao như vậy”.

Cũng theo ông Ánh, lạm phát như vậy là đột ngột, là trở nên quá nóng và lại trở thành vấn đề lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam từ giờ đến hết 2012, thậm là còn chuyển sang cả năm 2013.

Hẳn rằng, không phải là tình cờ khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại nhắc đến cả cụm từ phải “quyết liệt, tập trung, thống nhất hơn” trong điều hành kinh tế.

Đoàn Trần

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Giật mình với lạm phát (26/09/2012)

>   ‘Lạm phát tháng 9 rất bất thường’ (26/09/2012)

>   Tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh đạt 8,7% (25/09/2012)

>   Bước ngoặt nào cho kinh tế Việt Nam? (25/09/2012)

>   Kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10 – 11 tỷ USD (25/09/2012)

>   CPI tháng 9 đột biến và áp lực nào cho điều hành chính sách? (24/09/2012)

>   Giới phân tích nói gì về diễn biến CPI tháng 9? (24/09/2012)

>   Bổ nhiệm Trợ lý Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ (24/09/2012)

>   Nguy cơ đình lạm (24/09/2012)

>   CPI cả nước tháng 9 tăng 2.2% (24/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật