Thứ Tư, 26/09/2012 06:42

Giật mình với lạm phát

Sau nhiều tháng chững lại, “con ngựa” lạm phát bỗng phi nước đại trở lại khiến người dân không khỏi giật mình.

Những “thủ phạm” chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 2,2% trong tháng 9 được điểm mặt chỉ tên là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng tới 17,02% so tháng trước; trong đó, dịch vụ y tế tăng tới 23,87%); ở nhóm giáo dục tăng 10,54%...

Giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh tăng trong thời gian ngắn vừa qua cũng góp phần vào việc đẩy chi phí nhóm giao thông tăng mạnh (3,83% so với tháng 8).

Từ những số liệu trên đây, có những ý kiến sẽ giải thích rằng CPI tháng 9 tăng mạnh là do... khách quan bởi các yếu tố như chi dùng nhiều khi bắt đầu năm học mới, tăng viện phí. Song, nếu xét kỹ những nhân tố kích thích “con ngựa” lạm phát tăng tốc thì có thể thấy khá rõ nguyên nhân chủ quan là từ việc điều hành.

Đành rằng phải mua sắm, chi phí nhiều hơn để phục vụ thế hệ tương lai vào năm học mới nhưng có phải tất cả những chi phí mà các bậc phụ huynh phải bỏ ra vừa qua đều là cần thiết và hợp lý? Việc rất nhiều nhà trường đặt ra những khoản thu bất hợp lý, thậm chí là phi lý mới đây đã khiến rất nhiều phụ huynh phải thốt lên “loạn thu đầu năm” hay “bó tay với lạm thu”… Nói cách khác, do ngành giáo dục không thể quản lý, kiểm tra được các khoản thu đầu năm nên đã không chỉ khiến phụ huynh, dư luận xã hội bức xúc mà còn góp phần tiếp tay cho lạm phát leo thang.

Quản lý, kiểm tra không tốt, lỏng lẻo cũng là một nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “té nước” theo viện phí mới. Bất chấp Bộ Tài chính đã khuyến cáo không tăng giá tập trung với biên độ lớn song vẫn có tới 34 địa phương tăng mạnh viện phí, để rồi các cơ sở y tế lại lợi dụng kê thêm vào đó những khoản chi phí thuộc loại “trời ơi” với giá cả “trên trời”.

Để viện phí tăng mạnh đúng vào dịp năm học mới cũng đã tạo ra áp lực cộng hưởng đẩy lạm phát tăng cao bất thường, kể từ đầu năm. Áp lực cộng hưởng này hoàn toàn có thể tránh được nếu công tác điều hành có thể phối hợp, điều hành tốt hơn.

Công tác điều hành cũng là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng chi phí nhóm giao thông. Lẽ ra giá xăng dầu đã không tăng liên tục trong thời gian ngắn nếu linh hoạt, vì lợi ích của người dân hơn trong việc sử dụng công cụ quan trọng là thuế nhập khẩu xăng dầu.

CPI tháng 9 tăng 2,2% khiến người dân giật mình với “bóng ma” lạm phát, đồng thời nó cũng khiến những người điều hành vĩ mô giật mình với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở khoảng 8%. Tuy nhiên, nếu công tác điều hành và quản lý cứ như việc điều hành, quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xăng dầu… vừa qua thì có thể sẽ còn phải giật mình với lạm phát năm nay.

PHẠM DƯƠNG

người lao động

Các tin tức khác

>   ‘Lạm phát tháng 9 rất bất thường’ (26/09/2012)

>   Tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh đạt 8,7% (25/09/2012)

>   Bước ngoặt nào cho kinh tế Việt Nam? (25/09/2012)

>   Kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10 – 11 tỷ USD (25/09/2012)

>   CPI tháng 9 đột biến và áp lực nào cho điều hành chính sách? (24/09/2012)

>   Giới phân tích nói gì về diễn biến CPI tháng 9? (24/09/2012)

>   Bổ nhiệm Trợ lý Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ (24/09/2012)

>   Nguy cơ đình lạm (24/09/2012)

>   CPI cả nước tháng 9 tăng 2.2% (24/09/2012)

>   Đón vốn từ Nhật (24/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật