Bước ngoặt nào cho kinh tế Việt Nam?
Trình bày đề dẫn tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2012: Tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói rằng ông phải để dấu chấm hỏi sau tựa đề “Bước ngoặt”, vì như thế mới phản ánh đúng thực tế của Việt Nam hiện nay.
Ở bản thông tin ngắn gọn Ban tổ chức cung cấp cho báo chí, mục tiêu của hội thảo là nhận diện rõ thực chất của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, xác định nguyên nhân – căn bản và hệ thống, dài hạn và ngắn hạn. Đồng thời tìm kiếm và xác định phương thức và giải pháp đưa nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi tình thế hiện tại.
Nhắc đến danh tính các vị chuyên gia có mặt tại sự kiện này, nhất là một số vị đến từ phía Nam như các ông Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Xuân Thành… ông Thiên bày tỏ sự kỳ vọng được nghe những ý kiến có trách nhiệm cao, với động cơ trong sáng, không ngại đụng chạm, không tung hô thành tích.
Theo quan sát của người viết, nhiều vị chuyên gia kinh tế mà tên tuổi khá quen thuộc cũng có mặt tại đây, như các ông bà: Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Trần Du Lịch, Võ Trí Thành, Vũ Đình Ánh…
Nhấn mạnh rằng vẫn giữ quan điểm tình thế nền kinh tế năm 2012 là rất đặc biệt và cần có thuốc đặc trị, ông Thiên nhận định, có vẻ như nền kinh tế đang quá yếu, đến mức không đủ sức hấp thụ thành công của chính mình.
Điều này thể hiện rất rõ ở nghịch lý khi mục tiêu giảm nhập siêu, hạ nhanh lạm phát mấy năm qua đã nỗ lực hết sức để đạt được thì nay lại đang gây lo ngại với mức độ sâu sắc không kém tình trạng lạm phát cao và nhập siêu lớn của những năm trước.
Đặc biệt, hệ thống ngân hàng thừa thanh khoản nhưng một bộ phận rất lớn doanh ngiệp vẫn đói vốn. Ách tắc này đang đe dọa sự tồn vong của các doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng - hai lực lượng chủ lực của kinh tế thị trường.
Trong khi đó, vẫn theo phân tích của Viện trưởng Thiên, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế hầu như vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
Câu hỏi nảy sinh từ những nghịch lý này được ông Thiên đặt ra là: phải chăng tính “có vấn đề” của nền kinh tế đã trầm trọng đến mức không thể khơi thông dòng chảy cho các luồng vốn lưu thông bình thường, rằng nền kinh tế quá yếu đến mức không còn đủ sức hấp thụ cả “nhân sâm”, không đủ sức thoát khỏi những vấn đề ngắn hạn để thực hiện một cú đột phá, dù chỉ mang tính cục bộ, để tạo sự xoay chuyển tình thế căn bản dài hạn?
Trong một nhấn mạnh về sự khác biệt của năm 2012 là đã bộc lộ rõ tính chất nghiêm trọng của các vấn đề lớn, bị tích nén nhiều năm, làm gia tăng rủi ro hệ thống, ông Thiên đã nhắc đến nguy cơ “vỡ trận”.
Cho rằng không nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao trong năm 2013 mà nên dành nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế, theo Viện trưởng Thiên thì nhiệm vụ đầu tiên phải làm trong năm tới là phải trở lại ý tưởng đổi mới ban đầu, nhưng ở tầm khác. Cải cách ruộng đất, cải cách doanh nghiệp nhà nước theo đúng kiểu thị trường là hai việc cơ bản, phải bỏ tiền ra mà làm, ông Thiên nhấn mạnh.
Ít nhiều đều chia sẻ với quan điểm của Viện trưởng Thiên, các tham luận tiếp sau cũng nhằm đến câu trả lời cho câu hỏi về "bước ngoặt", dù cho tính khả thi còn khá mong manh.
TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội Quốc gia nhận định, năm 2012, có gắng giữ trận địa cho tốt đã là may chứ tạo "bước ngoặt" được thì chắc rằng không được.
Vấn đề trong điều hành của năm 2012 là một số chủ trương tốt nhưng thực hiện lại nửa vời. Sau nhận xét này ông Ân nói rằng thật không thể hiểu nổi khi tranh luận mãi giá xăng dầu, điện vẫn không thống nhất được. Rồi việc phân loại ngân hàng thương mại theo nhóm kèm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có đề ra là thực hiện 6 tháng sẽ rút kinh nghiệm nhưng sau 6 tháng cũng chả thấy ai rút mà ngân hàng nào xin bao nhiêu cho bấy nhiêu.
Ông Ân kiến nghị không xây dựng kế hoạch 2013 mà nên xây dựng kế hoạch 3 năm phục hồi kinh tế để tập trung toàn bộ nguồn lực cơ cấu lại nền kinh tế. Kế hoạch một năm không làm được mà cần kế hoạch dài hơn để tập trung sự chỉ đạo và lực lượng, ông nhấn mạnh.
Cần tổ chức lại bộ máy cho hiệu quả hơn để việc gì cũng có người chịu trách nhiệm, cách tư duy và quản lý nửa vời làm thiêt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam, ông nói.
Nguyên Thảo
tbktvn
|