Thứ Ba, 04/09/2012 10:39

Thoái vốn của DNNN: Ai đặt câu hỏi “khả thi không” là bàn lùi

TS. Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Ai đặt câu hỏi có khả thi hay không có nghĩa là “bàn lùi”. Vấn đề là phải làm và phải làm bằng được, phải làm xong trước năm 2015. Chưa làm đã kêu khó thì dù chính sách ưu việt mấy cũng khó đạt được kết quả như mục tiêu đặt ra”.

Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/7/2012 nêu rõ, “Việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Từ nay đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước”. Tiếp đó, ngày 17/7/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, chỉ rõ: Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015.

Đã có ý kiến băn khoăn về khả năng thực hiện việc thoái vốn của DNNN. Bản thân mỗi DN cũng có một băn khoăn riêng.

Biết lãi... vẫn băn khoăn

Ngay như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015. EVN sẽ rút khỏi lĩnh vực kinh doanh viễn thông công cộng và đã bàn giao nguyên trạng EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel từ tháng 12/2011. EVN cũng sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn 1.102 tỷ đồng đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và bảo hiểm. EVN đã đàm phán với các đối tác để thoái vốn. Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN, Tập đoàn đang cân nhắc, tính toán kỹ chuyện thoái vốn, mặc dù “thoái vốn lúc này, chắc chắn EVN có lãi so với vốn đầu tư”.

EVN đã đầu tư 757 tỷ đồng vào NHTMCP An Bình, chiếm 24,3% cổ phần của ngân hàng này (tính tại thời điểm 31/12/2011). EVN cũng đang sở hữu 22,5% vốn điều lệ của Công ty Bảo hiểm toàn cầu (GIC) với số vốn đầu tư 125 tỷ đồng. Kế hoạch của EVN là giảm số cổ phần ở 2 đơn vị này xuống dưới 20%. Dự tính của EVN là bán bớt 6% cổ phiếu ở An Bình, tuy giá cổ phiếu trên thị trường OTC chỉ ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu nhưng Tập đoàn Geleximco đã sẵn sàng mua lại số cổ phiếu này bằng giá gốc, tức là EVN sẽ có lãi so với giá trên thị trường OTC. Theo tiết lộ của vị đại diện EVN, Công ty bảo hiểm ERGO của Đức, là đối tác chiến lược của GIC đã sẵn sàng mua lại cổ phần của EVN tại GIC với giá gấp 4 lần mệnh giá gốc. “Băn khoăn nhất và khó nhất trong việc thoái vốn của EVN là phần đầu tư 100 tỷ đồng vào 28,93% cổ phần của Công ty chứng khoán An Bình. Đến hạn chót năm 2015 vẫn còn thời gian để EVN tìm cơ hội bán tốt hơn, nhưng nếu phải thu hồi vốn ngay, EVN đề nghị Chính phủ cho cơ chế đấu giá số cổ phiếu này theo giá thị trường, nếu lỗ thì phải chịu”, theo ông Tri.

Không chỉ EVN, một số DN cũng đang cân nhắc việc thoái vốn lúc này. Theo ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), “nếu thời cơ tốt đến sớm hơn PVN sẽ thoái vốn sớm hơn. Nhưng nếu vội bán sớm dễ bị thiệt hại vốn nhà nước”. Hiện tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của PVN là 5.000 tỷ đồng. Theo ông Thực, nếu ép thoái hết vốn thì rất băn khoăn với nhiệm vụ “bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước”. “Chúng tôi đã kiến nghị không thoái hết 100% vốn ở Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) và Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) mà chỉ bán bớt 20% vốn của PVN ở PVFC và 18% vốn tại PVI. Nếu Chính phủ không đồng ý thì chúng tôi đề nghị nâng tỷ lệ thoái vốn lên mức 50%, chứ không thoái hết 100%”, ông Thực cho biết.

Không chỉ những DN đang trên con đường tái cấu trúc và đang có những khoản đầu tư ngoài ngành đến lúc phải tính chuyện thoái vốn đang loay hoay, băn khoăn việc thoái vốn, các chuyên gia kinh tế cũng có người e rằng “hoàn thành thoái vốn với thời hạn chót 2015 khó khả thi”.

Có nhiều cách để thoái vốn

Ngược lại, TS. Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Ai đặt câu hỏi có khả thi hay không có nghĩa là “bàn lùi”. Vấn đề là phải làm và phải làm bằng được, phải làm xong trước năm 2015. Khi chốt thời điểm 2015, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng và từ nay đến lúc đó còn hơn 2 năm để thực hiện, bây giờ mới bắt đầu thực hiện không thể vội vã. Chưa làm đã kêu khó thì dù chính sách ưu việt mấy cũng khó đạt được kết quả như mục tiêu đặt ra”.

Hơn 2 năm tới là một khoảng thời gian thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Có thể thị trường sẽ tốt hơn, việc thoái vốn thuận lợi hơn. Nhưng nếu trong trường hợp có thể sẽ lỗ và như có băn khoăn “mất vốn”, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng “nếu mất thì đã mất rồi”. Quan điểm của ông là những khoản đầu tư đã lỗ vốn mà để nữa càng lỗ vốn thì tốt nhất là bán luôn. Vậy giá nào là giá bán được, và làm thế nào, cách nào “bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước”, Theo ông Cung: “Phải nhìn toàn cục rộng lớn hơn và nhìn vào chi phí cơ hội bỏ ra cùng lợi ích tổng thể cả xã hội”. Hơn nữa, tại các văn bản của Chính phủ đã chỉ rõ “thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch”. Điều này cần được hiểu đúng là bán đúng với giá thị trường ở thời điểm thoái vốn có tính cả chi phí cơ hội và Nhà nước thoái vốn có nghĩa là chuyển khoản đầu tư này sang cho chủ đầu tư khác mà họ sẽ tận dụng được cơ hội đầu tư này tốt hơn.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, để triển khai Quyết định 929 về việc thoái vốn của DNNN, ngày 10/8/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã ký văn bản số 10800/BTC-TCDN hướng dẫn việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và theo giải thích của ông Tiến, có nhiều cách thoái vốn khác nhau như chuyển giao vốn cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; hoặc chuyển toàn bộ cổ phần, chuyển nhượng DN hay chuyển giao nguyên trạng DN sang cho DN kinh doanh ngành nghề đó... như vậy các khoản đầu tư này không bị coi là “lỗ” hay “lãi” theo giá thị trường mà vẫn là bảo toàn vốn Nhà nước. Trường hợp như EVN Telecom chẳng hạn.

Tri Nhân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   HSBC: Hoạt động sản xuất có thể dần hồi phục vào quý 4 (04/09/2012)

>   Satra sẽ hợp tác Ayala về bất động sản (04/09/2012)

>   1 năm sau khi mua lại DN Hàn Quốc: Hugaco lùi kế hoạch mở rộng sản xuất (04/09/2012)

>   Học từ “ngôi vương” xuất khẩu gạo của Thái Lan (04/09/2012)

>   Tạm nhập nhưng không tái xuất: Phá hoại thị trường (04/09/2012)

>   Quản lý giá cả: Khó vì thẩm định yếu (04/09/2012)

>   Doanh nghiệp FDI: Nhập khẩu máy tính, hàng điện tử tăng mạnh (04/09/2012)

>   Ngành du lịch muốn thêm tiền cho quảng bá (04/09/2012)

>   Doanh nghiệp nỗ lực kìm giữ giá (03/09/2012)

>   Doanh nghiệp con Vinashin nợ đọng thuế gần 285 tỷ đồng (03/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật