Thứ Tư, 26/09/2012 18:25

Khơi luồng vốn quý

Các Việt kiều đã xây dựng hơn 3.500 doanh nghiệp tại Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này còn nhỏ so với nguồn lực quý giá mà Việt kiều đang nắm giữ.

Đó là một thực tế mà ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Quỹ DFJ VinaCapital (DFJV), khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã thừa nhận. “Không chỉ số lượng còn ít, mà chất lượng cũng chưa được như mong muốn. Mặc dù đã có lĩnh vực đạt được những thành quả đáng kể, như bán lẻ, tài chính, bất động sản, nhưng phần lớn nguồn đầu tư từ Việt kiều chưa gây được ảnh hưởng kinh tế và các cú huých để kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa”, ông Phúc nói.

Thực tế là, với tiềm lực tài chính của mình, nhiều DN, doanh nhân ở nước ngoài đã mang nhiều dự án đầu tư lớn về cho đất nước. Họ là cổ đông lớn tại một số ngân hàng, như Techcombank, VPBank, các tập đoàn Vingroup, Masan, SunGroup, hay các tên tuổi lớn Melinh Plaza, Furama, AirMekong,Vifon… Trong số này, có thể kể đến sự thành công vượt bậc của Vingroup, với ông chủ Phạm Nhật Vượng. Vốn đã nổi danh với thương hiệu Technocom tại Ukraine, kể từ khi về Việt Nam vào đầu những năm 2000, ông Phạm Nhật Vượng liên tiếp ghi dấu thành công bằng hàng loạt dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản, như các tòa tháp Vincom ở TP.HCM và Hà Nội, Vinpearl (Nha Trang), Villas - Vinpearl Luxury Đà Nẵng… và mới đây là Bệnh viện Vinmec (Hà Nội). Năm ngoái, ông Vượng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Có thể nói, sự thành công của các thương hiệu nói trên ở Việt Nam có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho những đóng góp to lớn của Việt kiều đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam. “Chúng tôi đều mong muốn làm được gì đó cho Việt Nam”, ông Hoàng Xuân Bình, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ.

Cùng chung ước nguyện, TS. Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa cho biết, mặc dù đầu tư của ông có quy mô nhỏ (80 - 90 triệu USD), song ông vẫn đeo đuổi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Thực ra, hiện tại, TS. Alan Phan đã đầu tư khoảng 1,2 triệu USD cho một DN ở Việt Nam, song chưa thành công. “Tôi sẽ tiếp tục đầu tư về Việt Nam, tất nhiên là khi không còn những rào cản”, TS. Alan Phan nói.

Không chỉ đầu tư vốn, có thể nói, không ít Việt kiều đã và đang mang trí tuệ, mang chất xám về đóng góp cho quê hương, đất nước. Việt kiều, như cách nói của ông Morita Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh, thành viên HĐQT Công ty TNHH Lixil Inax Việt Nam, chính là những cầu nối giữa hai nền văn hóa, giữa các nhà đầu tư nước sở tại và Việt Nam.

Năm 1997, khi Tập đoàn Inax -Nhật Bản (hiện đổi tên thành Tập đoàn Lixil), được cấp giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất sứ vệ sinh đầu tiên tại Việt Nam, ông Morita đã từ Nhật Bản để trở về Việt Nam làm việc. Từ nhà máy ban đầu, giờ đây Lixil đã có 7 nhà máy sứ vệ sinh ở Việt Nam, chưa kể các nhà máy sản xuất các sản phẩm phụ trợ khác. 15 năm ở Việt Nam là 15 năm ông Morita miệt mài nghiên cứu thị trường để cung cấp cho tập đoàn mẹ những thông tin đáng giá, để từ đó, liên tiếp các quyết định đầu tư tại Việt Nam được ban hành, nào nhà máy sen vòi ở Quảng Nam, hay gạch ngoại thất ở Bà Rịa - Vũng Tàu… Và mới đây nhất là nhà máy 441 triệu USD ở Đồng Nai, dự kiến được khởi công trong tháng 11/2012.

Ông Morita đã thực sự trở thành “một cái cầu”, có lẽ cũng giống như ông Thân Trọng Phúc.

Nhắc đến vị CEO của DFJV, có lẽ phải kể lại một câu chuyện đã cũ. Đó là vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009, khi baodautu.vn (phiên bản điện tử của Báo Đầu tư) bắt đầu ra mắt bạn đọc, có một thông tin nhiều ngày liền nằm ở danh sách được bạn đọc tìm kiếm nhiều nhất. Đó là chuyện ông Thân Trọng Phúc đã rời khỏi Intel Việt Nam.

Vào thời điểm ấy, đó thực sự là một thông tin gây sốc. Bởi ở Việt Nam, cái tên Thân Trọng Phúc đã gắn liền với Intel Việt Nam đến nỗi ít ai có thể ngờ, có một ngày, ông lại rời khỏi Intel. Ông chính là người có công đầu trong việc đưa Intel về Việt Nam. Và quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam của nhà sản xuất chipset hàng đầu thế giới vào thời điểm đó, có thể nói là một cú huých cực lớn, để sau này, lần lượt những tập đoàn công nghệ cao khác tìm đến Việt Nam.

Ông Phúc là một Việt kiều ở Mỹ. Và ông đã làm được rất nhiều cho Việt Nam, chứ không phải chỉ là “một chút” như mong muốn của những người Việt ở xa quê hương.

Một câu chuyện mới hơn, vừa được ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Robert Bosch kể. Bosch có thể vẫn sẽ có mặt tại Việt Nam, nhưng sẽ không thể thành công như thế sau chỉ 4 năm thành lập, nếu như không có ông Huệ, người đã rời bỏ vị trí tốt tại một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới - BMW, để về đầu quân cho Robert Bosch Việt Nam, chỉ vì muốn cống hiến cho quê hương, đất nước. Hiện nhà máy sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục hộp số tự động cho ô tô của Bosch đã có kế hoạch mở rộng đầu tư lên tới 322 triệu USD đến năm 2015. Và một lần nữa, quyết định cho sự thành bại của kế hoạch này phụ thuộc rất nhiều vào “tâm và tầm” của ông Huệ.

Nhưng tất nhiên, chỉ “tâm và tầm” của các cá nhân những người Việt xa quê hương thôi là chưa đủ. Để khơi luồng vốn quý, cả tiền bạc và chất xám, của Việt kiều, theo ông Thân Trọng Phúc, thì ít nhất, hãy xem Việt kiều như người trong nước để tạo điều kiện cho họ đầu tư hay sáng lập các công ty trong nước, đặc biệt là các công ty công nghệ cao, giáo dục hay y tế. “Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam cần thu hút chất xám của Việt kiều. Trước đây, Việt kiều được xem như nhà đầu tư trong nước, nhưng nay lại được xem như nhà đầu tư nước ngoài và điều này có thể ảnh hưởng các quyết định đầu tư tại Việt Nam của họ. Cũng cần xem xét miễn thị thực cho các Việt kiều hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên”, ông Phúc nói.

Nguyên Đức

Báo đầu tư

Các tin tức khác

>   Việt Nam muốn cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia (26/09/2012)

>   TPHCM: Sắp xếp, chuyển đổi 385 DNNN (26/09/2012)

>   Nhật Bản đứng đầu về FDI vào Việt Nam với 4,67 tỷ USD trong tháng 9/2012 (26/09/2012)

>   TPHCM: Tiếp sức doanh nghiệp giữ tốc độ tăng trưởng (26/09/2012)

>   Vốn FDI tiếp tục “rót” vào bất động sản (26/09/2012)

>   Quản lý giá cả bị buông lỏng? (26/09/2012)

>   Giật mình với lạm phát (26/09/2012)

>   ‘Lạm phát tháng 9 rất bất thường’ (26/09/2012)

>   Tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh đạt 8,7% (25/09/2012)

>   Bước ngoặt nào cho kinh tế Việt Nam? (25/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật