Thứ Tư, 05/09/2012 14:58

Đi tìm vàng trắng

Một số doanh nghiệp cao su chưa bao giờ bị lỗ, bất chấp thị trường khó khăn.

Năm 2011, đại hội cổ đông của công ty cổ phần Gemadept sôi động hơn hẳn khi ban lãnh đạo đưa ra chiến lược đầu tư trồng cao su tại Campuchia. Nhiều cổ đông đã hoài nghi cho rằng Gemadept đi quá xa lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là giao nhận và vận tải. Tuy nhiên, theo kết quả bỏ phiếu cuối cùng, 77,8% cổ đông đã đồng ý thông qua kế hoạch này. Lý do nào khiến ban lãnh đạo của Gemadept đã thuyết phục được các cổ đông?

Theo ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Gemadept, nếu kiên định theo đuổi ngành nghề kinh doanh lõi là đại lý vận tải, doanh thu mỗi năm cao nhất cũng chỉ khoảng 100 tỉ đồng và lợi nhuận khoảng hơn 10 tỉ đồng.

Hiện nay, Gemadept đã tham gia những lĩnh vực như cảng biển và logistics nhưng ông Minh cho rằng, nếu một khi các cảng này đi vào ổn định hết rồi thì câu chuyện tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi năm là rất khó. “Tính đi tính lại chỉ thấy cách làm cao su là ổn nhất,” ông cho biết.

Cao su là siêu lợi nhuận

Hỏi về chiến lược kinh doanh với cây cao su, ông Minh chỉ trả lời ngắn gọn: “Cứ nghe bầu Đức nói thì biết”. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từng tuyên bố: “Có bán nhà cũng trồng cao su”.

Với cách tính của bầu Đức, vốn đầu tư trồng cao su vào khoảng 100 triệu đồng/ha. Trồng 6 năm khai thác 25 năm, sau đó bán cây cao su lấy gỗ. Chỉ tính riêng phần lấy gỗ cũng đã đủ để HAGL lấy lại vốn đầu tư.

Còn nếu tính thêm lấy mủ thì cao su là siêu lợi nhuận. Một khi 51.000 ha đất trồng cao su nay đi vào thu hoạch sẽ cho ra khoảng 125.000 tấn mủ cao su/năm và giá cao su khoảng 60 triệu đồng/tấn như hiện nay, thì chỉ riêng doanh thu từ cao su mỗi năm HAGL cũng gần 8.000 tỉ đồng. Trong khi đó, giá thành lại chưa đến 20 triệu đồng/tấn.

“Cứ theo cách tính đó thì khi toàn bộ diện tích của Gemadept, khoảng 30.000 ha khi đi vào khai thác (dự kiến năm 2016), Công ty có thể thu được lợi nhuận bình quân 2.000-3.000 tỉ đồng/năm”, ông Minh cho biết.

Không chỉ có Gemadept, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã hăm hở nhảy vào cao su như Đức Long Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Phát Đạt...

Chiến thuật để thu “vàng trắng”

Không ngẫu nhiên mà ngành cao su được xem là vàng trắng của Việt Nam. Thực tế cho thấy, mặc dù doanh số và lợi nhuận có biến động theo giá cao su trên thị trường, nhưng một số doanh nghiệp chuyên về hoạt động trồng và khai thác cao su như Cao su Phước Hòa, Cao su Đồng Phú, Cao su Tây Ninh là chưa bao giờ bị lỗ. “Cơ bản là các doanh nghiệp phải có quỹ đất để trồng cây”, ông Đức nói.

Quỹ đất trồng cao su ở trong nước không còn nhiều, các doanh nghiệp phải tìm kiếm đất trồng ở Lào và bắt đầu mở rộng xin cấp đất trồng cao su ở Campuchia.

Tuy nhiên, việc xin cấp đất ở Lào hay Campuchia với số lượng lớn cũng không phải là việc dễ dàng. Tại Campuchia muốn xin phép đầu tư đất với 10.000 ha trở lên thì phải được quốc hội thông qua. Thậm chí việc sang Campuchia xin đất trồng cao su ngày một nhiều đã khiến cho xuất hiện tình trạng lừa đảo. Cụ thể là một số đối tượng xấu tại Campuchia đã sử dụng các bản dự án chưa có nguồn vốn đầu tư hoặc tạo hồ sơ giả về các dự án trồng cao su, khoai mì, lúa để móc nối với một số kẻ xấu ở Việt Nam lừa đảo.

Đất là vấn đề đầu tiên thì tiền là vấn đề cơ bản thứ hai. Mặc dù suất đầu tư không lớn, nhưng để phát triển những dự án quy mô hàng chục ngàn ha như Gemadept hay HAGL, cần phải có vốn lớn.

Giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc phát hành trái phiếu để huy động vốn, bầu Đức đã có kế hoạch tạo nguồn thu để phát triển cao su. Đó là trồng mía đường. Tại Attapeu, bên cạnh cao su HAGL cũng đã trồng khoảng 6.000 ha mía. Mía đường trồng 1 năm cho thu hoạch, nên hằng năm HAGL có thể lấy nguồn thu đó để bổ sung vốn cho cao su. Hiện tại, nhà máy chế biến đường của HAGL đang xây dựng và có thể hoạt động từ đầu quý III sắp tới.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Phát Đạt, rừng mà Công ty đang trồng cao su là rừng già tại Campuchia. Do đó, nguồn tài nguyên tận thu, chủ yếu là gỗ cũng có thể giúp doanh nghiệp này có được một nguồn vốn để phát triển. “Cách làm của Phát Đạt là theo kiểu cuốn chiếu. Dùng mỡ nó rán nó, nên không cần phải có nhiều vốn. Khó nhất là xin đất, thì Phát Đạt đã vượt qua được”, ông Đạt nói.

Còn cách Gemadept đang tính đến là bán lúa non. Theo ông Minh, Gemadept có thể chuyển nhượng 1/3 đất trồng cao su sau khi đã đầu tư 1-2 năm để có vốn thực hiện 2/3 diện tích còn lại. “Có thể bán lại dự án và kiếm lời ít nhất gấp 3 lần, vì các nhà đầu tư Trung Quốc, Malaysia và Singapore đang săn lùng những dự án như vậy ở Campuchia”, ông cho biết.

Nguyễn Hùng

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   ATA: Giải trình chậm nộp BCTC tổng hợp Q2/2012 (05/09/2012)

>   GMC: Vì sao lưu chuyển tiền thuần âm, hàng tồn kho và nợ ngắn hạn tăng? (05/09/2012)

>   SBS lại bị nhắc nhở về việc công bố BCTC (05/09/2012)

>   Đại gia bán tháo tài sản (05/09/2012)

>   SBS: Đề án tái cấu trúc có khả thi? (05/09/2012)

>   GMD: Sau soát xét, lợi nhuận tăng gần 2.6 tỷ đồng (05/09/2012)

>   SBBS trước nguy cơ mất gần hết vốn (05/09/2012)

>   GMC giải trình chậm công bố BCTC HN soát xét bán niên  (05/09/2012)

>   SCR: Lãi ròng hợp nhất giảm 28 tỷ đồng sau soát xét (05/09/2012)

>   VTI: 06/09 GDKHQ tham dự ĐHĐCĐ bất thường (05/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật