Thứ Tư, 05/09/2012 14:10

Đại gia bán tháo tài sản

Vì nhiều nguyên nhân, các “đại gia” Việt gần đây đua nhau bán bớt tài sản. Có người bán được, có người chưa. Nhưng trước hết, làn sóng này đang tạo ra nhiều lo ngại. Nỗi lo lớn nhất là số tài sản này sẽ rơi vào tay hầu hết đối tác nước ngoài với giá rẻ.

Giải pháp cuối cùng

Kinh doanh sa sút, nợ nần chồng chất khiến không ít đại gia Việt đành chọn giải pháp cuối cùng là bán bớt tài sản để tránh nguy cơ phá sản.

Điển hình là Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco). Khoản nợ ngân hàng và nợ tiền mua cá của nông dân gần 1.800 tỉ đồng đã đẩy công ty này đến bờ vực phá sản. Công ty đã tìm mọi cách để giảm nợ và đang có kế hoạch bán nhiều tài sản như nhà máy, các dự án bất động sản… nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.

Không riêng gì Bianfishco, một đại gia khác trong ngành cà phê là Tập đoàn Thái Hòa cũng đang tính bán bớt tài sản. Hiện nay, Thái Hòa đã bán gần hết dự án Thái Hòa Điện Biên và 51% dự án cà phê tại Lào cho Ngân hàng Hàng hải để trừ nợ. Tập đoàn này cũng lên kế hoạch bán nhiều dự án khác, phần lớn cho các chủ nợ ngân hàng để giảm bớt số nợ gấp 4 lần vốn chủ sở hữu (vốn 300 tỉ đồng).

Nợ nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay vẫn là các doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, việc Công ty Quốc Cường Gia Lai tuyên bố sẽ bán nhiều dự án để trả nợ cũng không có gì lạ.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dự báo làn sóng bán tài sản của doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục, nhất là doanh nghiệp bất động sản. “Có 2 đối tượng chính đã và sẽ đi mua tài sản. Đó là các công ty có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng số này rất ít. Vì vậy, đối tượng còn lại và chủ yếu vẫn là các ngân hàng”, ông nói thêm.

Có đáng lo?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng: “Nên khuyến khích việc bán tài sản. Bởi lẽ, vào lúc này, tiền mặt vẫn quan trọng hơn lợi nhuận. Lợi nhuận không đủ trả lãi vay hoặc chỉ nằm trên giấy do chủ yếu bán chịu thì vẫn không bằng cầm tiền mặt trong tay”.

Theo ông Đực, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều ngân hàng lớn đã mua lại các tài sản của doanh nghiệp với giá chỉ bằng 50% giá trị thực tế. Mặt khác, thông qua những công ty liên quan, họ cũng mua lại các tài sản thế chấp với giá rẻ để giúp doanh nghiệp có tiền trả nợ, đồng thời giúp giảm nợ xấu ngân hàng. Đa số trường hợp này đều không được công bố, trừ việc thanh lý tài sản của những doanh nghiệp đã không còn cách nào để trả nợ.

Tuy nhiên, từ đây lại dấy lên một lo ngại khác. Đó là tài sản mà doanh nghiệp phải bán lại với giá rẻ sẽ rơi vào tay phần lớn các đối tác nước ngoài, có vai trò của ngân hàng trong đó. Vì khi ngân hàng mua xong và bán lại để thu tiền về, các nhà đầu tư nước ngoài giàu tiềm lực tài chính là đối tượng đầu tiên được họ nhắm đến.

Trên thực tế, một số đối tác nước ngoài đã từng lăm le mua lại tài sản của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Ví dụ như trường hợp của Bianfishco. Khi Công ty có ý định bán nhà máy, đối tác Hà Lan đã nhận mua ngay.Trong quá trình mua, đối tác này đã cố tình ép giá từ 120 triệu USD xuống còn 80 triệu USD. Mặt khác, trước khi Bianfishco công bố tình trạng phá sản, có thông tin cho rằng một đối tác khác từ Đan Mạch đã “lân la” với Ngân hàng Habubank, chủ nợ lớn của Bianfishco, về việc mua lại Công ty.

Về vấn đề này, Giám đốc Đầu tư của một công ty chứng khoán tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng đây cũng là chuyện bình thường. “Đã đến lúc doanh nghiệp phải chấp nhận một cuộc chơi lớn hơn”, ông nói.

Trong lộ trình hội nhập kinh tế thế giới, sự cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài là không thể tránh khỏi. Trong hoàn cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lã triền miên, không có nguồn thu, các dự án nằm im không thể triển khai thì có giữ cũng không được lợi gì. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua lại một phần tài sản hoặc toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể kỳ vọng họ phục hồi công ty đó nhờ vào tiềm lực tài chính sẵn có cùng với các nghĩa vụ tài chính đóng góp cho ngân sách.

“Bán tài sản vào lúc này có khi lại hay nếu nghĩ đến việc cố cầm cự rồi phải bán với giá rẻ hơn trong thời gian tới”, vị Giám đốc Đầu tư nói trên nhận xét.

Nhưng nếu ngân hàng không bán được số tài sản doanh nghiệp dùng thế chấp thì sao? Rõ ràng, lúc này ngân hàng sẽ ôm trọn cái khó về mình. Hệ quả trước tiên là nợ xấu sẽ tăng lên. Áp lực này buộc ngân hàng phải tìm cách xử lý. Có nhiều cách để giải quyết nhưng có lẽ chỉ có 2 cách có lợi và nhanh chóng mà ngân hàng có thể áp dụng ngay lúc này.

Cách thứ nhất, nếu tài sản thế chấp là bất động sản có thể làm trụ sở hoặc chi nhánh, ngân hàng có thể thương lượng giá cả với doanh nghiệp. Sau đó ngân hàng sẽ mua lại tài sản này với mục đích làm trụ sở. Nhưng nhìn chung, ngân hàng không cần nhiều trụ sở trong một thời điểm trong khi số tài sản thế chấp không phải là ít để ngân hàng có thể lặp lại cách xử lý trên.

Vì vậy, cách thứ hai là ngân hàng dùng các công ty liên quan, dễ thấy nhất là công ty mua bán nợ của mình để mua số tài sản kia. Sau động tác này, khoản mục “dư nợ cho vay” trên báo cáo tài chính riêng lẻ của ngân hàng mẹ sẽ giảm hoặc không còn nợ xấu. Nhưng với báo cáo hợp nhất thì rủi ro này vẫn còn và được ẩn dưới những cái tên mỹ miều khác như “khoản phải thu khác” hay “tài sản có khác”. Cuối cùng về bản chất, ngân hàng vẫn phải ôm trọn khối tài sản kém chất lượng đã đỡ cho những doanh nghiệp khách hàng của mình.

Ngọc Dương

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   SBS: Đề án tái cấu trúc có khả thi? (05/09/2012)

>   GMD: Sau soát xét, lợi nhuận tăng gần 2.6 tỷ đồng (05/09/2012)

>   SBBS trước nguy cơ mất gần hết vốn (05/09/2012)

>   GMC giải trình chậm công bố BCTC HN soát xét bán niên  (05/09/2012)

>   SCR: Lãi ròng hợp nhất giảm 28 tỷ đồng sau soát xét (05/09/2012)

>   VTI: 06/09 GDKHQ tham dự ĐHĐCĐ bất thường (05/09/2012)

>   FDG: Phải trích lập dự phòng, sau soát xét công ty mẹ lỗ 36 tỷ đồng (05/09/2012)

>   CSG: Những vấn đề lưu ý của kiểm toán trước giải thể (05/09/2012)

>   Danh sách công ty niêm yết đã nộp BCTC Q2/2012 và BCTC soát xét đến hết ngày 04/09 (05/09/2012)

>   AVF: Lợi nhuận ròng sau soát xét giảm 6.6 tỷ đồng (05/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật