SBS: Đề án tái cấu trúc có khả thi?
CTCP Chứng khoán NH Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SBS) - đơn vị có số cổ phần lớn (trên 126 triệu cp), thực trạng đang thua lỗ cũng lớn (lỗ lũy kế 1,772 tỷ, âm vốn chủ sở hữu 256 tỷ đồng). SBS sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu vốn chủ sở hữu tiếp tục âm đến cuối năm.
* SBS: 14/09 GDKHQ góp ý kiến phát hành tăng vốn
Đơn vị đang ở dạng kiểm soát đặc biệt và chỉ có thời gian 6 tháng để khôi phục chỉ tiêu an toàn tài chính trên 180% để có thể duy trì hoạt động bình thường. Thông thường, với thực trạng trên thì một đơn vị gần như không còn cách nào để cứu chữa. Nhưng SBS vẫn còn hy vọng, vẫn còn lối thoát ở khoản 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi mà SBS phát hành cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HOSE: STB). Và SBS đã đưa ra đề án tái cấu trúc dựa vào khoản trái phiếu chuyển đổi trên.
Ở trái phiếu chuyển đổi, trái chủ (ở đây là STB) có quyền lựa chọn giữa việc nhận lại tiền bỏ ra mua trái phiếu cùng lãi suất đi kèm hoặc nhận chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu. Trong đề án tái cơ cấu, SBS đã không đề cập việc đàm phán với trái chủ (STB) về phương án tái cơ cấu, là yếu tố quyết định đầu tiên của quá trình.
Với đề án trên, STB chịu rất nhiều thiệt thòi. Nói cách khác, đề án là thuật tặng cho, biến lớn thành nhỏ để lấy nguồn dôi ra biến mất thành còn, biến không thành có.
Bước một, bằng việc đồng ý chuyển đổi sang cổ phiếu theo tỷ lệ 1 - 1, sau đó hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 3.8 thành 1 cổ phiếu mới để trở thành giá trị sổ sách 10,000 đồng.
Khoản tiền 800 tỷ đồng của STB giờ chỉ còn giá trị sổ sách hơn 210 tỷ đồng. STB đã tặng non 590 tỷ dùng để bù phần âm vốn chủ sở hữu 260 tỷ đồng (biến những chủ nợ SBS từ mất nợ thành còn), phần còn lại khoảng 330 tỷ đồng dùng tặng đều cho 126 triệu cổ phiếu hiện tại của SBS, mỗi cổ phiếu được tặng khoảng 2,600 đồng, và 3.8 cổ phiếu được tặng 10,000 đồng (biến không thành có).
Như vậy, với SBS, việc đàm phán cùng STB cần là bước đầu tiên chứ không phải là xin ý kiến cổ đông như đề án.
Kế hoạch tái cấu trúc vốn của SBS
|
Chuyển đối 800 tỷ trái phiếu
|
Giảm vốn 3.8:1
|
Phát hành 257 tỷ cổ phiếu
|
Vốn điều lệ
|
2,066 tỷ
|
543 tỷ
|
800 tỷ
|
Số lượng cổ phiếu
|
206 triệu
|
54.30 triệu
|
80 triệu
|
Vốn chủ sở hữu
|
543 tỷ
|
543 tỷ
|
800 tỷ
|
Lỗ lũy kế
|
1,772 tỷ
|
0 đ
|
0 đ
|
Tỷ lệ an toàn vốn
|
Nhỏ hơn 180%
|
Nhỏ hơn 180%
|
Lớn hơn 180%
|
|
Không đủ điều kiện hoạt động bình thường
|
Đủ điều kiện hoạt động bình thường
|
Về phía STB, một vấn đề cũng cần quan tâm là STB có một HĐQT và Ban Điều hành mới so với thời điểm mua trái phiếu chuyển đổi. Một quyết định gần như tặng cho như thế liệu HĐQT sẽ tự quyết hay xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông?
Bước hai, nếu STB đồng ý theo nội dung đề án, đề án phải xin ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước vì đã vượt tỷ lệ cho phép một ngân hàng mua cổ phần một đơn vị (tỷ lệ này theo Chủ tịch HĐQT SBS, nguyên Vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước là 11%), đó là chưa kể việc mua cổ phần này có vượt ngưỡng tỷ lệ cho phép đầu tư trên vốn điều lệ ngân hàng hay không (ngưỡng 50%).
Đây mới chính là hai tiền đề bắt buộc đầu tiên của đề án tái cấu trúc SBS mà trong đề án không đề cập.
Nếu hai bước trên được thông qua thì quá trình tái cấu trúc để đưa SBS khôi phục chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ khả thi, kể cả việc phát hành 257 tỷ đồng vốn điều lệ mới vì lúc này giá phát hành bằng với giá trị sổ sách.
Do SBS có lượng cổ phần cũng như thanh khoản lớn trên sàn, ảnh hưởng đến khá nhiều nhà đầu tư nên HĐQT của SBS cần thông tin rõ cho nhà đầu tư về quyết định có giá trị của STB cũng như Ngân hàng Nhà nước về Đề án tái cơ cấu SBS. Đây là những nguồn tư liệu giúp nhà đầu tư đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp.
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
FFN
|