Dệt may gặp khó với thủ tục tạm nhập tái xuất
Quy định về điều kiện thanh khoản hợp đồng để doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế tạm nhập tái xuất đã có trong vài năm qua, nhưng quy định này càng gây khó cho doanh nghiệp hơn khi kinh tế khó khăn, khách hàng chậm thanh toán.
Dệt, may đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu của Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại may Sài gòn, hôm 4-9 cho biết, công ty ông sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).
Ông Ân cho rằng, hình thức FOB này giúp doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn so với hình thức gia công, và đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, các doanh nghiệp làm hàng FOB lại gặp phải khó khăn do quy định về tạm nhập tái xuất.
Cụ thể, trong vài năm nay, cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải được khách hàng thanh toán xong, thì hải quan mới nhận hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế đối với hàng hoá tạm nhập khẩu để xuất khẩu.
Ông Ân cho rằng quy định này đã làm khó doanh nghiệp và nay lại càng gây khó khăn hơn, khi kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, doanh nghiệp phải chấp nhận cho khách hàng trả chậm từ 3-6 tháng.
Khi ấy, nếu đợi khách hàng thanh toán xong, doanh nghiệp sẽ bị lố thời gian ân hạn thuế 275 ngày (được hưởng thuế nhập khẩu 0%) áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Do đó, doanh nghiệp phải vay tiền để đóng thuế nhập khẩu nguyên liệu mặc dù hàng hoá đã được xuất khẩu, nếu không, doanh nghiệp sẽ bị cấm xuất, nhập khẩu.
Vị tổng giám đốc này cho biết, hiện do tình hình kinh tế khó khăn, nên có nhà cung cấp nguyên liệu đồng ý cho công ty trả chậm, và công ty cũng có quyền quyết định cho khách hàng trả chậm để khách hàng tìm thị trường tiêu thụ hàng hoá.
Ngoài ra, ông Ân cũng cho biết thêm, với quy định trên, nếu khách hàng phá sản và không thanh toán cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế nhập khẩu nguyên vật liệu và không được hoàn lại thuế. Có nghĩa là, doanh nghiệp vừa bị mất tiền hàng, lại vừa phải đóng thuế cho nhà nước trong khi hàng hoá đã được xuất khẩu.
Theo thông tư 79/2009/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 20-4-2009 có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký, hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu ra nước ngoài, yêu cầu một số giấy tờ như chứng nhận hàng hoá đã được xuất khẩu, hồ sơ còn phải có bản sao chứng từ thanh toán cho hàng hoá xuất khẩu.
T.Thu
TBKTSG
|