Cần khơi dậy sức sống mãnh liệt cho khối dân doanh
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, cần thay đổi tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế, nguồn lực quốc gia tập trung nhiều hơn cho khu vực kinh tế dân doanh, và chú trọng đặc biệt đến khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Theo ông, đến nay khối SMEs đã tạo được sự khác biệt nào so với giai đoạn đầu Việt Nam cải cách kinh tế và hội nhập? Ông nghĩ sao về sự lo ngại rằng đa số doanh nghiệp nhỏ của chúng ta cứ… nhỏ hoài?
So với thời kỳ đầu của cải cách và mở cửa, khối SMEs đã gia tăng nhanh về số lượng (tăng gấp hàng chục lần) và về chất lượng (cải thiện trang thiết bị, công nghệ, gia tăng năng suất, hiệu quả…), đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế. Mô hình SMEs đã được đánh giá có hiệu quả cao nhờ ở chính quy mô của nó, vì thế chúng ta không nên kỳ vọng các SMEs sẽ trở nên lớn hơn hay quá lớn. Tuy nhiên, nỗi bức xúc của chúng ta là khối doanh nghiệp SMEs dường như đang dậm chân tại chỗ, năng suất và hiệu quả đều giảm sút trước khi đạt đến một quy mô hoạt động tối ưu. Hai năm qua chứng kiến tình trạng các SMEs rơi vào phá sản tăng nhanh khiến chúng ta có cảm giác rằng SMEs giống như những đứa con bị bỏ rơi trong nền kinh tế.
Thừa nhận vai trò SMEs nhưng những chính sách còn rất mờ nhạt lại ít đi vào thực tiễn, vậy cần cách ứng xử ra sao trong tình hình đặc biệt khó khăn như hiện nay?
Chính sách cởi trói kinh tế tư doanh đã hình thành nên các SMEs, là trụ cột của khu vực dân doanh trong nền kinh tế nước ta, nhờ đó khu vực này đã đóng góp lớn và tích cực vào tăng trưởng GDP và giải quyết công ăn việc làm cho trên 80% lao động trong cả nước. Tuy nhiên, chưa có một chính sách khuyến khích thật sự. Việc phân bố các nguồn lực trong nền kinh tế quốc dân (nguồn vốn, nhân lực, công nghệ, tài nguyên…) vẫn đang tập trung nhiều vào khu vực kinh tế quốc doanh. Các SMEs hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có, ít tiếp cận được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, do đó tăng trưởng rất chậm. Còn khi gặp khó khăn, khủng hoảng, chính họ lại là những người chết trước nhất.
Cần có một thay đổi tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế, tập trung nguồn lực quốc gia nhiều hơn cho khu vực kinh tế dân doanh, và chú trọng đặc biệt đến khối SMEs. Cho đến nay, thực tiễn đã chứng minh rằng họ chính là những người sử dụng các nguồn lực hiệu quả nhất.
Chưa nói đến việc vươn ra thị trường toàn cầu thì ngay thị trường nội địa vẫn còn khó khăn để các SMEs cọ xát…
Các SMEs hiện chủ yếu hoạt động tại thị trường nội địa và ngay trên sân nhà họ đã phải đối mặt với những thách thức quá lớn. Họ phải chấp nhận hoạt động với chi phí cao (giá phí cao, thuế suất cao, lãi suất cao...) trên một sân chơi chưa bình đẳng. Vấn đề của khối SMEs hiện nay chính là tồn tại ngay trên sân nhà, chưa nói đến việc vươn ra thị trường quốc tế. Dù đã có một số trường hợp ít ỏi thành công, nhưng sự thành công đó sẽ không thể được nhân rộng nếu các SMEs không nhận được những hỗ trợ cần thiết từ phía Nhà nước. Khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một sự động viên tinh thần tốt, nhưng các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thực tiễn nhiều hơn thế.
Như vậy làm sao để sau khủng hoảng có thể tạo đà cho một lớp doanh nghiệp mới hay một không gian cho SMEs phát triển, khi mà đi qua khủng hoảng năng lực của họ gần như cạn kiệt và niềm tin bị bào mòn?
Tôi cho rằng các SMEs Việt Nam có một sức sống mãnh liệt vì họ trưởng thành từ hoàn cảnh rất khó khăn. Chính điều đó đã làm nên sức bền bỉ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không nhận được những sự hỗ trợ cần thiết từ các chính sách đòn bẩy, các SMEs của chúng ta chỉ có thể cố gắng để tồn tại nhưng sẽ trở nên yếu dần khi hội nhập kinh tế sâu hơn. Họ cần được trang bị tốt hơn, cần được Nhà nước và cộng đồng thừa nhận vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với những cơ chế, những chính sách khuyến khích rõ ràng, sự trợ giúp mạnh mẽ hơn. Họ cần được Nhà nước tin cậy hơn trong vai trò người chiến sĩ xung kích trên mặt trận kinh tế. Nhà nước và cộng đồng có thực sự tin cậy, họ mới thực sự có niềm tin vào chính họ và vào đất nước.
Tuyết Ân
TS Alan Phan: cần không gian riêng để SMEs phát triển
Lấy kinh nghiệm của các nước mà khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đóng góp một phần quan trọng cho GDP cũng như tạo ra sự năng động và sáng tạo cho toàn nền kinh tế như Mỹ, Israel, Đài Loan, Hong Kong, Singapore… ta có thể tìm ra các mẫu số chung gồm: họ có luật thương mại rất cởi mở và bộ máy chính quyền chỉ can thiệp tối thiểu vào việc vận hành của các doanh nghiệp. Chính quyền không sách nhiễu để tạo thêm gánh nặng cho khối SMEs nhưng cũng không tài trợ hay cứu trợ mỗi khi các SMEs, phạm sai lầm. Các SMEs được tạo không gian riêng để phát triển mà không bị các tập đoàn lớn của nhà nước chèn ép vì những đặc quyền đặc lợi riêng.
Ngân sách chính phủ luôn đặt trọng tâm vào giáo dục để tạo được đội ngũ chuyên viên và công nhân giỏi nghề chính là cách thức hỗ trợ lớn nhất cho các SMEs. Chính phủ luôn khuyến khích các SMEs theo cách trước tiên là mở rộng thị trường nội địa để họ cọ xát, và chịu nhiều thử thách ngay trên sân nhà trước khi có thể ra biển lớn cạnh tranh với những đối thủ toàn cầu. Việc thực thi luật pháp có tính công bằng và minh bạch và các vấn đề kỷ cương đạo đức doanh nghiệp cũng là một đòi hỏi pháp lý chặt chẽ để hỗ trợ SMEs phát triển.
Hoàng Duy (ghi)
|
sài gòn tiếp thị
|