4 lý do có thể khiến thị trường hàng hóa sụp đổ
Sự kết hợp của yếu tố tăng cung, giảm cầu, trong khi còn một số lượng lớn hàng tồn kho có thể khiến giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng cứng (là nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác hoặc chiết xuất như kim loại, cao su, dầu,. ..) sụp đổ.
Theo các nhà phân tích có 4 lý do có thể khiến giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Một là, trong thập kỷ trước, khi nhu cầu hàng hóa gia tăng đột biến gây ra những bất ngờ lớn cho các nhà sản xuất. Họ không thể phản ứng nhanh hơn để đáp ứng và điều đó đã khiến giá cả hàng hóa liên tục tăng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong khi lĩnh vực sản xuất được đầu tư lớn hơn, các nguồn cung đã tăng trưởng nhanh chóng, cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu, Mỹ và những bất ổn ở nhiều khu vực khác đã làm nhu cầu toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Kết quả là cung đã lớn hơn nhiều so với cầu.
Hai là, hầu như tất cả các nhu cầu tăng trong vòng 20 năm qua, mà trong thực tế xảy ra chủ yếu trong thập kỷ trước, có sự đóng góp rất lớn của quá trình tăng trưởng quá nhanh và thiếu cân bằng ở Trung Quốc. Nhưng hiện tại, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại và sẽ tiếp tục đi xuống trong vài năm tới.
Ba là, một yếu tố đóng vai trò quan trọng khi nền kinh tế Trung Quốc được tái cân bằng để hướng tới một hình thức tăng trưởng bền vững hơn, sẽ khiến cho nhu cầu đối với các mặt hàng chuyên sâu suy giảm. Ngay cả khi một điều kỳ diệu xảy ra đó là việc Trung Quốc có thể để lấy lại tốc độ tăng trưởng từ 10-11%/năm, thì nhu cầu đối với các mặt hàng cứng của một nền kinh tế được tái cân bằng cũng sẽ suy giảm.
Và cuối cùng, nhiều nhà sản xuất ở các quốc gia như Australia, Peru và Brazin, hiện vẫn đang đánh giá quá cao tính bền vững mô hình tăng trưởng của Trung Quốc (chính xác hơn là họ đã không để ý đến việc tăng trưởng của Trung Quốc có bền vững hay không). Và bởi vậy họ đã tiếp tục tăng cường đầu tư lớn để mở rộng sản xuất một cách nhanh chóng.
Nhiều nhà sản xuất gần đây đã thừa nhận việc giá cả hàng hóa đang suy giảm đáng kể, nhưng họ vẫn tin rằng sự suy giảm này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và giá sẽ nhanh chóng tăng trở lại khi nhu cầu của Trung Quốc được phục hồi. Tuy nhiên, họ không nhìn thấy một thực tế là việc tăng mua hàng hóa lớn của Trung Quốc trong vài năm qua không chỉ để đáp ứng các nhu cầu phát triển ở trong nước mà còn khiến cho số lượng hàng hóa tồn kho phát triển nhanh chóng. Kết quả là mức tồn kho hiện tại của Trung Quốc đã lên quá cao và có thể đảm bảo cho tăng trưởng nhu cầu của nước này trong ít nhất một vài năm tới.
Sự kết hợp của yếu tố tăng cung, giảm cầu, trong khi còn một số lượng lớn hàng tồn kho có thể khiến giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng cứng (là nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác hoặc chiết xuất như kim loại, cao su, dầu,. ..) sụp đổ. Một số mặt hàng như đồng, có thể sẽ giảm tới 50% hoặc nhiều hơn nữa trong vòng 2-3 năm tới.
Thanh Hải
thời báo ngân hàng
|