Thứ Ba, 15/05/2012 23:08

Nhiều bất cập ở sàn giao dịch hàng hóa

Sở giao dịch hàng hóa đầu tiên chính thức ra đời đã hai năm nay nhưng sức thu hút còn kém bởi người tham gia ít và thanh khoản thấp… Việc phát triển các sàn này ra sao đã được các doanh nghiệp đặt ra tại cuộc hội thảo sáng 15.5 do bộ Công thương tổ chức tại TPHCM.

Quy định bất hợp lý

Theo ông Phạm Đình Thưởng, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) hạn chế lớn nhất hiện nay là quy định về hạn mức giao dịch. Theo đó hạn chế tổng mức giao dịch trên sàn hàng hóa không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hóa đó được sản xuất tại Việt Nam vào năm kế trước. Hạn mức giao dịch của một thành viên cũng không được vượt quá 10% tổng hạn mức giao dịch. "Đây là quy định thiếu cơ sở kinh tế và mâu thuẫn với sự phát triển của thị trường phái sinh vì hàng hóa giao dịch không phải đối tượng hạn chế kinh doanh".

Quy định ủy thác giao dịch hiện nay cũng làm hạn chế trên sàn hàng hóa. Hiện nay việc giao dịch chỉ dành cho các thành viên kinh doanh (phải đạt mức vốn 75 tỉ đồng), nếu không phải giao dịch ủy thác. Quy định này đã không tạo điều kiện mở cho các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trong khi phần lớn nhà đầu tư trên sàn hàng hóa là cá nhân. "Nên quy định thành viên tự doanh chứ không thể hạn chế họ phải là doanh nghiệp", ông Thưởng đề xuất.

Cũng theo ông Thưởng, quy định còn bất hợp lý ở tỷ lệ ký quỹ giao dịch (margin) hiện nay là không được thấp hơn 5% trị giá của từng lệnh giao dịch với tỷ lệ đòn bẫy 20:1, là tỷ lệ rất thấp so với mức trung bình của giao dịch hàng hóa thế giới. Việc ký quỹ giao dịch được thị trường thế giới xem như một liều thuốc kích thích kinh doanh giao dịch và lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, đồng thời là công cụ quan trọng cho hoạt động giao dịch phái sinh, nếu mức quá thấp không tạo được sự hấp dẫn.

Vụ Pháp chế đang lấy ý kiến doanh nghiệp để soạn thảo đề xuất mới cho việc sửa quy định theo hướng nâng tỷ lệ đòn bẫy và bỏ hạn mức giao dịch. Tuy nhiên sử dụng đòn bẩy cao đi liền với rủi ro cao nên sẽ tính toán tỷ lệ này ra sao là phù hợp. Vụ này đề xuất tỷ lệ đòn bẩy phải linh hoạt theo mặt hàng, mức phổ biến là 50 lần thay cho 20 lần hiện nay. Từng mặt hàng cụ thể có thể áp dụng tỷ lệ 20:1 hoặc 30:1, đồng thời cho phép nhà đầu tư linh hoạt lựa chọn hạn mức đòn bẩy phù hợp với khả năng và với mặt hàng giao dịch.

Theo ông Nguyễn Duy Phương, tổng giám đốc sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), số lượng nhà đầu tư ít còn do sự mới mẻ của thị trường, hiện giao dịch chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân và chưa khai thác được các tổ chức. Doanh nghiệp khó khăn về vốn, kinh nghiệm thị trường nhưng lại thiếu sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. "Cần có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia sàn hàng hóa trong nước và nhà đầu tư trong nước tham gia sàn hàng hóa nước ngoài".

Thêm hàng hóa, sợ rủi ro

Yếu tố quan trọng để các sàn thu hút nhiều người tham gia là độ phong phú của hàng hóa. Ba mặt hàng hiện tại thép, cà phê và cao su là quá nghèo nàn. Dự kiến sắp tới đưa thêm vào sàn tiêu, bông sợi, đường. Theo ông Thưởng, cần cho phép giao dịch các mặt hàng kim loại quý, dầu mỏ, vàng bởi đây là những mặt hàng phổ biến dễ thúc đẩy thị trường. Thực tế vàng vẫn đang được giao dịch trên sàn Forex thế giới do các cá nhân thực hiện trực tiếp, hoặc biến tướng dưới các hình thức như egold, sản phẩm tiền gửi. "Nếu cần sẽ quản lý bằng cách giới hạn tỷ lệ đòn bẩy, nếu không cũng làm thất thoát cho thị trường".

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, thị trường cần có sự cạnh tranh về giá mua và bán. Việt Nam có những nông sản hàng đầu thế giới như tiêu, gạo, cà phê… nhưng do thiếu sàn giao dịch nên phải dựa vào giá trên sàn tiêu Ấn Độ, dẫn đến phụ thuộc vào điều hành của sàn này. "Với tỷ trọng 50% sản lượng tiêu toàn cầu là lợi thế có thể ảnh hưởng đến thị trường thế giới, nhưng giao dịch không biết dựa vào đâu vì thế cần công cụ điều tiết làm chỗ dựa cho nông dân". Ông Nam cũng đề xuất: "Quản lý sàn hàng hóa phải là Nhà nước chứ không thể hoàn toàn tư nhân bởi cần công cụ điều tiết hiệu quả".

Ông Đỗ Hồng Giang, tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, doanh nghiệp ngành này phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu. Từ 2009 đến nay, giá bông sợi thế giới biến động thất thường làm bất lợi cho doanh nghiệp trong nước do 90% lượng giao dịch theo phương thức chốt giá trước. Doanh nghiệp bị thua lỗ và có nơi đóng cửa nhà máy, không chỉ tổn thất về tài chính mà còn về uy tín doanh nghiệp. "Đưa bông sợi vào danh mục giao dịch sẽ giúp khắc phục các khó khăn về mua bán nguyên liệu, giảm các rủi ro về chất lượng hàng hóa, kiều hối, ký quỹ…".

Chia sẻ kinh nghiệm giao dịch trên sàn quốc tế, theo ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc công ty Phúc Sinh, do không sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro nên nhiều lần thất bại. Mất đến tám năm để ông có thể đạt được những kỹ năng cần thiết và am hiểu các kỹ thuật giao dịch. "Sàn giao dịch hàng hóa là thiết yếu cho doanh nghiệp nhưng muốn tham gia cần có cả kiến thức lẫn khả năng tài chính. Nhiều doanh nghiệp hiện chưa được trang bị đủ các kỹ năng này, rất dễ bị phụ thuộc và thị trường bên ngoài, vì thế cần thời gian".

Tuyết Ân

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Việt Nam "lên ngôi" Trung tâm giao dịch hàng hóa Đông Nam Á (23/04/2012)

>   Citigroup nâng dự báo giá hàng hoá năm 2012 (23/04/2012)

>   Chưa dám thử hợp đồng tương lai (04/04/2012)

>   Trung - Ấn làm chao đảo thị trường hàng hóa thế giới (27/03/2012)

>   Xuất khẩu cà phê: Doanh nghiệp ôm nợ, nông dân khổ (26/03/2012)

>   Đồng USD đang chi phối giá hàng hóa thế giới (19/03/2012)

>   Không dám tăng giá theo xăng vì... ế (16/03/2012)

>   Giá sợi cotton nhảy vọt khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (06/03/2012)

>   Dầu cọ đạt mức cao mới trong 8 tháng  (24/02/2012)

>   Wal-Mart giảm lợi nhuận do cuộc chiến giá cả ở Mỹ (23/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật