Xử lý nợ xấu: Rủi ro nhiều, dự phòng ít
Trích dự phòng chưa tương xứng với mức độ rủi ro của từng khoản vay; cơ chế sử dụng mức dự phòng để xử lý nợ quá chặt chẽ vô tình giúp các ngân hàng (NH) có cớ ỷ lại xử lý nợ xấu.
Trích ít, lãi nhiều
Theo Quyết định (QĐ) 493/2005 của NHNN, các khoản tín dụng được phân theo 5 nhóm nợ, căn cứ từng nhóm, các NH phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR). Cụ thể, nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) trích 0%, nhóm 2 (nợ cần chú ý) 5%, nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) 20%, nhóm 4 (nợ nghi ngờ) 50% và nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) 100%. Ngoài ra, NH còn phải trích DPRR chung bằng 0,75% tổng giá trị các khoản nợ.
Như vậy, DPRR là một nguồn quan trọng để các NH sử dụng để xử lý nợ. Số tiền trích hạch toán vào chi phí kinh doanh nên mức trích càng lớn, lợi nhuận càng giảm và ngược lại, trích ít thì lợi nhuận nhiều. Một chuyên gia có uy tín về lĩnh vực tài chính cho biết, mức trích hiện nay là quá ít trong khi ở nhiều quốc gia, bất cứ khoản cho vay nào NH cũng phải trích dự phòng 100% giá trị khoản vay đó.
Ngoài ra, theo QĐ 493, khi tính số tiền dự phòng cụ thể phải trích, các NH được trừ đi tỷ lệ nhất định trên giá trị tài sản thế chấp nên số tiền thực tế bị giảm đi rất nhiều. Chuyên gia này ví dụ, một căn nhà giá trị 10 tỉ đồng, tỷ lệ tối đa để xác định giá trị tài sản bảo đảm là 50%. Số tiền dự phòng phải trích bằng giá trị của khoản nợ trừ đi giá trị của tài sản đảm bảo thì rõ ràng mức trích đã giảm đi một nửa.
“Đó là lý do khi thị trường bất động sản đóng băng, giá sụt giảm, những khoản nợ nhóm 5 có nguy cơ mất vốn không được các NH phát mãi. Vì bán lỗ và DPRR cũng không đủ để bù vào. Nếu tiếp tục trích, chi phí tăng lên, lợi nhuận của NH sẽ bị giảm xuống. Vì vậy, họ không muốn làm điều đó”, chuyên gia này nói.
“Né” trách nhiệm
Theo QĐ 493, các NH chỉ được dùng DPRR để xử lý nợ nhóm 5, hoặc khi DN giải thể, phá sản; cá nhân bị chết hay mất tích. Cơ chế này, được tổng giám đốc một NH cổ phần ví như việc các NH đóng tiền để dự phòng nhưng lại không thể sử dụng linh hoạt để có quyền xử lý nợ.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng đó chỉ là cái cớ. Vì nếu có cho thì chưa chắc các NH đã ráo riết, quyết liệt “móc” tiền từ đó ra, vì khi dùng đồng nào, các NH phải trích thêm cho đầy đủ DPRR đồng đó. “Càng trích thì càng làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Rõ ràng các NH có lý do để chần chừ và muốn giải quyết bằng cách khác”, một chuyên gia tài chính NH lý giải.
Theo đề xuất của vị chuyên gia này đã đến lúc NHNN cần phải thay đổi những cơ chế, chính sách đã quá bất cập tại QĐ 493, vì hiện tại quy mô hoạt động của các nhà băng đang ngày càng mở rộng trong khi những quy định hiện nay không đủ để đảm bảo sự an toàn.
Ngoài ra, những quy định trên quá nặng về tài sản đảm bảo, trong khi thực tế tiêu chuẩn đầu tiên đảm bảo an toàn cho một món vay chính là tính khả thi và hiệu quả của dự án đó lại chưa được đề cao. Đó là chưa kể, QĐ này đã tạo cơ chế cho các NH mải chạy theo lợi nhuận, quảng bá ầm ĩ thông qua tăng vốn, tăng tài sản, nhưng kết quả cuối cùng là một cơ thể ốm yếu với đầy rẫy nợ xấu.
“NH phải chấp nhận tăng mức trích, giảm lợi nhuận, chứ không thể để những khoản nợ quá nhiều mà không tự giải quyết, trong khi lợi nhuận vẫn đứng ở mức cao”, nguyên Phó trưởng Vụ Kế toán NHNN chia sẻ và bà cũng đề xuất thêm, hiện nay ngoài DPRR, theo Nghị định 146/2005/NĐ-CP các NH phải trích Quỹ dự phòng tài chính chung, mức trích là 10% lợi nhuận sau thuế, số dư tối đa của quỹ này không vượt quá 25% vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, mức trích 10% này chưa thấm vào đâu đối với đặc thù hoạt động nhiều rủi ro của ngành NH. Vì vậy, cần thiết phải nâng mức này lên ít nhất 15%. “Nợ xấu ngoài nguyên nhân DN quản trị kém, cũng do chính bản thân các NH cho vay quá nhiều, không theo quy trình tín dụng. Vì vậy, bản thân các cổ đông NH phải chấp nhận giảm cổ tức để tham gia xử lý nợ xấu, trước khi mong chờ các giải pháp khác”, chuyên gia này nói thêm.
Anh Vũ
Thanh Niên
|